Bức xúc bài thơ 'Lượm' của Tố Hữu bị chế thành nhạc rác trên TikTok
Bài thơ 'Lượm' của nhà thơ Tố Hữu bị biến tấu với ca từ vô nghĩa, thu hút hàng triệu lượt sử dụng, chia sẻ trên TikTok khiến dư luận phẫn nộ.
Lời thơ "Lượm" bị chế thành nhạc phản cảm trên TikTok
Những ngày gần đây, đoạn rap được chế lời từ bài thơ "Lượm" của nhà thơ Tố Hữu bất ngờ lan truyền "chóng mặt" trên nền tảng TikTok.
Bài rap do 2see thực hiện và được remix bởi DJ FWIN có nội dung: “Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu cắt moi/ Gió đưa cành trúc thật Prada/ Trên mạng đang hot trend gì vậy ta/ Họa hổ họa bì gian nan họa cốt/ Tiên nhân tri diện đường Nguyễn Tri Phương/ Cười người hôm trước hôm sau người cười/ Trăm nghe không bằng mắt sáng 10/10/ Muốn sang đây được phải bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải tốn tiền nhiều”.
Hiện, hastag "Chubeloatchoat" (tạm dịch: Chú bé loắt choắt) có đến hơn 18,3 triệu lượt nhắc đến trên nền tảng này. Các video được chèn đoạn nhạc này thu hút hàng chục, hàng trăm nghìn lượt xem, tương tác.
Trong đó, phổ biến nhất là video ghi cảnh các học sinh đứng lên bàn ghế, thậm chí bàn giáo viên để tạo dáng. Có video quay lại cảnh các cô gái mặc áo dài trong tư thế khá nhạy cảm. Người khác lại ghép bài nhạc với video mặc áo tắm.
Ngay khi trend (xu hướng) này được chia sẻ rầm rộ, đoạn nhạc này nhanh chóng bị chỉ trích vì nội dung không phù hợp với tinh thần gốc của bài thơ.
"Không hiểu sao trend này lại đủ hot và các bạn có thể "đu trend" như vậy. Nhìn nhận theo mọi khía cạnh, nó là một lời chế vô nghĩa, tiêm sâu vào giới trẻ những nhận thức lệch lạc về những kiến thức lịch sử hào hùng. Âm nhạc không có ý nghĩa không phải âm nhạc, đừng có gắng nói rằng đây là nhạc nghe để giải trí".
"Đây là sự xuống cấp đạo đức của 1 số bộ phận giới trẻ. Quá tệ"; "Rác phẩm nhưng được tung hô, thành trend, quá ghê sợ"... là một số bình luận của khán giả trên mạng xã hội.
Nhức nhối vấn nạn nhạc rác, nhạc chế phản cảm
Đây không phải lần đầu tiên, vấn đề nhạc rác, nhạc chế phản cảm được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, khiến dư luận ngán ngẩm.
Còn nhớ, năm 2018, ca khúc "Thương quá Việt Nam" từng bị chế thành đoạn lời phản cảm: “Chim trong lồng chim bay ra, chim tung cánh xé tan quần què. Chim bay về một nơi xa” trong video "Giấc mộng ca sĩ" của Vanh Leg, đăng trên YouTube.
Năm 2022, đoạn nhạc chế từ các nhân vật trong truyện tranh nổi tiếng Doraemon do Lê Dương Bảo Lâm thể hiện ở chương trình Sàn đấu ca từ cũng lan truyền trên mạng xã hội, đặc biệt trên nền tảng TikTok.
Cụ thể, đoạn nhạc chế có nội dung: “Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng, thì Nobito chào đời”.
Chia sẻ với Báo Giao thông về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói rằng, anh vẫn tôn trọng những bài nhạc chế có nội dung mang tính giáo dục, sáng tạo, truyền tải thông điệp tích cực, thiết thực…
Nhạc sĩ lấy ví dụ đó là những bài nhạc chế của thầy giáo trẻ Nguyễn Thái Dương nhằm cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho học sinh, giúp các em dễ ghi nhớ. Anh cũng hoan nghênh những bài mang tính hài hước, châm biếm nhẹ nhàng và trân trọng những sáng tạo hữu ích.
“Cũng giống như nhạc rap. Tôi rất tôn trọng các góc nhìn của những bạn sáng tạo nhạc rap, họ có ngôn từ gai góc, thẳng thắn, mạnh mẽ nhưng tôi vẫn lên án những bài hát có ca từ thô tục, phản cảm, gợi dục. Có nghĩa là mình phải có được lằn ranh, quy chuẩn rõ ràng.
Sự hài hước và sự nhố nhăng phản cảm là hoàn toàn khác nhau. Sự sáng tạo không thể đi ngược với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức.
Sau cùng, nghệ thuật vẫn phải hướng người nghe đến một điều tốt đẹp, cái thiện lành hơn chứ không hướng người ta có những suy nghĩ tiêu cực và hành động tiêu cực, gây ảnh hưởng cho bản thân và cả xã hội. Việc sáng tạo vì thế mà không thể và không nên vượt qua lằn ranh về văn hóa", tác giả ca khúc "Nhật ký của mẹ" bày tỏ.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý, không chỉ "Lượm" mà rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật của Việt Nam sẽ bị chế thành những sản phẩm "rác" và được lan truyền trên mạng xã hội.
"Tôi nghĩ, khán giả nên mạnh mẽ tẩy chay những sản phẩm nhạc chế “rác”. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần có những biện pháp xử lý mạnh tay để “rác” âm nhạc thế này không còn tràn lan trên không gian mạng", vị nhạc sĩ đề xuất.