Bức tranh xuất khẩu phân bón 4 tháng đầu năm
4 tháng đầu năm, Campuchia là khách hàng lớn nhất nhập khẩu phân bón của Việt Nam với sản lượng đạt 145.793 tấn, trị giá hơn 59 triệu USD.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón của Việt Nam trong tháng 4 đạt 123.796 tấn với trị giá hơn 44 triệu USD, giảm 16,8% về lượng và giảm 29,8% về trị giá so với tháng 3/2024.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón đã thu về hơn 252 triệu USD với 624.462 tấn, tăng 16,2% về lượng và tăng 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường phân bón thế giới, các cường quốc phân bón của thế giới đều đang gia hạn xuất khẩu mặt hàng này phải kể đến Nga và Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm xuất khẩu ure, các quốc gia châu Á đều đang đổ xô tìm nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam.
Xét về thị trường, trong 4 tháng đầu năm, Campuchia giữ vị trí là khách hàng lớn nhất với sản lượng đạt 145.793 tấn, tương đương trị giá hơn 59 triệu USD, giảm nhẹ 3% về lượng và giảm 9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu đạt bình quân 406 USD/tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoại trừ Campuchia, các thị trường khác đều tăng mạnh nhập khẩu phân bón từ Việt Nam. Cụ thể, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của phân bón Việt Nam với 83.385 tấn, trị giá tương đương hơn 34 triệu USD, tăng mạnh 74% về lượng và tăng 96% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 413 USD/tấn, tăng mạnh 13% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc đã tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với các lô hàng xuất khẩu ure sang Hàn Quốc từ ngày 3/12/2023. Hàn Quốc đã phải chịu tác động lớn từ sự gián đoạn nguồn cung cấp dung dịch ure vào năm 2021 sau khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu này. Tồn kho ure của Hàn Quốc chỉ đủ dùng đến tháng 2/2024 và có kế hoạch tăng nhập khẩu từ Việt Nam, Nhật Bản và các nước khác ngoài Trung Quốc.
Đứng thứ 3 là thị trường Philippines với 38.633 tấn, tương đương trị giá hơn 18 triệu USD, đây cũng là thị trường chứng kiến mức tăng mạnh nhất với 281% về lượng và 192% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu đạt bình quân 481 USD/tấn, mức giá đắt nhất trong số các thị trường, tuy nhiên vẫn giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh 3 thị trường chủ đạo này, các quốc gia và vùng lãnh thổ khác đang tăng mạnh nhập khẩu phân bón từ Việt Nam phải kể đến Lào, Đài Loan (Trung Quốc), Myanmar, Malaysia,…
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023 Việt Nam xuất khẩu gần 1,55 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 648,9 triệu USD, giá trung bình 419,6 USD/tấn, giảm 11,7% về khối lượng, giảm 40,7% về kim ngạch và giảm 32,9% về giá so với năm 2022.
Theo báo Kiểm toán, năm 2024, các chuyên gia dự báo nguồn cung phân bón sẽ ngày càng thắt chặt do hai nhà cung cấp lớn của thế giới là Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu. Điều này có thể khiến giá phân bón trong năm 2024 tăng nhẹ so với các năm trước. Dự kiến thị trường phân ure thế giới sẽ sôi động hơn từ nửa sau năm 2024 khi các nhà tiêu thụ lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu để đảm bảo nguồn cung phân bón cho giai đoạn cao điểm gieo hạt vụ Hè -Thu sắp tới.
Về tiêu thụ phân bón, Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) dự báo tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 192,5 triệu tấn.
4 giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu phân bón
Chia sẻ trên báo Công Thương, các chuyên gia khuyến cáo 4 giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng phân bón trong thời gian tới.
Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực cho ngành phân bón thông qua việc nâng cao chất lượng và năng suất lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, mang bản sắc văn hóa doanh nghiệp. Đầu tư cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo kế cận, xây dựng chính sách phúc lợi nhân sự, cơ chế thăng tiến theo năng lực, cân bằng lợi ích cho người lao động.
Thứ hai, doanh nghiệp phân bón cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Cuộc cách mạng này đã và đang đem lại nhiều nền tảng công nghệ cho doanh nghiệp trong sản xuất phân bón và nâng cao chất lượng sản phẩm đóng góp cho sự phát triển của ngành phân bón, tiến tới ứng dụng những công nghệ then chốt, tạo động lực phát triển cho ngành, đồng thời nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của công nghệ tiên tiến khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, doanh nghiệp cần tận dụng nguồn lực, tiềm lực và lợi thế cạnh tranh để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu phân bón. Với nguồn cung phân ure trong nước vượt xa nhu cầu, nhiều doanh nghiệp tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu; trong đó đẩy mạnh xuất khẩu phân bón vào các thị trường khó tính nhưng có giá cao như Australia, New Zealand bên cạnh thị trường quan trọng như Campuchia và châu Mỹ - nơi nông nghiệp rất phát triển và đòi hỏi rất cao về chất lượng trong việc sử dụng phân bón.
Thứ tư, kiến nghị giảm thuế xuất khẩu. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, với thực tế nguồn cung phân bón trong nước đã vượt nhu cầu, việc có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu là cần thiết. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn bị áp thuế xuất khẩu 5% khiến phân bón Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại của nước ngoài.
Minh Hoa (t/h)