Bức tranh đối lập của giờ đọc sách tại trường học

Trong khi một số trường đầu tư và đẩy mạnh tiết đọc sách, những cơ sở khác lại đưa nó thành môn bổ trợ, tự chọn. Việc thiếu đồng bộ dẫn đến hoạt động đọc sách trở nên tự phát.

Khi chuông báo vừa reo, các em học sinh lớp 10 trường THPT Lương Thế Vinh ùa đến thư viện. Trước mặt các em là cả một không gian với nhiều thể loại sách, từ tâm lý, lịch sử, truyện tranh cho đến nghệ thuật. Đối với những học sinh này, giờ đọc sách thực sự là những giây phút để thư giãn để tự do tìm kiếm kiến thức.

Trái lại, ở một số trường với ngân sách cũng như sự quan tâm còn hạn chế, tiết đọc sách tại thư viện chỉ được coi là môn bổ trợ, tự chọn. Học sinh cũng không mấy mặn mà với điều này.

Sức sống của một thư viện

Từ nhiều năm nay, thư viện trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã có sự chuyển mình đáng chú ý. Không còn là một không gian tĩnh lặng nơi học sinh chỉ đến đọc sách tự do theo cảm hứng, thư viện giờ đây được tích hợp sâu vào đời sống học đường với một tiết đọc sách chính khóa mỗi tuần cho từng lớp.

Theo bà Văn Liên Na - Phó hiệu trưởng nhà trường - việc chính thức đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu là một chủ trương có tính lâu dài: “Đọc sách không chỉ giúp phát triển ngôn ngữ, tư duy và khả năng tự học, mà còn nuôi dưỡng đời sống tinh thần lành mạnh. Với học sinh THCS và THPT, các em hoàn toàn có đủ khả năng đọc hiểu và cảm thụ. Những gì tiếp thu được từ sách có thể hỗ trợ rất tốt cho các môn học chính như Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý, Giáo dục công dân…”.

 Học sinh tự do lựa chọn sách trong thư viện trường Lương Thế Vinh. Ảnh: Việt Hà.

Học sinh tự do lựa chọn sách trong thư viện trường Lương Thế Vinh. Ảnh: Việt Hà.

Đại diện thư viện cho biết: “Mỗi lớp có một tiết đọc sách cố định được bố trí vào cuối buổi sáng hoặc đầu giờ chiều. Các bạn sẽ lên thư viện để đọc sách hoặc sử dụng các boardgame”.

Một trong những yếu tố làm nên sức hút đặc biệt của thư viện Lương Thế Vinh là việc lựa chọn sách dựa trên thị hiếu thật sự của học sinh. Mỗi năm, thư viện tổ chức lấy ý kiến bạn đọc ngay tại các buổi đón học sinh mới hoặc qua bảng góp ý đặt ở vị trí dễ thấy. Kết quả cho thấy, học sinh hiện nay đặc biệt yêu thích sách tâm lý, văn học hiện đại và truyện tranh.

Khâu chọn sách cũng được thực hiện cẩn thận. “Nhiều sách nhìn bìa rất tươi sáng, tưởng là nhẹ nhàng, nhưng nội dung lại có yếu tố nhạy cảm, không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Do đó, chúng tôi lọc sách kỹ càng theo phân loại độ tuổi do nhà xuất bản khuyến nghị. Đây là trách nhiệm trong môi trường giáo dục”, người thủ thư chia sẻ.

Mỗi tháng, thư viện đón khoảng 2.000 lượt mượn sách, con số đáng mơ ước đối với nhiều trường. Với sức chứa hơn 70 người/lượt và cả không gian đọc ngoài trời, thư viện là không gian văn hóa với các hoạt động bên lề như gặp gỡ diễn giả, tác giả sách, chia sẻ về sách nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

 Bảng giới thiệu sách của thư viện trường. Ảnh: Việt Hà.

Bảng giới thiệu sách của thư viện trường. Ảnh: Việt Hà.

Khi đọc sách chỉ là tiết tự chọn

Trái ngược với không khí của thư viện trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội), hoạt động đọc sách đã trở thành một lựa chọn mang tính linh hoạt, tùy thuộc vào thời gian và nhu cầu của học sinh, thay vì là một tiết học chính khóa trong thời khóa biểu.

Một giáo viên cho biết: “Trong chương trình chính khóa hiện tại, học sinh không có tiết đọc sách cố định. Thay vào đó, nhà trường tổ chức lịch đọc sách tại thư viện và học sinh có thể chủ động qua đọc sách vào buổi chiều, sau giờ học chính".

Dù vậy, việc đọc sách vẫn chỉ như một nhiệm vụ đối với các học sinh. Thư viện hoạt động theo kiểu "một chiều", học sinh chưa có tính chủ động trong việc tìm kiếm tư liệu bổ sung cho việc học.

Cũng theo lời kể của vị giáo viên này, các hoạt động khuyến đọc vẫn được tổ chức đều đặn: phong trào Đại sứ văn hóa đọc được triển khai thường niên với các nội dung như làm video, thi thuyết trình, giới thiệu sách. Cuộc thi “Góp một cuốn sách hay” diễn ra hai lần mỗi năm học, kèm theo việc giới thiệu một cuốn sách nổi bật mỗi tháng trên website của trường. “Học sinh rất tích cực tham gia. Các hoạt động phong trào này đã tạo động lực để các em đến thư viện thường xuyên hơn", người giáo viên nhấn mạnh.

Bức tranh tiết đọc sách từ hai trường trên hé lộ một thực trạng: dù tinh thần khuyến khích đọc sách rất rõ ràng, việc thiếu vắng một tiết đọc sách chính thức trong chương trình học đang khiến hoạt động này trở nên tự phát, thiếu sự đồng bộ giữa các trường. Mỗi nơi một cách làm, phụ thuộc vào cơ sở vật chất, sự chủ động của cán bộ thư viện hay tinh thần phong trào.

Cần sự đồng bộ trong việc tổ chức tiết đọc sách

Việc triển khai tiết đọc sách trong trường học đang trở thành một trong những yêu cầu cấp thiết nhằm xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc bền vững ngay từ bậc học phổ thông. Tuy nhiên, để hoạt động này thực sự phát huy hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần có sự đồng bộ trong triển khai từ cấp quản lý đến từng nhà trường.

TS Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - nhận định: "Không nên để tiết đọc sách chỉ là trách nhiệm đơn lẻ của thủ thư mà cần sự kết hợp giữa giáo viên và thủ thư, để phát huy tối đa nguồn sách trong thư viện phục vụ chương trình học". Theo bà, khi các trường thực hiện bài bản, học sinh được rèn thói quen tự học từ nhỏ và mở rộng tri thức ngoài sách giáo khoa, nâng cao tư duy và khả năng tự đọc, tự trình bày, thậm chí là sân khấu hóa kiến thức.

 Học sinh đọc sách tại thư viện trường Lương Thế Vinh. Ảnh: Việt Hà.

Học sinh đọc sách tại thư viện trường Lương Thế Vinh. Ảnh: Việt Hà.

Thực tế cho thấy, tại một số địa phương như Thạch Hà (Hà Tĩnh), Vĩnh Phúc hay Thái Bình, khi lãnh đạo trường chú trọng triển khai tiết đọc sách một cách linh hoạt, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ hay hoạt động ngoại khóa, học sinh tỏ ra hứng thú và chủ động hơn trong việc tìm đọc. Đọc sách không còn là nhiệm vụ, mà trở thành trải nghiệm. Đó chính là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc tổ chức tiết đọc sách đồng bộ, có định hướng và sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống giáo dục.

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cũng cho rằng đọc sách không phải là một môn học, do vậy không cần phải quy định 'cứng'. Tuy nhiên, đọc sách nên trở thành một chính sách, một nét văn hóa trong mọi trường học”. Ông nhấn mạnh vai trò của thư viện như trung tâm văn hóa đọc, nơi cần có không gian, sách chất lượng và các hoạt động phong phú để học sinh thực sự yêu thích việc đọc.

“Khó có một ‘quota’ chung về thời lượng đọc hay thể loại sách cho mọi học sinh, nhưng chắc chắn một trường học có tỷ lệ học sinh đọc sách cao, thời lượng đọc sách nhiều, chất lượng sách tốt sẽ là một môi trường có văn hóa đọc tích cực. Trường học ở một số nước có ‘tiết học thư viện’, theo đó giáo viên thư viện sẽ hướng dẫn cho học sinh về kỹ năng đọc sách hiệu quả, ngay trong thư viện”, ông Bùi Khánh Nguyên nói.

Theo Thông tư 16/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cụ thể: mỗi lớp học phải có ít nhất 2 tiết đọc sách mỗi học kỳ, với mục tiêu bồi dưỡng tình yêu sách, hình thành kỹ năng đọc và khả năng ghi nhớ. Tiết đọc sách có thể được tổ chức tại thư viện hoặc lớp học, do giáo viên hoặc nhân viên thư viện thực hiện, sau khi được tập huấn. Tuy nhiên, theo TS Vũ Dương Thúy Ngà, "yêu cầu của Thông tư vẫn còn thấp và cần nâng tần suất thực hành đọc lên".

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/buc-tranh-doi-lap-cua-gio-doc-sach-tai-truong-hoc-post1555348.html