Theo sách "Bí sử hậu cung", bữa tiệc do Từ Hy Thái hậu tổ chức năm 1874 được cho là một trong những cuộc ăn chơi tốn kém bậc nhất trong lịch sử. Chi phí cho bữa tiệc này lên tới 400.000 lượng vàng.
Cuối thế kỷ 19, chế độ phong kiến nhà Thanh suy yếu, nguy cơ bị các nước phương Tây xâm chiếm tới gần. Để cứu vãn hoàng triều, Từ Hy Thái Hậu đã cùng quần thần tổ chức bữa tiệc tốn kém để kết giao với các nước phương Tây, tránh nguy cơ bị xâm lược.
Bữa tiệc linh đình nhất thời Thanh đã được tổ chức tại Duy An Cung (Tử Cấm Thành - Bắc Kinh), vào dịp Tết Nguyên Đán (1874). Thái thú Lý Hồng Chương được giao sứ mệnh gặp gỡ các đại thần phương Tây.
400 khách được mời dự tiệc, có đến 140 món ăn, 1.750 người phục dịch. Tiệc kéo dài đến giờ tý đêm mùng 7 Tết, hao tốn 98 triệu hoa viên Trung Quốc (khoảng 400.000 lượng vàng). Mỗi ngày, nhà bếp dọn lên 20 món. Mỗi lần dùng một món ăn mới. Từ Hy Thái hậu sẽ gõ khánh ngọc, một viên thái giám lại vòng tay xướng tên món ăn.
Trong số 140 món ăn tiêu biểu của bữa tiệc này, nổi tiếng nhất là các món chuột sâm, não hầu (óc khỉ), tượng tinh (tinh khí của voi), cỏ Phương Chi - loại chỉ mọc duy nhất một lần trong năm trên phiến đá ở ngọn núi Thái Hàng, trứng công…
Bữa tiệc còn vô số món ăn độc đáo và tốn kém khác như món “heo sữa Phúc Châu”, hay "Sơn Dương Trùng" - loại dê núi được chăm sóc cẩn thận, hàng ngày ăn loại cỏ “Đông trùng hạ thảo”, là vị thuốc bổ ở Vân Nam và Quảng Tây.
Theo sách giáo khoa Lịch sử, chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất (1839-1842), còn được gọi là chiến tranh nha phiến hay chiến tranh Anh - Trung Quốc là sự mở đầu cho quá trình xâm chiếm Trung Quốc của các nước đế quốc. Thất bại trong cuộc chiến này buộc triều đình Mãn Thanh phải ký hiệp ước Nam Kinh năm 1842. Đây là hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên bất lợi cho Trung Quốc.
Theo sách "Lịch sử Thế giới cận đại", sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, triều đình Mãn Thanh chính thức sụp đổ, chế độ phong kiến Trung Quốc chấm dứt sau hàng thế kỷ thống trị.
Theo Hà Sơn/ Zing