Bức tranh kinh tế Australia ra sao trong những tháng tới?
Australia có vị thế tốt hơn để vượt qua 'cơn bão suy thoái', nhưng có khả năng nước này sẽ phải đối mặt với quãng thời gian khó khăn hơn phía trước.
Theo trang so sánh tài chính Rate City của Australia ngày 23/5, nền kinh tế toàn cầu đang "mấp mé" bờ vực suy thoái. Nền kinh tế của Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đang giảm tốc đáng kể. Xét một cách tương đối, Australia có vị thế tốt hơn để “vượt qua cơn bão”, nhưng có khả năng Australia sẽ phải đối mặt với quãng thời gian khó khăn hơn phía trước.
Tại Trung Quốc, việc chậm mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 đã khiến các nhà kinh tế hạ thấp các dự báo tăng trưởng kinh tế nước này. Trong khi đó, hoạt động rút tiền gửi tại một số ngân hàng của Mỹ hồi đầu năm nay đã dẫn đến những thiệt hại lớn và khiến nước này phải tung ra các khoản cứu trợ. Cùng với đó là những lo ngại kéo dài cho rằng nhiều ngân hàng cho vay có thể sụp đổ. Xung đột dai dẳng ở Ukraine ảnh hưởng đến giá năng lượng và gây ra các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, tại Australia, nếu các ngân hàng nước này phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt tiền gửi thì nguồn vốn đệm dồi dào, trạng thái thanh khoản mạnh và mức lợi nhuận kỷ lục dường như sẽ đem lại một mức độ phòng thủ phù hợp. Hơn nữa, Chính phủ liên bang Australia mới đây đã lần đầu tiên đạt thặng dư ngân sách sau 15 năm.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều “màu hồng” đối với Australia. Những người đi vay mua nhà đang gặp khó khăn trong việc trả nợ thế chấp; lãi suất tiếp tục tăng cao; đồng AUD mất giá một cách rõ rệt; và nguy cơ xảy ra suy thoái ở Australia đang tăng lên. Với tất cả những lý do trên, kết hợp với nhiều yếu tố khác nữa, triển vọng kinh tế của Australia trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023 vẫn thiếu ổn định.
Trong vài tháng qua, các nhà kinh tế đã công bố nhiều dự báo tài chính. Dưới đây là một số nhận định về tương lai nền kinh tế Australia của các tổ chức quốc tế lớn và các tổ chức ở Australia.
*Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) công bố ngày 11/4, IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng ở mức 2,8% trong năm 2023, trong đó tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển đang chững lại đáng kể.
Nếu căng thẳng trong lĩnh vực tài chính diễn biến tồi tệ hơn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể xuống dốc hơn nữa. Mặc dù lạm phát toàn phần tại Australia dự kiến sẽ giảm do giá cả hàng hóa hạ nhiệt, song tốc độ giảm lạm phát cơ bản dự kiến vẫn chậm và có thể không quay trở về mục tiêu đến năm 2025.
Mặc dù IMF dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của Australia sẽ giảm từ 3,7% năm 2022 xuống còn 1,6% vào năm 2023, cơ quan này cho rằng triển vọng của Australia vẫn lạc quan.
IMF dự báo nền kinh tế Australia tăng trưởng 1,6% trong năm 2023. Điều này có nghĩa là Australia sẽ một lần nữa vượt trội hơn so với các nền kinh tế phát triển khác - các nền kinh tế được dự đoán chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình 1,3%. Trước đó, Australia chứng kiến tốc độ tăng trưởng bền vững là 5,2% vào năm 2021 và đạt tăng trưởng ước tính là 3,7% vào năm 2022.
Với tư cách là một quốc gia xuất khẩu, triển vọng của Australia phần nào phản ánh sự thịnh vượng của các đối tác thương mại lớn của nước này. Ấn Độ, Trung Quốc và các nền kinh tế ASEAN đều kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế khả quan vào năm 2023.
*Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA)
Báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất tháng 5/2023 của RBA cho thấy nền kinh tế toàn cầu chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, với tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ duy trì ở mức vừa phải trong vài năm tới. Tại Australia, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn so với kỳ vọng sau đại dịch, cùng với niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng lên, đã dẫn đến tỷ lệ việc làm tăng cao. Tuy nhiên, áp lực lạm phát kéo dài vẫn là một mối lo ngại, trong đó giá năng lượng và hàng hóa cao đã góp phần làm gia tăng lạm phát.
Cho đến nay, giá hàng hóa là yếu tố chính góp phần giảm lạm phát và theo dự báo điều này vẫn tiếp diễn trong năm 2023 do tình trạng gián đoạn nguồn cung phần nào được giải quyết. Tuy nhiên, lạm phát giá dịch vụ và năng lượng vẫn tăng mạnh và tình trạng này được cho là vẫn tiếp diễn trong thời gian tới.
RBA dự báo các hoạt động kinh tế của Australia sẽ tiếp tục chững lại cho đến hết năm 2023 do lãi suất tăng cao, chi phí sinh hoạt tăng và tài sản hộ gia đình sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng dần trong 2 năm tới khi “những cơn gió ngược” này qua đi. Theo RBA, tăng trưởng GDP của Australia dự kiến sẽ chậm lại khoảng 1,25 % trong năm tài chính 2023-2024.
*Công ty kiểm toán KPMG
KPMG gần đây công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế Australia: Quý I/2023”, trong đó dự báo hoạt động kinh tế của Australia chững lại, mặc dù dự báo không đề cập đến khả năng Australia sẽ rơi vào suy thoái trong giai đoạn tới.
Sau khi chứng kiến hoạt động sản xuất gia tăng trong suốt năm 2022, nhu cầu lao động tại Australia cũng đang tăng lên. Tuy nhiên, trước những rào cản về chính sách thị thực, chi phí các chuyến bay quốc tế tăng và mức độ cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực có tay nghề cao đã khiến Australia chủ yếu phải dựa vào lực lượng lao động trong nước để lấp đầy khoảng trống việc làm.
Điều này đã dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp ở nước này xuống thấp kỷ lục và tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động tăng cao, qua đó đẩy tăng trưởng tiền lương lên cao kỷ lục trong hơn một thập kỷ. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách ban đầu nhìn nhận tăng trưởng tiền lương là tích cực, song hiện nay đã xuất hiện những lo ngại về “vòng xoáy giá lương" tiềm ẩn có thể làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát. Hiện chưa rõ động thái sắp tới của RBA sẽ ra sao trong các cuộc họp sắp tới và bất kỳ diễn biến lạm phát nào cũng có thể khiến thị trường đặt câu hỏi liệu RBA có còn cơ hội để thiết kế một cú “hạ cánh mềm” đối với nền kinh tế hay không.
*Công ty kiểm toán Deloitte
Báo cáo Triển vọng Kinh doanh chính của Deloitte Access Economics vào tháng 3/2023 tiết lộ rằng Australia đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu nhất (không tính trong thời kỳ đại dịch) kể từ cuộc suy thoái đầu những năm 1990.
Báo cáo của Deloitte cho thấy trong khi đa số người Australia sẽ không bị ảnh hưởng bởi mức lãi suất như hiện nay, xuất hiện một số lượng đáng kể người Australia sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo các giả định cơ bản về tăng trưởng thu nhập, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp, khoảng 15% những người vay thế chấp để mua nhà với mức lãi suất linh hoạt sẽ phải đối mặt với tình trạng dòng tiền âm vào cuối năm 2023, trong đó nhiều người có thể đang ở trong tình trạng này.
Theo dự báo, đầu tư cho phát triển nhà ở cá nhân sẽ giảm thay vì tăng từ nay đến hết năm 2023 và chỉ phục hồi ở mức khiêm tốn vào năm 2024. Trong năm nay, dự kiến số nhà ở được xây dựng mới sẽ thấp nhất trong hơn một thập kỷ, cụ thể thấp hơn 70.000 căn nhà so với số lượng nhà mới trong năm 2021. Với số liệu trên, nguồn cung nhà ở mới gần như không theo kịp tốc độ tăng dân số, chưa tính đến việc còn phải giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.
Trước tình hình kinh tế ảm đạm trên, Deloitte đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Australia còn 1,5% trong năm 2023 và 1,2% trong năm 2024.
Deloitte cho rằng: “Việc hạ thấp triển vọng tăng trưởng của Australia chủ yếu là do vấn đề của các hộ gia đình, theo đó chi tiêu hộ gia đình vào cuối năm 2023 dự kiến sẽ thấp hơn so với mức đầu năm.
*Bức tranh kinh tế Australia năm 2023
Mặc dù vẫn có những phân tích thận trọng trên cơ sở các nguồn dữ liệu đáng tin cậy và những dự báo trên cơ sở bằng chứng, nhưng tương lai nền kinh tế Australia vẫn thiếu ổn định và không chắc chắn.
Trong khi nền kinh tế trong nước của Australia dự kiến vẫn chiếm ưu thế hơn so với các nền kinh tế phát triển khác, nhưng vẫn tồn tại thách thức lớn, trong đó những người đi vay thế chấp đang gặp thế khó trong việc trả nợ khi lãi suất tăng cao và suy thoái tiêu dùng tiềm ẩn.
Hầu hết các chuyên gia đều dự đoán tăng trưởng kinh tế của Australia sẽ chậm lại. Những lo ngại về lạm phát và sụt giảm đầu tư nhà ở là chủ đề xuyên suốt hầu hết các tính toán trong tương lai. Trong bối cảnh này, điều quan trọng đối với tất cả người Australia - đặc biệt đối với thế hệ trẻ - là nâng cao hiểu biết về tài chính để hiểu rõ hơn những tác động của chính sách tiền tệ và các biện pháp ngân sách ảnh hưởng thế nào đến tương lai tài chính./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/buc-tranh-kinh-te-australia-ra-sao-trong-nhung-thang-toi/292333.html