Bức tranh kinh tế - xã hội quý I/2024: Nhiều gam màu sáng (Bài cuối): Kiên định mục tiêu, nỗ lực cán đích
Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 13,15% trong quý I, là sự khởi đầu rất tích cực cho năm 2024. Từ tín hiệu khả quan đó, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục kiên định và dồn lực để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn là một trong những sự kiện văn hóa - du lịch lớn của tỉnh sẽ được tổ chức trong tháng 4/2024. Ảnh: Khôi Nguyên
Nhìn thẳng vào những mặt còn hạn chế
Bức tranh kinh tế - xã hội quý I có nhiều gam màu sáng. Song vẫn còn những gam màu “nhạt” hơn, thậm chí một số lĩnh vực đang bộc lộ hạn chế. Tại Hội nghị lần thứ 30, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh diễn ra ngày 5/4/2024, nhiều đại biểu đã phân tích, làm rõ thêm những thuận lợi và cả những thách thức tỉnh ta đang và sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa, thì một thách thức rất đáng lưu ý đó là việc thu tiền sử dụng đất sẽ có những khó khăn. Điều này sẽ tác động mạnh đến việc bố trí vốn đối ứng cho các dự án đầu tư công và ảnh hưởng chung đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng thấp (0,6%) cho thấy một thực tế là các doanh nghiệp chưa tiếp cận tốt các dòng vốn, hay không có hoạt động tín dụng với ngân hàng và hoạt động sản xuất, kinh doanh đang có vấn đề.
Thực tế cho thấy, trong khi một số ngành, lĩnh vực trọng điểm đang có sự bứt tốc tăng trưởng, thì vẫn có những lĩnh vực chưa có sự chuyển biến rõ nét. Điển hình như tiến độ đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm. Tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa bảo đảm theo yêu cầu... Việc thiếu giáo viên vẫn là bài toán khó đặt ra cho ngành giáo dục; việc thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn diễn ra cục bộ ở một số cơ sở y tế. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số địa phương còn kéo dài; tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn còn diễn ra và chưa được xử lý triệt để...
Trên tinh thần khách quan, nhìn thẳng vào những mặt còn hạn chế, thậm chí là yếu kém, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 30, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu. Đó là một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số sở, ngành, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa chủ động, thiếu sáng tạo, thiếu quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Một số cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm trách nhiệm nêu gương, vi phạm pháp luật phải xử lý kỷ luật về Đảng, hành chính, đoàn thể và truy cứu trách nhiệm hình sự. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong tham mưu, giải quyết công việc, dẫn đến một số nhiệm vụ, công việc của tỉnh, của ngành, địa phương chậm tiến độ, kéo dài. Một số quy định giữa pháp luật chưa thống nhất, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện...
Thách thức là trải nghiệm, là động lực phấn đấu
Nhìn thẳng vào những mặt còn hạn chế, yếu kém để “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra”. Đó là yêu cầu được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặt ra cho cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: “Mặc dù kết quả đạt được trong quý I là rất phấn khởi, song so với yêu cầu nhiệm vụ của năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020-2025 còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết không lùi bước, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu đề ra với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, coi khó khăn, thách thức là trải nghiệm, là động lực phấn đấu vươn lên”.
Năm 2024 - năm giữ vai trò then chốt để “tăng tốc, bứt phá và về đích” các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Nhiệm vụ của năm 2024 là rất lớn, nhất là trong quý II - thời điểm quyết định đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và tạo đà cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm. Do đó, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh phải “kiên định mục tiêu đề ra, với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn”. Trên cơ sở đó, Kết luận số 2709-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý I; nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024, đã nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 58-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, tổ chức đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ; đề ra các chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp để tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế, cơ chế, chính sách, kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết. Từ đó, tạo tiền đề cơ bản để mang lại sự chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực.
Tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó trọng tâm là triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để khởi công các dự án mới. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng... Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chú trọng các giải pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng và tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức khai trương du lịch biển tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, gắn với tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch. Ngoài ra, thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng thu ngân sách; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội...
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải tăng cường đoàn kết, thống nhất, nêu gương, tận tâm, tận lực, chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực thi công vụ. Đây cũng là vấn đề mấu chốt để khắc phục những hạn chế, đang trở thành lực cản trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa.