Bức tranh phòng vệ thương mại 2025 có gì?
Năm 2024 là năm các nước khởi xướng điều tra nhiều vụ việc phòng vệ thương mại mới nhất với ta, đứng thứ 2 trong lịch sử với 27 vụ trong 11 tháng, và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2025 cùng mức độ phức tạp và quy mô cũng tăng lên. Tạp chí Công Thương đã có những trao đổi với ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) xung quanh vấn đề này.
TCCT: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về tình hình ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của Việt Nam trong năm 2024?
Cục trưởng Trịnh Anh Tuấn: Trong năm 2024, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đạt những bước tiến đáng kể, thể hiện qua việc gia tăng về tổng giá trị xuất khẩu và mở rộng sang các thị trường tiềm năng mới. Tuy nhiên, xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu, điển hình là các quốc gia tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (phòng vệ thương mại), đặt ra nhiều thách thức cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Tính đến hết tháng 11 năm 2024, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã lên tới 271 vụ việc từ 25 thị trường. Hiện còn hơn 100 biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và vẫn tiếp tục được rà soát hàng năm.
Năm 2024 cũng là năm các nước khởi xướng điều tra nhiều vụ việc mới nhất với ta, đứng thứ 2 trong lịch sử (với 27 vụ trong 11 tháng năm 2024), chỉ sau năm 2020 (với 39 vụ). Trong đó, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Indonesia là các thị trường có xu hướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam trong năm 2024. Đặc biệt, Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số vụ việc đã khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Về mức độ phức tạp, các cuộc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ gia tăng về số lượng mà còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung mới chưa từng có tiền lệ. Năm 2024, lần đầu tiên Hoa Kỳ điều tra trợ cấp xuyên quốc gia trong vụ việc chống trợ cấp đối với pin mặt trời và tiếp đó là vỏ viên nhộng từ Việt Nam. Các nước cũng có xu hướng đồng thời điều tra/áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với cùng một sản phẩm.
Về phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, tập trung ở cả các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao như pin mặt trời (4,2 tỷ USD), tôm (800 triệu USD), thép chống ăn mòn (242 triệu USD) đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn như khay đúc bằng sợi giấy (50 triệu USD), đĩa giấy (09 triệu USD)…
Trước bối cảnh này, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bao gồm: cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó; tham gia trả lời các bản câu hỏi và thẩm tra dành cho Chính phù; bình luận, phản biện, tham vấn với cơ quan điều tra nước ngoài; và tham gia cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO. Nhờ đó, nhiều vụ việc đã đạt được kết quả tích cực như chấm dứt, không áp thuế hay mức thuế thấp, giúp các doanh nghiệp giữ được thị trường xuất khẩu.
TCCT: Theo ông, đâu là vụ việc điển hình nhất trong năm 2024? Điểm nổi bật của vụ việc này là gì và chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm như thế nào?
Cục trưởng Trịnh Anh Tuấn: Năm 2024 là năm xuất hiện nhiều vụ việc điều tra kép, có nghĩa là vừa điều tra chống bán phá giá, vừa điều tra chống trợ cấp đối với cùng một mặt hàng. Đối với Việt Nam ta ghi nhận tổng số 05 vụ việc kép đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, vụ việc Hoa Kỳ tiến hành điều tra với tôm nước ấm của Việt Nam là một trong những vụ việc điển hình nhất.
Theo số liệu của Hiệp hội VASEP, Việt Nam xuất khẩu khoảng 800 triệu USD sản phẩm bị cáo buộc sang Hoa Kỳ năm 2022, chiếm khoảng 20% tổng thị phần xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ.
Cuối tháng 11/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam trong khi mặt hàng này vẫn đang bị áp dụng thuế chống bán phá giá. Đây là một trong những vụ việc có diễn biến phức tạp nhất trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với Việt Nam do số lượng các chương trình điều tra rất lớn, khoảng 50 chương trình và Nguyên đơn liên tục đề nghị điều tra thêm các chương trình cáo buộc mới trong quá trình điều tra. Điều này dẫn tới Hoa Kỳ gửi rất nhiều bản câu hỏi bổ sung (tổng cộng lên tới 08 bản câu hỏi) cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam với thời gian trả lời ngắn.
Tôm là một trong những ngành sản xuất được Hoa Kỳ bảo hộ khá chặt chẽ. Trước đó, năm 2013, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm Việt Nam, tuy nhiên đã chấm dứt mà không áp thuế do không có thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ. Nguyên đơn đại diện cho ngành sản xuất Hoa Kỳ cũng là bên có tiếng nói khá mạnh mẽ, sẵn sàng thu thập thêm bằng chứng, thông tin gây bất lợi đối với Việt Nam.
Trước những khó khăn nêu trên, Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) với vai trò là cơ quan chủ trì xử lý vụ việc, đã phối hợp khẩn trường, chặt chẽ với các Bộ/ngành trung ương, UBND tỉnh, các Sở/ban/ngành địa phương, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp có liên quan để trao đổi, thống nhất và triển khai các phương án xử lý vụ việc một cách hiệu quả nhất.
Cuối tháng 10 vừa qua, Hoa Kỳ đã ban hành Kết luận cuối cùng của vụ việc. Theo đó, mức thuế chống trợ cấp dành cho bị đơn bắt buộc và các công ty xuất khẩu tôm khác của Việt Nam là 2,84%. Chỉ có 01 doanh nghiệp không hợp tác đầy đủ, phải chịu mức thuế khá cao là 221,82% do doanh nghiệp quyết định rút, không tham gia vụ việc.
Trong số các nước cùng bị điều tra (gồm Ecuador, Ấn Độ và Indonesia), mức thuế chống trợ cấp của Việt Nam thấp hơn đáng kể mức thuế dành cho Ấn Độ (5,77-5,87%) và Ecuador (3,57-4,41%). Đây là kết quả đáng khích lệ đối với ngành sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giữ vững thị trường Hoa Kỳ và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bài học kinh nghiệm rút ra từ vụ việc đó là: mặc dù đây là vụ việc điều tra phức tạp với tổng số chương trình bị điều tra rất lớn, nguyên đơn Hoa Kỳ có tiếng nói cực kỳ mạnh mẽ tại Hoa Kỳ, tuy nhiên nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Hiệp hội VASEP và Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại), giữa các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội, giữa Bộ Công Thương và các Bộ ngành, UBND tỉnh liên quan, chúng ta đã đạt được kết quả rất tích cực. Điều này cho thấy, khi bị điều tra phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần bình tĩnh, xác định rõ chiến lược tham gia, chuẩn bị nguồn lực đầy đủ để xử lý vụ việc (trong đó có thuê luật sư tư vấn tốt) và phối hợp, liên hệ thường xuyên với Bộ Công Thương để cùng xử lý, theo dõi tình hình vụ việc và được tư vấn kịp thời. Nếu chúng ta kháng kiện tốt, kết quả đạt được thậm chí còn giúp các doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh so với đối thủ từ các quốc gia khác cũng bị điều tra mà nhận mức thuế cao hơn.
TCCT: Ông dự báo thế nào về bức tranh phòng vệ thương mại năm 2025?
Cục trưởng Trịnh Anh Tuấn: Năm 2025, do tình hình kinh tế - chính trị thế giới dự kiến sẽ có nhiều biến đổi nên các biện pháp phòng vệ thương mại dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, cùng với đó mức độ phức tạp và quy mô của các vụ việc cũng tăng lên. Một số xu hướng điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài trong năm 2025 có thể kể đến như:
- Đẩy mạnh áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tăng mức thuế có thể áp dụng, thông qua việc sử dụng các quy định về: (i) nền kinh tế phi thị trường: (ii) tình hình thị trường đăc biệt; (iii) yêu cầu, đòi hỏi khắt khe hơn về thủ tục khi tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại.
- Tăng cường việc áp dụng các quy định điều tra mới, chưa từng có tiền lệ như các yếu tố về nhân quyền, trợ cấp xuyên quốc gia... Tiếp tục sửa đổi thêm các quy định về phòng vệ thương mại theo hướng bảo hộ và khó dự đoán hơn.
- Tiếp tục sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại có phạm vi áp dụng rộng như tự vệ hoặc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại để tăng cường bảo hộ.
- Các nhóm sản phẩm mục tiêu của các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian sắp tới có thể là các mặt hàng sử dụng nhiều lao động hoặc sử dụng nguyên liệu đầu vào từ những nước thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại như Trung Quốc...
Theo danh sách cảnh báo sớm cập nhật của Cục Phòng vệ thương mại, một số ngành hàng có rủi ro lớn hơn trong việc bị điều tra phòng vệ thương mại tại một số thị trường xuất khẩu, đó là các mặt hàng gỗ dán, tủ gỗ, thép chống ăn mòn, thép cán nóng, cáp thép dự ứng lực, ống thép hàn, nhôm thanh định hình, ống đồng, kính nổi, nhựa PET, đá thạch anh nhân tạo, máy giặt, tủ lạnh, lốp xe tải và xe khách xuất khẩu, thép gió, máy biến thế.
Các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nói trên cần tăng cường theo dõi, tìm hiểu các quy định điều tra phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để đối phó hiệu quả với các rủi ro này.
TCCT: Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng ứng phó hiệu quả với các vụ việc và tăng cường công tác cảnh báo sớm, Bộ Công Thương sẽ triển khai những giải pháp nào?
Cục trưởng Trịnh Anh Tuấn: Trước những thách thức ngày càng gia tăng từ các biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường lớn của Việt Nam, công tác cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại đã và đang được Cục Phòng vệ thương mại triển khai nhằm giúp các doanh nghiệp, ngành hàng chủ động ứng phó trước những nguy cơ bị điều tra từ nước ngoài. Hệ thống Cảnh báo sớm theo dõi, thu thập và phân tích dữ liệu về các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có rủi ro bị nước ngoài tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Hiện tại hệ thống theo dõi khoảng 300 mặt hàng có rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại. Bên cạnh việc thu thập và phân tích các dữ liệu thông tin đó, Cục Phòng vệ thương mại cũng sử dụng nguồn thông tin gửi về từ hệ thống hơn 60 thương vụ tại các thị trường xuất khẩu chính.
Những giải pháp mà Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng ứng phó hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại và tăng cường công tác cảnh báo sớm bao gồm:
Thứ nhất, cập nhật thường xuyên và kịp thời danh sách cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thứ hai, tăng cường thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp ở các ngành hàng cụ thể và tại các địa phương cụ thể.
Thứ ba, tiếp cận với các doanh nghiệp để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra.
Thứ tư, theo dõi sát các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đảm bảo các cơ quan điều tra nước ngoài hoạt động điều tra phù hợp với các cam kết quốc tế và quy định pháp luật, sẵn sàng can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra nước ngoài khi hoạt động điều tra có điểm không phù hợp gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến cảnh báo sớm và pháp luật về phòng vệ thương mại thông qua các ấn phẩm, bản tin điện tử Phòng vệ thương mại và Cảnh báo sớm hàng tuần, bài viết đăng trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, các khóa đào tạo, tập huấn để phổ biến các quy định về xuất xứ, quy định về phòng vệ thương mại đến các doanh nghiệp trong ngành nhằm ngăn chặn từ đầu việc khai báo thông tin không chính xác và việc tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
Thứ sáu, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành khác nhằm bảo vệ quyền lợi của các ngành hàng trong nước, duy trì ổn định sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng.
TCCT: Còn đối với các doanh nghiệp, ông có những khuyến nghị gì?
Cục trưởng Trịnh Anh Tuấn: Trước tình hình này, Cục Phòng vệ thương mại có một số lưu ý, khuyến nghị cho các doanh nghiệp để ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại trong thời gian tới như sau:
- Nghiên cứu, tìm hiểu kỹ quy định phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt những nước thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại, để có kiến thức nền tảng, không bị bỡ ngỡ khi bị điều tra phòng vệ thương mại; tham dự các buổi hội thảo, tập huấn về quy định phòng vệ thương mại, những thay đổi trong chính sách phòng vệ thương mại của nước ngoài do Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) tổ chức để trang bị thêm kiến thức;
- Thường xuyên theo dõi danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng về thương mại của Bộ Công Thương; trao đổi với đối tác nhập khẩu về tình hình hoặc khả năng phát sinh vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường nhập khẩu đó;
- Đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu;
- Cạnh tranh bằng chất lượng thay vì bằng giá, nâng cao tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam trong sản phẩm;
- Tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại;
- Triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng; áp dụng hệ thống kế toán chuẩn quốc tế;
- Phối hợp chặt chẽ và toàn diện với cơ quan điều tra nước ngoài khi bị điều tra phòng vệ thương mại; đáp ứng đúng các hướng dẫn và thời hạn yêu cầu của cơ quan điều tra;
- Thường xuyên liên hệ và phối hợp chặt chẽ với hiệp hội và Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời để xử lý vụ việc.