Bức tranh xét tuyển sớm ở nhiều trường đại học

Từ tháng 5/2024, nhiều trường đại học đã kết thúc giai đoạn nhận hồ sơ xét tuyển sớm đợt đầu tiên, tiếp tục xét tuyển đợt 2.

Học sinh khối 12 tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Học sinh khối 12 tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm chuẩn không nhiều biến động

Sáng ngày 31/5, Trường Đại học Gia Định công bố điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm đợt tháng 5/2024. Với phương thức xét học bạ THPT, điểm chuẩn dao động từ 17,5 -19 điểm.

Cụ thể, điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu là 19 điểm. Ngoài ra, các ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Truyền thông đa phương tiện, Luật, Marketing và Công nghệ thông tin, điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm là 18 điểm.

47 ngành/chuyên ngành còn lại, mức điểm chuẩn là 17,5.

Năm 2024, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường là 16,5 điểm cho 53 ngành/chuyên ngành theo phương thức xét học bạ THPT (tổng điểm học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).

Điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm đợt tháng 5/2024 của Trường Đại học Gia Định. Ảnh: GDU

Điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm đợt tháng 5/2024 của Trường Đại học Gia Định. Ảnh: GDU

Trước đó, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Văn Lang công bố kết quả trúng tuyển sớm với 60 ngành đào tạo hệ đại học chính quy theo phương thức xét học bạ THPT đợt 1 năm 2024, dao động 18-24.

Cụ thể, các ngành thuộc khối sức khỏe có điểm đủ điều kiện trúng tuyển cao nhất: Răng Hàm Mặt, Y khoa, Dược học có mức trúng tuyển cao nhất là 24 điểm; ngành Truyền thông đa phương tiện và ngành Quan hệ Công chúng với 20 điểm; Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học 19,5.

Đối với nhóm ngành sức khỏe, thí sinh phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT. Các ngành học còn lại có mức điểm chuẩn trúng tuyển là 18 điểm.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, tháng 3/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, tháng 3/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), mức điểm trúng tuyển vào 36 ngành đào tạo theo phương thức xét học bạ là 18 điểm. Đây cũng là mức điểm chuẩn xét học bạ đợt 1 năm 2024 của nhiều ngành tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH).

Với phương thức xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ 1 lớp 12 và học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11) và xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12, mức điểm chuẩn của đợt nhận hồ sơ đầu tiên (18/1-31/3) ở ngành Dược là 24 điểm; các ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học là 19,5 điểm; tất cả các ngành còn lại lấy 18 điểm.

Trong đó, đối với nhóm ngành Khoa học sức khỏe, thí sinh cần đảm bảo điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT. Với ngành Dược, thí sinh cần đạt thêm điều kiện học lực cả năm lớp 12 loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 điểm trở lên.

18 cũng là điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ THPT đợt 1 năm 2024 với 41 chương trình đào tạo tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Riêng khối ngành sức khỏe, mức điểm trúng tuyển cao hơn.

Cụ thể, với phương thức xét tổng điểm 3 học kỳ (không bao gồm học kỳ 2 lớp 12), điểm trúng tuyển ngành Y khoa, Y khoa (chương trình tiếng Anh), Răng Hàm Mặt; Răng Hàm Mặt (chương trình tiếng Anh), Y học cổ truyền, Dược học, Dược học (chương trình tiếng Anh) cùng lấy 24 điểm.

Các ngành Điều dưỡng (chương trình tiếng Anh và tiếng Việt), Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng cùng lấy 19,5 điểm. Các ngành còn lại điểm trúng tuyển là 18 điểm.

Tại Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, mức điểm trúng tuyển vào các ngành dao động trong khoảng 18-19 điểm đối với tổ hợp 3 môn xét tuyển học kỳ 1 lớp 12; hoặc tổng điểm trung bình chung của 3 học kỳ phải đạt từ 6-6,5 tùy theo ngành.

Nhìn chung, điểm chuẩn xét tuyển sớm của các trường đại học trong năm nay không nhiều biến động so với năm 2023.

Ở một số ngành, điểm chuẩn “nhích” 1-2 điểm; còn lại, mức điểm bằng so với năm ngoái, phổ biến ở mức 18 điểm.

Chỉ tiêu còn lại dồi dào

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, các trường đại học đã công bố các phương thức tuyển sinh với tỷ lệ chỉ tiêu cho từng phương thức trong đề án tuyển sinh. Thí sinh có thể theo dõi trên các cổng tuyển sinh của trường.

Ví dụ, tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, với tổng chỉ tiêu khoảng 7.000, xét tuyển bằng học bạ THPT chiếm 20-30%, xét tuyển bằng đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức 5-10%, xét tuyển theo đề án của trường 5-10%; còn lại là sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Do đó, có thể thấy, số lượng chỉ tiêu còn lại tại các trường ngoài các phương thức xét tuyển sớm còn khá dồi dào.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, tháng 3/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, tháng 3/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh 12.500 cho 63 ngành đào tạo, trường sử dụng 4 phương thức độc lập, gồm: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (45% tổng chỉ tiêu); Xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM (5% chỉ tiêu); Xét tuyển học bạ (50% chỉ tiêu) dựa vào tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12; Xét học bạ dựa vào tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).

Với Trường Đại học Gia Định, 3 phương thức chủ yếu được sử dụng gồm: Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Trong đó, ở phương thức xét tuyển học bạ chiếm khoảng 60% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung, Trưởng phòng Truyền thông HUTECH cho biết, với việc xét tuyển sớm, HUTECH đã nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 từ 8/1 đến 31/3 và công bố kết quả trúng tuyển sớm đợt đầu tiên, đồng thời nhận hồ sơ học bạ đợt 2 cho đến ngày 31/5.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, tháng 3/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, tháng 3/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Tính đến cuối tuần trước, HUTECH nhận được hơn 6.600 hồ sơ với hơn 18.500 nguyện vọng bằng học bạ tính cả 2 đợt.

“Có thể nói, xét tuyển học bạ là phương thức xét tuyển sớm đang được nhiều thí sinh quan tâm trong thời điểm hiện nay. Về điểm đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT), điểm chuẩn trúng tuyển sớm đợt 2 sẽ tương đương với mức điểm chuẩn đợt 1 đã công bố: 18 điểm đối với các ngành; 19,5 điểm đối với ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học và 24 điểm đối với ngành Dược học”, bà Dung nói.

TS Mai Đức Toàn, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Gia Định lưu ý: “Đối với thí sinh tham gia đăng ký các phương thức xét tuyển sớm, khi được trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển, nếu muốn được trúng tuyển chính thức vào trường, các em bắt buộc phải đăng ký trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT theo quy định. Khi đó, các trường mới có cơ sở dữ liệu để xét tuyển”.

Bên cạnh đó, thí sinh cần đảm bảo điều kiện tốt nghiệp THPT và bổ sung hồ sơ (giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời với thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024) để được công nhận trúng tuyển chính thức theo quy định.

Mạnh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/buc-tranh-xet-tuyen-som-o-nhieu-truong-dai-hoc-post685474.html