Bữa cơm đại đoàn kết – thắt chặt tình làng, nghĩa xóm
Đã thành nét đẹp truyền thống, nhiều năm qua, các khu dân cư (KDC) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tổ chức những bữa cơm đại đoàn kết nhân dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Quây quần bên mâm cơm ấm tình không chỉ là dịp để những người dân sống cùng KDC, người con xa quê trở về gặp gỡ, chia sẻ mà còn là cầu nối gắn kết các gia đình, không phân biệt giai tầng xã hội, cùng chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Đã thành nét đẹp truyền thống, nhiều năm qua, các khu dân cư (KDC) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tổ chức những bữa cơm đại đoàn kết nhân dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Quây quần bên mâm cơm ấm tình không chỉ là dịp để những người dân sống cùng KDC, người con xa quê trở về gặp gỡ, chia sẻ mà còn là cầu nối gắn kết các gia đình, không phân biệt giai tầng xã hội, cùng chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Màn hát múa, giao lưu nhảy sạp của Nhân dân xóm Ngái, xã Thạch Yên (Cao Phong).
Từ đầu tháng 11 đến nay, không khí tại các KDC trên địa bàn tỉnh sôi nổi, vui tươi hơn khi cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân cùng chung tay tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc – Ngày hội văn hóa quân dân.
Ngay từ sáng, tiếng chiêng rộn rã ngân vang tại nhà văn hóa xóm Thung, xã Suối Hoa (Tân Lạc). Ngày hội diễn ra trang trọng với phần lễ và vui tươi với các chương trình văn nghệ, thể thao đậm bản sắc. Sau đó, không khí chuẩn bị bữa cơm đại đoàn kết cũng không kém phần rôm rả. Bà Đinh Thị Dứng, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm Thung cho biết: "Đã thành nếp từ nhiều năm nay, mỗi khi tổ chức ngày hội đều có bữa cơm đại đoàn kết. Mọi người đều quây quần bên nhau, tâm tình, ôn lại những việc đã làm trong năm. Năm nay, ngày hội có trên 90 gia đình trong xóm tham gia bữa cơm; nhiều người con làm ăn xa quê đến ngày hội đều trở về chung vui với gia đình, làng xóm. Trước ngày hội, xóm đã phân công nhiệm vụ từng người; phụ nữ làm bếp, nam giới kê bàn ghế... đảm bảo tiết kiệm, an toàn thực phẩm. Dù bận rộn nhưng ai nấy đều hào hứng, nhiệt tình".
Dù đã trên 80 tuổi nhưng bà Đinh Thị Mân, xóm Thung chưa năm nào bỏ lỡ ngày hội. Bà Mân chia sẻ: "Xóm ở địa bàn đồi núi, nhà ở cách xa nhau, ngày thường ai cũng bận công việc, nhiều người đi làm ăn xa nên cơ hội gặp mặt con, cháu trong gia đình, bà con làng xóm đông đủ là rất hiếm. Nhờ có bữa cơm đại đoàn kết mà mọi người có dịp ngồi cùng nhau, trò chuyện, chia sẻ, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết. Tôi thấy hoạt động này rất ý nghĩa."
Bữa cơm được tổ chức từ đóng góp của người dân ở KDC theo suất ăn của mỗi hộ tham gia, đảm bảo tiết kiệm, an toàn thực phẩm và phù hợp với từng địa bàn. Đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số như huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi…, những mâm cỗ lá được làm chu đáo với các món hấp dẫn, gần gũi, đậm bản sắc như: thịt lợn Mường nướng, rau đồ, cá suối, xôi ngũ sắc, canh măng chua, rượu nếp… đều là sản phẩm của địa phương. Không phân biệt tầng lớp, dân tộc, bà con cùng nắm tay nhau nhảy múa, ca hát trong "Vũ điệu kết đoàn". Với sự chuẩn bị chu đáo, nhiều năm nay, hầu hết các KDC trong tỉnh đều tổ chức bữa cơm đại đoàn kết để gắn kết hơn tình làng nghĩa xóm, phát huy trách nhiệm mỗi cá nhân đối với gia đình, xã hội. Qua đó, Ban công tác Mặt trận các KDC tiếp tục vận động người dân thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát huy truyền thống đoàn kết xây dựng KDC văn hóa, xây dựng nông thôn mới.
Chị Hoàng Thu Hương, tổ 13, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội. Dù bận rộn, ở xa nhưng chị vẫn chủ động sắp xếp công việc, bố trí thời gian về tham dự Ngày hội Đại đoàn kết, cùng dự bữa cơm với người dân trong tổ. Chị Hương chia sẻ: "Do bận công việc, tôi ít khi về quê. Tuy vậy, với những dịp đặc biệt như Quốc khánh 2/9, Tết Dương lịch, Âm lịch và Ngày hội Đại đoàn kết, tôi sắp xếp để trở về chung vui. Chứng kiến quê hương ngày càng đổi thay, quây quần bên mâm cơm ấm cúng, tôi cảm thấy xúc động và tự hào".
Việc tổ chức thành công những bữa cơm ấm tình nhân dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc – Ngày hội văn hóa quân dân ở các KDC trong tỉnh đã trở thành một nét đẹp văn hóa, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.