Bức tranh ngành dược phẩm quý II/2022: DVN hơn 1.400 tỷ doanh thu nhưng lợi nhuận âm, Top 5 doanh nghiệp sản xuất giữ phong độ
Theo dữ liệu của Wichart.vn, ngành sản xuất thuốc và dược phẩm có tổng quy mô vốn hóa khoảng 47.438 tỷ đồng (tính đến 17/8/2022). Biên lãi gộp toàn ngành ở mức 30,3% (trượt 4 quý gần nhất – TTM), nhưng biên lãi thuần chỉ ở mức 9,2%.
Con số chênh lệch này chủ yếu đến từ chi phí bán hàng, nhiều doanh nghiệp có tỷ trọng chi phí bán hàng/doanh thu lên đến 30% (trượt 4 quý gần nhất), như DTP 33,1%, DP3 là 30,4%, một số doanh nghiệp dao động trong vùng 15 - 28%.
Nguồn dữ liệu: Wichart.vn, Số liệu trượt 4 quý gần nhất
Tỷ lệ nợ toàn ngành (TTM) ở mức 37,2%, ROA(TTM) đạt 7,1% và ROE (TTM) 11,3%. Về vốn hóa, top 5 dẫn đầu là DHG, DVN, IMP, TRA, DBD (tính đến 17/8).
Xét kết quả kinh doanh quý II/2022, DVN có doanh thu thuần lớn nhất, kế đến là DHG, TRA, DHT, DMC, IMP, DBD…
Nguồn dữ liệu: Wichart.vn
Nếu nhìn vào chỉ tiêu lợi nhuận ròng có sự đổi thứ hạng, cụ thể trong top 5, DHG và TRA vẫn duy trì phong độ trong top 2, trong khi vị trí thứ 3 ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của DBD, 2 vị trí còn lại thuộc về DMC và IMP. Trong khi đó, ngôi vương về doanh thu là DVN với hơn 1.400 tỷ đồng lại có lợi nhuận sau thuế âm trong kỳ.
Nguồn dữ liệu: Wichart.vn
Trong top 5 lợi nhuận - cũng là những doanh nghiệp có các nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn cao, DHG được biết đến là nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam với mạng lưới phân phối rộng khắp và tình hình tài chính khá lành mạnh. Trong cơ cấu nguồn thu, kênh nhà thuốc vẫn là nguồn thu chính, còn kênh bệnh viện chỉ chiếm khoảng 10%.
Hiện DHG đang có 2 dây chuyền sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-Japan, cho phép Công ty đấu thầu vào những nhóm cao khi đầu thầu vào kênh bệnh viện. DHG cũng đang đầu tư nhà máy beta-lactam mới tiêu chuẩn GMP Nhật Bản hoặc EU, vốn đầu tư dự kiến 627 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động năm 2024 và tăng công suất hiện tại lên gấp đôi.
Quý II/2022, DHG ghi nhận doanh thu thuần 1.119 tỷ đồng, tăng trưởng 18%, trong đó hàng tự sản xuất là 1.020 tỷ đồng, tăng 23%. Biên lãi gộp lên đến 49,5%, lãi ròng 235 tỷ đồng, tăng 16,7%.
Nửa đầu năm, DHG đạt 2.184 tỷ đồng doanh thu thuần và 490 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 11,1% và 21,1%. Theo DHG, lợi nhuận tăng theo mức tăng của doanh thu hàng DHG sản xuất (tăng 18,3%).
DHG tập trung bán các sản phẩm chiến lược và chủ lực, đặc biệt các sản phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm liên quan đến điều trị covid như Hapacol, Klamentin, Medlon, Bocalex… Bên cạnh đó, Công ty cũng quản lý tốt các khoản phải thu và hàng tồn kho giúp cải thiện dòng tiền, tăng hiệu quả hoạt động.
Nguồn dữ liệu: Wichart.vn
Top 2 lợi nhuận là TRA cũng có một kỳ báo cáo tích cực, với doanh thu thuần 590 tỷ đồng, tăng 7,36%; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 85 tỷ đồng, tăng đến 22%.
Theo TRA, Công ty đã tận dụng được cơ hội thị trường để tăng trưởng doanh thu, bên cạnh đó triển khai thêm được nhiều sản phẩm, và kiểm soát tốt chi phí. TRA cũng là đơn vị có biên lợi nhuận gộp (TTM) ấn tượng hơn 63%, biên lợi nhuận thuần (TTM) 14,4%.
Với DBD, ghi nhận kết quả kinh doanh quý II/2022 với doanh thu thuần 337 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,4% và 6,3%. Biên lợi nhuận gộp của DBD (TTM) hơn 50%, nhờ tăng tỷ trọng nhóm hàng tự sản xuất (có biên lợi nhuận cao, như thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, và dung dịch thẩm phân).
Hầu hết các sản phẩm của DBD được bán trong kênh bệnh viện (chiếm khoảng 59% doanh thu), và 41% từ kênh nhà thuốc. Từ năm 2020, DBD bắt đầu nỗ lực để mở rộng thêm kênh nhà thuốc để đạt mức tăng trưởng cao hơn và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Hiện DBD là doanh nghiệp dược duy nhất có dư địa room nước ngoài lớn nhất, trong khi doanh nghiệp đã thông qua việc nới room lên 100% từ tháng 3/2020.
DBD nằm trong số ít công ty có khả năng sản xuất các sản phẩm có độ phức tạp cao như thuốc điều trị ung thư và dung dịch lọc máu, tích cực trong hoạt động R&D các sản phẩm mới với công suất nhà máy còn khá dư thừa. Theo kế hoạch, DBD đang chuẩn bị đưa một nhà máy thuốc ung thư đạt chứng nhận GMP-EU trong năm 2022.
Cặp đôi DBD - IMP từng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư vài năm trước, bởi là 2 doanh nghiệp sản xuất có lợi thế cạnh tranh vượt trội nhưng chưa xuất hiện cổ đông lớn nước ngoài – là các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia như DHG, DMC, và PME (đã hủy niêm yết, trở thành công ty con 100% vốn được sở hữu bởi Tập đoàn Stada, Đức).
Tới thời điểm hiện tại, IMP đã chính thức có cổ đông lớn nhất là SK Investment Vina III sau khi hoàn tất mua thêm 4,9 triệu cổ phiếu vào ngày 22/7, đã nâng sở hữu từ 46,57% lên 53,94%. Thông tin người viết ghi nhận, SK tham gia gom mua cổ phiếu IMP diễn ra vài năm nay. Tại thời điểm SK bắt đầu thành cổ đông IMP thì công ty này vẫn chưa có ý định nới room ngoại vượt 49%, hiện tại, room ngoại của IMP là 75%.
Hôm qua (17/8), HĐQT IMP chính thức thông qua việc chào mua công khai cổ phiếu IMP của SK Investment Vina III.
Theo báo cáo tài chính quý II/2022, IMP đạt 354 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 12%; lợi nhuận sau thuế về gần 47 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp cũng suy giảm từ 42,9% cùng kỳ về 39,8%. Các chi phí như chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và tài chính đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu IMP đạt 668 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 99 tỷ đồng, cùng tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm.
Hiện IMP đang xây dựng nhà máy IMP4 đạt chuẩn EU-GMP, dự kiến đưa vào hoạt động thương mại cuối quý III, đầu quý IV/2022. Theo đánh giá của chuyên gia, việc hoàn thành đợt xét duyệt tiêu chuẩn EU-GMP của nhà máy IMP4 sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho doanh thu thuốc ETC, mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn vào mảng đấu thầu thuốc nhóm 1. Song song đó là gia tăng tính cạnh tranh cho IMP trước sản phẩm thuốc ngoại trên thị trường.
Với DMC, là doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm dược phẩm, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, thực phẩm chức năng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, sở hữu thị phần phân phối lớn và có sự hỗ trợ trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của cổ đông chiến lược Abbott.
Quý II/2022, DMC ghi nhận doanh thu thuần 399 tỷ đồng, tăng trưởng 9,8% và lợi nhuận sau thuế 49 tỷ đồng, tăng trưởng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện DMC đang vận hành 5 nhà máy sản xuất, trong đó 3 nhà máy sản xuất thuốc hóa dược đạt chuẩn GMP-WHO, 1 nhà máy chiết xuất và sản xuất thuốc có nguồn gốc dược liệu đạt chuẩn GMP-WHO và 1 nhà máy sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe đạt chuẩn GMP.
Doanh nghiệp đáng chú ý trong quý II/2022 là DVN, báo lỗ quý II/2022 là 4,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 84 tỷ đồng, chủ yếu do tăng trích lập dự phòng đầu tư tài chính và giảm nguồn thu từ cổ tức tiền mặt được chia. Theo đó, chi phí tài chính tăng vọt lên 71 tỷ đồng (cùng kỳ chưa đến nửa tỷ đồng), còn doanh thu tài chính lại giảm về 25,8 tỷ đồng, tương ứng giảm đến 56%.
Trong kỳ, DVN trích lập 39,9 tỷ đồng các khoản đầu tư, trong đó trích lập 26,3 tỷ đồng cho khoản đầu tư cổ phiếu MKP, 10 tỷ đồng cho VMD và 3,6 tỷ đồng khoản đầu tư khác.