Bữa no đầu tiên nơi tâm lũ
Đã là ngày thứ 3, hàng ngàn hộ dân tại Hà Tĩnh đã phải chới với trong nước lũ. Bữa ăn trong mấy ngày qua của họ chỉ vẻn vẹn mì tôm sống, cháo gói hoặc thậm chí nhịn đói.
Ngay khi nghe tin có đoàn cứu trợ, nhiều người dân đã cố gắng tìm phương tiện chạy lên những con đường để tìm chút lương thực cứu cánh.
Suất xôi nóng với chút muối lạc, là bữa no đầu tiên của chị Võ Thị Thành (thôn Đông Mỹ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) sau 3 ngày sống trong nước lũ. Không kịp đưa về nhà, chị Thành vội mở ra ăn ngay trên đường. “Ngon quá chị ạ, mấy ngày rồi chỉ có mì tôm sống, mà cũng phải chia ra nửa gọi để ăn chứ không có nhiều để ăn”, chị Thành cho biết.
Những ngày qua, vợ chồng chị chỉ biết, dè xẻn những gói mì tôm sống để cầm hơi bám trụ qua ngày. Sáng nay (21/10), khi nước lũ vừa rút, chị Thành cùng hàng chục hộ dân tại thôn Đông Mỹ vội ùa lên tuyên kênh N để xin cứu trợ. Đây cũng là con đường cứu hộ để tiếp cận được các khu vực dân cư bị ngập lụt tại Cẩm Xuyên trong lúc này.
Chưa bao giờ, chị Thành chứng kiến trận lụt nào kinh hoàng như thế. Vợ chồng chị chỉ kịp treo, kê một số vật dụng lên cao rồi trèo trên chạn tủ. Nhưng đêm 19/10, hồ Kẻ Gỗ tiếp tục tăng lưu lượng xả tràn, những đồ đạc, vật nuôi, cả 1 tấn gạo của vợ chồng chị cũng đành trôi theo nước lũ.
Không chỉ kiếm một bữa ăn, bà Hường (thôn Đông Mỹ) vừa cố gắng tìm bộ quần áo khô ráo để mặc. Bộ quần áo trên người bà cũng là bộ đồ duy nhất còn sót lại, nước lũ lên nhanh bà chỉ kịp trèo lên cao, đồ đạc cũng trôi theo lũ. Co ro trong bộ quần áo đã ướt nhèm, giọng bà Hường run rẩy, “đồ ướt hết trơn rồi, mấy ngày qua vừa đói vừa rét. Hôm nay biết có đoàn cứu trợ, tôi cũng chạy lên để xin bộ đồ về mặc chứ không còn gì nữa rồi”.
Tại xã Cẩm Duệ có 12 thôn thì có đến 11 thôn với 2.100 hộ đang ngập sâu trong nước, trong đó có 1.800 hộ đang ngập sâu gần 2m khiến nhiều hộ đang mắc kẹt. Trong đó khu vực thôn 4, nhiều đoàn cứu trợ vẫn chưa thể tiếp cận được nhiều hộ dân do ở khu vực nước chảy xiết. Toàn thôn có 300 hộ với 1.605 nhân khẩu đều bị nước lũ bao vây, trong số đó nhiều hộ dân chỉ toàn người già neo đơn và trẻ em.
“Ngày bình thường, những đứa trẻ con tại quê vẫn thích ăn mì tôm. Nhưng mấy ngày sống trong lũ, ăn mì tôm đến ngày thứ 3 đứa nào cũng khiếp rồi”, chị Lê thị Hằng (thôn 4, xã Cẩm Duệ) lắc đầu. Không chỉ mấy đứa lớn, do không kịp trở tay, bé út vừa 7 tháng cũng phải ăn mì tôm thay thức ăn dặm do mẹ không đủ sữa.
Hai ngày qua, bà Nguyễn Thị Minh (62 tuổi) trú tại xóm 4, xã Cẩm Duệ cầm cự bằng mì gói sống và nước suối do hàng xóm tiếp tế. “Ở nhà chỉ có 2 vợ chồng già. Lũ ập về, kéo vào nhà hàng tá rác từ thượng nguồn, lấp hết lối đi. Nước rút rồi vợ chồng tôi mới lấy được chút gạo để thổi lửa nấu ăn”, lùa vội bát cơm trên tay, bà nghẹn giọng. Bữa cơm sau 3 ngày lũ của vợ chồng bà đơn giản chỉ là nồi cơm trắng với bát cà khú kho mặn.
Cám cảnh hơn là gia đình bà Trần Thị Mận (62 tuổi), gia đình chỉ có 2 người phụ nữ với đứa trẻ 20 tháng tuổi tật nguyền. Chị Đậu Thị Ngà, con gái bà Mận vừa đưa con đi khám ở Hà nội về thì cũng là lúc nước lũ bắt đầu tràn vào nhà. Đứa bé vừa mới ốm chưa khỏe thì lại bị sốt nóng, tiêu chảy trong 3 ngày qua. Nhưng nước lũ lớn quá, chị Ngà chị biết chườm ấm cho con vừa cầu mong nước rút để đưa con đi khám bệnh. Sáng hôm nay, khi nước lũ vừa lấp xấp, chị Ngà gửi vội ít tiền nhờ người mua ít thuốc hạ sốt cho con.
Những ngày trên đỉnh lũ, nỗi ám ảnh lớn nhất với người dân ở vùng lũ Cẩm Xuyên là mực nước cứ liên tiếp lên cao. Nhất là khi đêm xuống không điện, cả nhà chìm trong bóng tối.
Ngày 21/10, tại vùng tâm lũ Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã có rất nhiều đoàn cứu trợ tiếp cận với người dân để tiếp tế lương thực. Với người dân tại đây, những gói mì tôm, chai nước uống, bánh mỳ… thực sự là chiếc phao cứu đói trong lúc này.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bua-no-dau-tien-noi-tam-lu-uxvOgNtGg.html