Bức tranh vùng kinh tế động lực
Vùng kinh tế động lực Mai Sơn, năm 2023, đón nhiều niềm vui. Có thêm 3 nhà máy chế biến mới đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương; công nhận thêm 3 vùng trồng cà phê, trồng na công nghệ cao... Tất cả tạo nên bức tranh sống động, tươi sáng, trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao
Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng bộ huyện Mai Sơn là phát triển kinh tế toàn diện trên cả lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp gắn với hoàn thiện xây dựng nông thôn mới, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhận thức đó được hiện thực hóa trên các vùng đất, miền quê của huyện, với khí thế thi đua lao động, sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập của nhân dân.
Tới xã Cò Nòi, thăm vườn na của HTX Mé Lếch, ấn tượng với những cây na có nhiều lứa quả được bao bọc bởi những lớp xốp trắng. Ông Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc HTX giới thiệu: Trồng na bây giờ sử dụng nhiều công nghệ nên quả đều, đẹp. Từ khâu thụ phấn, ra hoa rồi kết quả đều được chọn lọc, quả nào đẹp thì để lại, còn không cắt bỏ.
Mỗi cây na thái, các thành viên chỉ giữ lại khoảng 50-70% số quả, do vậy, có quả to nặng hơn 1kg. Theo đánh giá, một ha na, năng suất trung bình 13-15 tấn quả/năm, thu hoạch từ tháng 7 kéo dài đến tháng 12 dương lịch, giá bán dao động 30-35 nghìn đồng/kg na dai; 50-55 nghìn đồng/kg na Thái, trừ chi phí, thu nhập bình quân 400-600 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng khác. Ngoài na thái, na dai, HTX đã nghiên cứu đưa thêm giống na sầu riêng, na dứa vào trồng. Đến nay, HTX có 180 ha cây ăn quả các loại, trong đó, 150 ha na. Sản phẩm na của HTX đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.
Trên các nương đồi trồng cây ăn quả hay các vùng trồng rau của các xã trong huyện, đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp các vườn cây được nông dân đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống camera giám sát... Thống kê, toàn huyện có 51 doanh nghiệp, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hơn 1.217 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng; UBND tỉnh công nhận 3 vùng cà phê, na ứng dụng công nghệ cao và có 5 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Con số ấn tượng từ năm 2020 đến nay, toàn huyện ứng dụng công nghệ cao trong trồng mới hơn 1.100 ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả lên 11.000 ha. Trong đó, 3.500 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng công nghệ cao, 1.200 ha cây ăn quả theo hướng hữu cơ; hơn 985 ha lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; gần 998 ha cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài ra, huyện còn phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, mía, ngô giống, sắn, ngô ngọt, đậu tương rau... gắn với các nhà máy chế biến. Đến nay, diện tích liên kết sản xuất đạt 8.622,4 ha; duy trì, phát triển 47 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, với tổng diện tích hơn 2.397 ha.
Phấn khởi trước những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, HTX, các hộ dân tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư hạ tầng, phục vụ sản xuất gắn với đẩy mạnh thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất, chế biến nông sản; nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực và chương trình OCOP. Đồng thời, tăng cường triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản...
Sôi động các nhà máy chế biến
Tất bật, hối hả sản xuất tháng cao điểm giáp tết, chúng tôi về thăm Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La, cảm nhận không khí lao động tại nhà máy rất nhộn nhịp, khẩn trương. Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La, cho biết: Ngoài 500 lao động đang làm việc trực tiếp tại nhà máy, Công ty có hàng trăm cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu để tuyên truyền, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông dân. Ưu tiên hàng đầu của Doveco Sơn La là tiêu thụ tối đa nguyên liệu sẵn có của địa phương, đảm bảo thị trường đầu ra bền vững cho rau quả Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Đến nay, đã ký kết với 51 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cung cấp giống, vật tư phân bón đảm bảo chất lượng; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Những ngày cuối năm cũng là mùa cao điểm sản xuất tại Nhà máy chế biến đường của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La. Những chuyến ô tô từ các ngả đường, chở đầy mía nối đuôi nhau vào nhà máy. Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sơn La, cho biết: Công ty có chính sách đầu tư cho bà con trồng, chăm sóc mía, bao gồm các hạng mục như: Tiền làm đất, phân bón hữu cơ cải tạo đất, phân bón chuyên dùng cho mía, giống mía, thuốc bảo vệ thực vật… Tổng mức đầu tư hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Bằng nhiều các biện pháp thâm canh tiên tiến, các chính sách đầu tư thu mua hợp lý đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích vùng nguyên liệu tăng lên đến gần 10.000 ha, sản lượng mía tăng lên, bảo đảm kế hoạch sản xuất trên 60.000 tấn đường thành phẩm trong niên vụ 2023-2024.
Là trung tâm quy hoạch vùng cây trồng có lợi thế, với diện tích và sản lượng lớn làm nguyên liệu cho các nhà máy, Mai Sơn nỗ lực thu hút các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến. Hiện nay, toàn huyện có Khu công nghiệp Mai Sơn và nhiều nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động hiệu quả, tiêu biểu: Nhà máy mía đường Sơn La; Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La; Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La; Công ty cổ phần chế biến Cà phê Sơn La...
Đồng chí Nguyễn Việt Cường, Bí thư Huyện ủy Mai Sơn, thông tin: Thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, huyện Mai Sơn tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, từng bước đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; hình thành, phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, lấy HTX của bản làm nền tảng, thành phần kinh tế quan trọng trong liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông sản, đưa Mai Sơn trở thành Trung tâm chế biến nông sản của tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc. Hình thành các chợ đầu mối nông sản, các ngành dịch vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản gắn với tiềm năng lợi thế phát triển du lịch.
Với những thành tựu nổi bật trong năm 2023 sẽ là bước đệm chắc chắn, góp phần tạo bước tăng trưởng cao cho vùng kinh tế động lực Mai Sơn trong năm mới Giáp Thìn - 2024.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/buc-tranh-vung-kinh-te-dong-luc-adXnGM2SR.html