Triết lý Phật giáo và cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nếu đức Phật dùng đôi chân của mình để bước qua những miền đất khổ đau, gieo duyên giáo hóa, thì Bác Hồ cũng dùng đôi chân ấy để đi khắp mọi miền Tổ quốc, mang lại niềm tin và hy vọng cho đồng bào Việt Nam.

Tháng 5 sắc đỏ rực rỡ của những chùm phượng vĩ, tiếng ve râm ran khắp phố phường, lòng người bồi hồi nhớ đến một ngày đặc biệt: ngày 19/05, ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà cách mạng lỗi lạc, danh nhân văn hóa thế giới, mà còn là tấm gương đạo đức cao cả với tinh thần từ bi, trí tuệ và vô ngã trong triết lý về tinh thần nhập thế của Phật giáo.

I. Phong cách sống và làm việc của Bác Hồ

1.1 Sống giản dị mà thanh cao, tư tưởng hòa cùng triết lý “thiểu dục tri túc” trong Phật giáo

1.1 Sống giản dị mà thanh cao, tư tưởng hòa cùng triết lý “thiểu dục tri túc” trong Phật giáo

Khi ở cương vị lãnh tụ, Bác lựa chọn sống trong căn nhà sàn bé nhỏ nép mình giữa vườn cây xanh mát; những bữa cơm thanh đạm chỉ gồm cá kho, rau luộc, dưa cà; bộ quần áo kaki bạc màu và đôi dép cao su đã theo chân Bác qua bao năm tháng trèo đèo lội suối bôn ba,... Tất cả không phải vì điều kiện thiếu thốn, mà bởi Bác đề cao lối sống giản dị, lấy công việc của đất nước và sự ấm no của nhân dân làm mục tiêu. Trong cuốn Đường cách mệnh, Bác viết:

“Cần kiệm.

Hòa mà không tư.

Cả quyết sửa lỗi mình.

Cẩn thận mà không nhút nhát.

Hay hỏi.

Nhẫn nại (chịu khó).

Hay nghiên cứu, xem xét.

Vị công vong tư.

Không hiếu danh, không kiêu ngạo.

Nói thì phải làm.

Giữ chủ nghĩa cho vững.

Hy sinh.

Ít lòng tham muốn về vật chất.

Bí mật.”

Với Bác, hạnh phúc không nằm ở sự xa hoa, mà ở tinh thần thanh bạch, giản dị, hướng đến những giá trị chân thật. Tinh thần ấy giúp Bác luôn tự do, không bị ràng buộc bởi vật chất.

Trong Kinh Pháp Cú câu 290:

"Người biết đủ dù ngủ trên đất vẫn an vui,
Kẻ không biết đủ dù ở thiên cung cũng chẳng hài lòng".

Ðã tham muốn thì không bao giờ thấy mình đầy đủ, biết đủ là gặp hoàn cảnh nào cũng đều tùy thuận. Phật giáo dạy lối sống “thiểu dục tri túc” để thân tâm nhẹ nhàng, Bác xem sự giản dị là cách để dành trọn tâm huyết cho dân, cho nước, không bị ràng buộc bởi những ham muốn tầm thường.

1.2 Liên hệ phong cách của Bác và Bát chính đạo

Câu nói của Bác Hồ: “Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”.

Bác đề cao tinh thần kỷ luật chặt chẽ và khoa học, hàng ngày Bác dành thời gian buổi sáng để tập thể dục, đọc báo chí, bản tin trước giờ làm việc. Những năm tháng sống trong Phủ Chủ tịch, Bác thường luyện gân tay bằng cách nắm hai hòn cuội, luyện đôi chân bằng cách đi bách bộ. Cho đến những năm cuối đời, mỗi ngày Bác vẫn đi bộ với hy vọng duy trì sức khỏe để có dịp đi thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Bác thường đánh dấu các bài báo cần chú ý để tiện việc theo dõi, trao đổi ý kiến và sử dụng khi cần thiết. Những công việc trong ngày, trong tuần, trong tháng, từ việc họp hành, làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt hay phụ trách các bộ, ban, ngành, tiếp khách trong nước và quốc tế đến việc viết báo, đọc và trả lời thư từ, đi thăm cán bộ, nhân dân các địa phương, cơ sở, xem phim, xem văn nghệ… đều được Bác bố trí hợp lý sao tốn ít thời gian, ít làm phiền đến cơ sở mà có hiệu quả nhất.

Tinh thần ấy thể hiện một phong cách làm việc khoa học, gợi nhớ đến chính niệm trong Bát chính đạo, tập trung trọn vẹn vào từng hành động, từng suy nghĩ trong tỉnh thức.

Trong Bát chính đạo, muốn đạt giác ngộ, con người phải bắt đầu từ chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, nghĩa là suy nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng. Phật giáo nhấn mạnh rằng mọi sự thay đổi bên ngoài đều bắt đầu từ bên trong, chính tinh tấn là sự nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân, vượt qua tham - sân - si. Điều này cũng thể hiện trong tư tưởng của Bác, rằng người cách mạng phải rèn luyện đạo đức, kỷ luật để không bị cám dỗ, không bị tha hóa bởi quyền lực.

Bác Hồ không chỉ là một nhà cách mạng mà còn là một tấm gương về rèn luyện bản thân. Quan điểm của Bác có sự tương đồng sâu sắc với tư tưởng Phật giáo, nhấn mạnh rằng muốn thay đổi xã hội, trước hết phải thay đổi chính mình.

1.3 Triết lý Từ bi và vô ngã trong tư tưởng của Bác

Bác từng nói: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.” Với Bác, nhân dân luôn là trung tâm, là nền tảng của mọi quyết sách. Mọi suy nghĩ, hành động của Bác đều xuất phát từ lợi ích chung, vì dân, vì nước, không màng đến lợi ích cá nhân.

Sau khi giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các nhân sĩ, trí thức, kể cả những người từng làm việc cho chính quyền cũ, tham gia xây dựng đất nước. Người nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt ai đã từng làm gì trước đây, miễn là họ thật lòng yêu nước, muốn phục vụ Tổ quốc."

Trong chiến dịch Biên giới năm 1950, quân đội Việt Nam đã bắt giữ nhiều tù binh Pháp. Dưới sự chỉ đạo của Bác, các tù binh này được đối xử nhân đạo, được chăm sóc y tế và tuyên truyền về chính sách hòa bình của Việt Nam.

Sau Hiệp định Genève, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương không trả thù những người từng theo Pháp, kêu gọi hòa hợp dân tộc. Người nói: "Đồng bào ta dù ở miền Nam hay miền Bắc, dù theo phe nào thì cũng đều là con dân nước Việt."

Chính tinh thần ấy đã làm nên một vị lãnh tụ vừa kiên quyết trong đấu tranh, vừa bao dung trong đối đãi với kẻ thù.

Tinh thần ấy cũng hòa quyện với triết lý từ bi vàvô ngã trong Phật giáo. Trong kinh điển, đức Phật với lòng từ bi không phân biệt đã từng tha thứ cho Đề- bà-đạt-đa, kẻ nhiều lần tìm cách hãm hại Ngài. Cũng như vậy, dù phải đấu tranh với thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Bác chưa bao giờ mang trong mình sự oán giận. Bác luôn lấy lòng nhân ái, sự khoan dung làm kim chỉ nam, chủ trương hòa hợp dân tộc, hướng đến một đất nước không còn chia rẽ, hận thù.

II. Tập thơ “Nhật ký trong tù" chứa đựng những chiêm nghiệm sâu sắc của Bác có nét tương đồng với những triết lý Phật giáo

Tập thơ "Nhật Ký Trong Tù". Ảnh: Internet

Tập thơ "Nhật Ký Trong Tù". Ảnh: Internet

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian truân của Bác, tập thơ “Nhật ký trong tù” là một dấu ấn đặc biệt. Những vần thơ không chỉ là tiếng nói của một chiến sĩ cách mạng kiên cường, mà còn chứa đựng những suy tư về nhân sinh.

2.1. Bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” – khổ hạnh để thành công

“Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông.
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công”

Hình ảnh hạt gạo trải qua quá trình bị “giã đau đớn”, sàng lọc trước khi trở nên trắng trong giống như hành trình tu tập của một con người trên đường giác ngộ. Trong Phật giáo, người tu phải trải qua khổ hạnh, trui rèn trong nghịch cảnh mới có thể đạt được sự thanh tịnh và phát triển trí tuệ.

Cách mạng là một hành trình đầy gian nan, kiên trì sẽ đi đến thành công. Cũng giống như "Không có bùn, không có sen", không có khổ đau thì không có sự trưởng thành và giác ngộ.

2.2 Bài thơ “Đi đường” - chí khí an nhiên trước nghịch cảnh

“Đi đường mới biết gian lao

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng

Núi cao lên đến tận cùng

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.

Bức tranh thiên nhiên rộng lớn hiện lên trong bài thơ không chỉ miêu tả cảnh đẹp, mà còn là biểu tượng của giác ngộ. Bác, dù bị giam cầm vẫn có tâm hồn tự do, an nhiên trước mọi hoàn cảnh, giống như một người đứng ngoài quan sát những sự việc đang xảy ra xung quanh, không để ngoại cảnh làm lay động tâm trí.

2.3 Tự tại giữa nghịch cảnh

"Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao".

Ý chí vượt lên khó khăn của Bác trước nghịch cảnh là biểu hiện cao nhất của sự giải thoát trong tư tưởng Phật giáo. Phật giáo cho rằng khổ đau của con người không đến từ ngoại cảnh, mà đến từ tâm trí bị ràng buộc bởi tham - sân - si. Một người nếu có tâm thức tự do thì dù trong hoàn cảnh nào cũng không bị dính mắc.

III. Tuyên ngôn Độc lập liên hệ với đường giác ngộ của đức Phật

Khi nhắc đến những di sản vĩ đại mà Bác để lại cho dân tộc, không thể không nhắc đến bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/09/1945 - một văn kiện lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dưới lăng kính Phật giáo, bản tuyên ngôn này không chỉ là lời tuyên bố chủ quyền dân tộc, mà còn mang nhiều nét tương đồng với con đường giác ngộ giải thoát mà đức Phật đã khai sáng cho chúng sinh.

Cả hai sự kiện đều đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại, một bên là giải thoát dân tộc khỏi ách nô lệ, một bên là giải thoát con người khỏi vô minh và khổ đau. Tuy ở hai thời kỳ khác nhau nhưng đều là sự thức tỉnh, là ánh sáng đưa con người tới tự do, hòa bình và hạnh phúc.

Nếu đức Phật hơn 2.500 năm trước thuyết giảng Tứ diệu đế, Bát chính đạo, chỉ rõ con đường giúp con người thoát khỏi khổ đau và luân hồi sinh tử, thì Bác với bản Tuyên ngôn Độc lập đã tuyên bố một dân tộc thoát khỏi xiềng xích của ngoại bang, đứng lên làm chủ vận mệnh của mỗi người dân, của đất nước.

Thứ nhất: Giải thoát khỏi áp bức và vô minh

Đất nước Việt Nam trước năm 1945 cũng rơi vào một tình trạng tương tự, bị thực dân Pháp đô hộ (1858-1945), nhân dân sống trong áp bức, nghèo đói, không có tự do.

Trong Kinh Chuyển Pháp Luân, giáo lý Tứ diệu đế chỉ ra rằng nguyên nhân của khổ đau là vô minh và tham ái, khiến con người mãi chìm đắm trong luân hồi sinh tử.

Cũng như đức Phật vạch ra con đường giải thoát cho chúng sinh, Hồ Chí Minh đã chỉ ra con đường cách mạng để đưa đất nước thoát khỏi thân phận nô lệ, giành lại quyền sống và quyền làm người.

Thứ hai: Trí tuệ và lòng từ bi trong hành động

Bác Hồ chủ trương một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, lấy nhân nghĩa làm gốc, chứ không phải một cuộc trả thù hay tàn sát.
Đức Phật không dùng bạo lực để đấu tranh, mà dùng trí tuệ và lòng từ bi để cảm hóa con người.

Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền sống, quyền tự do của con người trên cơ sở pháp lý và đạo lý, giống như cách đức Phật giảng về bình đẳng của muôn loài trong giáo pháp của Ngài.

Thứ ba: Con đường trung đạo – không cực đoan, không thù hận

Bác áp dụng tinh thần không mù quáng bài xích phương Tây nhưng cũng không lệ thuộc vào bất kỳ cường quốc nào. Bác luôn chủ trương giữ vững độc lập, tự chủ nhưng cũng sẵn sàng hòa hợp với thế giới trên cơ sở hòa bình và công bằng.

Phật giáo đề cao con đường Trung đạo, không sa vào cực đoan, không thiên về khổ hạnh nhưng cũng không chạy theo dục lạc, xa hoa.

Từ sự tương đồng giữa bản Tuyên ngôn Độc lập và tư tưởng giải thoát của đức Phật, ta thấy rằng con đường đưa đến tự do, dù là của một cá nhân hay một dân tộc, đều phải trải qua gian lao thử thách. Điều quan trọng nhất không phải là hoàn cảnh bên ngoài, mà là trí tuệ và bản lĩnh bên trong.

Kết luận:

Trong Phật giáo, đức Phật ngồi thiền dưới cội bồ đề và giác ngộ chân lý dù phải đối diện với bao cám dỗ của “ma vương”, thì ở ngoài đời trong vai trò của mình, Bác cũng giữ được sự thanh thản, minh triết dù bị xiềng xích giam cầm, Bác đã khéo léo gửi gắm tư tưởng vào thơ và dùng thơ để bày tỏ một cách ngọt ngào dung dị, không áp đặt, gán ghép mà tự nhiên.

Hình ảnh Bác Hồ đi thăm dân, thăm cán bộ và hình ảnh đức Phật đi khất thực rất thân quen và gần gũi, tương đồng. Khi đi khất thực, đức Phật không phân biệt giàu nghèo, ai cúng dường gì Ngài cũng hoan hỷ nhận, bởi với Ngài, mỗi bữa ăn không chỉ là thực phẩm nuôi thân, mà còn là phương tiện để giáo hóa. Nhìn lại hình ảnh Bác Hồ đi thăm dân, ta thấy sự tương đồng. Bác trực tiếp đến tận nơi, xem dân và cán bộ ăn ở thế nào, làm việc ra sao, mỗi chuyến đi của Bác không phải là để thể hiện quyền uy, mà là để kết nối với nhân dân, để thấu hiểu đời sống, tâm tư của dân, của cán bộ.

Hình ảnh Bác Hồ đi thăm quần chúng nhân dân và đức Phật đi khất thực, tuy ở hai thời đại khác nhau, nhưng đều thể hiện tinh thần nhập thế, gần gũi với nhân dân, lấy nhân dân làm gốc. Nếu đức Phật dùng đôi chân của mình để bước qua những miền đất khổ đau, gieo duyên giáo hóa, thì Bác Hồ cũng dùng đôi chân ấy để đi khắp mọi miền Tổ quốc, mang lại niềm tin và hy vọng cho đồng bào Việt Nam.

Từ cuộc sống giản dị, thanh bạch đến tinh thần chính niệm trong công việc, từ lòng bao dung với kẻ thù đến tấm lòng tận tụy vì nhân dân, Bác Hồ là hiện thân của một vị Phật nước Nam, là tấm gương nêu cao tinh thần nhập thế của Phật giáo.

Học theo Bác không chỉ là học theo một tấm gương cách mạng, mà còn là học cách làm người, học cách sống có ý nghĩa. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là con đường để mỗi người hướng đến đời sống tự do, an nhiên, cùng kiến tạo xã hội hòa bình, hạnh phúc.

Tác giả: Nguyễn Thúy Anh - Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 05/2025

TÀI LIỆU THAM KHẢO:1. “Phong cách sinh hoạt của Bác Hồ” - NXB Hồng Đức năm 20182. “Phong cách Hồ Chí Minh” - NXB Chính trị quốc gia sự thật năm 2020, tr.27,28,31,33,43,49,72,73.3. “Hồ Chí Minh bàn về phong cách” - NXB Trẻ năm 2019, tr.16,23,35,45.4. “Bác Hồ - Cây đại thọ” - NXB Trẻ năm 2019, tr.161-165.5. “Nhật ký trong tù” - NXB Văn học năm 19906. “Đường cách mệnh” - NXB Chính trị quốc gia năm 2000, t.2,tr.2607. “Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya)” - HT Thích Minh Châu dịch8. “Đường xưa mây trắng” – NXB Hồng Đức năm 1988

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/triet-ly-phat-giao-va-cuoc-doi-chu-tich-ho-chi-minh.html