Bữa cơm sum vầy với… người lạ
Hai chàng trai xứ Quảng, Đào Duy Tài và Nguyễn Trọng Hiếu (32 tuổi, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đến chái bếp từng nhà, đi chợ nấu ăn rồi ăn chung bữa cơm với người lạ, xem họ như người thân mình để dịu xoa bớt nỗi cô đơn.
Mong một bữa cơm đông người
Cụ Tăng Thị Thị năm nay đã 80 tuổi, ở một mình trong căn nhà bên bờ sông Kôn (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) khi chồng con không còn nữa. Cụ mưu sinh bằng vườn chuối, ruộng rau muống và đám môn sau vườn. Trời trở lạnh, tấm thân gầy gò và lưng đã cong khòm của cụ hết lội nước bứt rau lại trầy trật chặt chuối đi bán.
“Ai cũng quở tui già rồi răng ham làm rứa. Mà không làm ai lo cho?”, cụ thở dài. Nhưng đó chẳng phải nỗi tủi thân lớn nhất ở đoạn cuối con dốc cuộc đời bà, mà mỗi lần lễ, Tết, ngó qua hàng xóm láng giềng cháu chắt bà con về sum họp, bà thấy mình quạnh quẽ biết nhường nào. Trong cái tủ cũ mèm dưới bếp, cụ lôi ra cái nồi chỉ có vỏn vẹn một miếng cá hơn hai ngón tay, để dành ăn một bữa. Bao nhiêu năm qua, cụ vẫn như thế, phần vì khó khăn, phần vì nhà có ai đâu mà soạn cho nhiều món.
“Bà ước có bữa cơm đông người để chuyện trò. Mình chẳng phải con cháu ruột thịt bà, nhưng mình nghĩ có thể làm bữa cơm của bà bớt quạnh quẽ nên đánh liều nói với bà để mình tới nấu ăn. Không ngờ bà đồng ý chẳng chần chừ. Trước hôm mình lên bà dọn nhà sạch tưng, vui quá không ngủ được”, Hiếu kể.
Sáng sớm, hai “đứa cháu” tới nhà bà thật sớm, cùng bà xách giỏ đi chợ, bà muốn ăn gì mua nấy. Còn mua thêm đồ ăn, gia vị, sữa, bánh…để dành. Sợ cháu tốn tiền, tới hàng nào bà cũng xua tay. Suốt quãng đường đi chợ về, bà kể bao nhiêu là chuyện ở quê, như thể lâu nay không có nơi giãi bày. Nhìn hai đứa nấu ăn, bà tủm tỉm cười, đã quá lâu rồi trong gian bếp bà ngoài hơi khói ra còn có thêm hơi người. Hôm ấy, bà ăn bữa cơm nhiều món, có cá, thịt, rau….được hai đứa cháu động viên gắng ăn cho khỏe, rồi còn hẹn khi nào bà nhớ, bà cứ gọi các cháu lên ăn cùng bà. “Rứa thì còn chi bằng nữa, bà cần bữa cơm đông người cho vui, chứ ăn gì cũng được cả. Cháu rảnh, nhớ ghé lại với bà nghe!”, bà cụ Thị rưng rưng.
“Mẹ già hai đứa nuôi chung/ Đứa lo cơm áo, đứa đùm thuốc thang”, bà Bảy “bánh đúc” (xã Đại Hưng) ở tuổi ngoại bát tuần ngồi trong căn nhà xập xệ rầu rĩ đọc hai câu thơ. Bà bán bánh đúc nhiều năm qua để tự lo cho cuộc sống một thân một mình. Khi hai chàng trai ngỏ lời, bà bảo ăn một món cũng được, miễn là có người ăn cùng. Tài nhớ như in, hôm ra chợ, cả chợ cũng vui lây vì bà Bảy hôm nay có cháu đi cùng, ai cũng dặn mua cho bà thiệt nhiều đồ để bà trữ ăn dần. Về nhà, bà phụ hai đứa nấu cơm, rộn ràng như Tết.
Bà trải lòng, nhiều bữa, buồn, chẳng thiết ăn, nhưng không ăn thì đổ bệnh ai chăm mình. Vậy là có hôm lên chợ mua 2.000 đồng cháo trắng cho qua bữa. “Nay bữa cơm có người, ăn ngon, tui mừng lắm!”, bà xúc động.
Tử tế nhân lên
Tài và Hiếu từng làm việc tại Đà Nẵng, công việc xáo trộn, cả hai về quê. Ở làng mới hay, người trẻ đi cả, người già cô quạnh và khó khăn, nhất là những cụ già không con cháu.
“Ban đầu mình nghe bà con kể trong làng có người này người kia hoàn cảnh éo le, thấy thương nhưng chưa biết giúp họ bằng cách nào. Mình tới nhà, hỏi họ mong muốn gì, các cụ đều mong được quây quần, mong tinh thần được xoa dịu hơn là được cho cái này cái nọ. Hai đứa bàn nhau sẽ đến nhà các cụ đi chợ, nấu cơm rồi ăn cùng để các cụ vui”, Tài chia sẻ. Vậy là hai chàng thanh niên tự bỏ tiền túi ra xách giỏ đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa và quây quần bên mâm cơm với những mái đầu bạc. Bữa ăn đơn sơ, chỉ mấy món canh, thịt, cá, rau như bao gia đình thôn quê khác, có khi chỉ một nồi cháo mà đổi lại những nụ cười mãn nguyện bao năm qua hiếm thấy.
Có những gia đình chịu sự nghiệt ngã của số phận như nhà anh N.T. (giáo viên). Mấy năm qua vợ chồng, con cái mỗi người một nơi. Cô con gái út của anh mang bệnh ung thư máu phải điều trị nội trú trong bệnh viện. Căn nhà anh chắt chiu từ nghiệp cầm phấn bao năm được xây chưa lâu, ấm áp chưa lâu bỗng lạnh tanh vì vợ con không ở bên. Qua màn hình điện thoại, vợ anh T. đã xuống tóc để đồng hành cùng con chiến đấu với căn bệnh quái ác. Nhắc tới con, hai vợ chồng nước mắt giàn giụa, nấc lên “chỉ cần con khỏe mạnh, cả nhà đông đủ ngồi chung ăn một bữa với nhau”. Hôm đó, Tài và Hiếu ngồi ăn mì tôm cùng anh T, dành toàn bộ chi phí nấu bữa cơm cùng khoản tiền của các mạnh thường quân đóng góp trao gửi gia đình anh.
Hiếu vẫn nhớ một lần nấu cơm cho gia đình bà cụ có chồng bị mù và con trai chậm phát triển. Cụ ông khi ăn bữa cơm có đến… 3 món không giấu nổi xúc động: “Bữa cơm thường ngày mà nhiều món y như ngày Tết” làm Hiếu cay xè mắt và nhủ lòng sẽ cố gắng vào bếp nhà người lạ nhiều hơn nữa.
“Mình không biết hành trình này đi được bao lâu, nhưng sẽ cố gắng đi dài nhất có thể. Bởi vì mình có tuổi trẻ và mình tin vào điều tử tế. Hơn nữa, chặng đường mình vừa đi qua đã có rất nhiều cánh tay ủng hộ, động viên. Nhiều bạn trẻ đã xung phong cùng nấu ăn cho người lạ với tụi mình, nghĩa là việc làm tử tế đã được lan tỏa”, Hiếu trải lòng.
Ngoài nấu cơm cho người lạ, Tài và Hiếu còn có một căn bếp bên sườn đồi, cải tạo từ cái nhà kho cũ của gia đình. Ở đó, hai chàng trai đảm đang nấu những món ăn ký ức tuổi thơ, quê nhà… và đăng lên mạng xã hội để xoa dịu nỗi nhớ nhà của những người con xa xứ.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bua-com-sum-vay-voi-nguoi-la-post1599877.tpo