Buenos Aires - đâu chỉ là Paris Nam Mỹ
Tưởng chừng như đường nét mỹ thuật Bourbon hay Rococo của người Pháp phủ lên tất cả hình hài Buenos Aires, nhưng lang thang qua lòng phố, thủ đô Argentina còn cất giữ riêng cho mình một tiểu Rome và tiểu Madrid.
Đến Paris trước đây tôi hiểu tại sao thủ đô nước Pháp được gọi là kinh đô ánh sáng của thế giới mà đến nay khó có thể thành phố nào vượt mặt được. Mỗi người yêu Paris theo nhiều kiểu cách khác nhau, nhưng Paris trong tôi là kiến trúc cổ kính xuyên suốt được chắt chiu trong sự quy hoạch kỹ lưỡng cấu trúc đô thị, văn hóa cà phê vỉa hè, bữa ăn tối lãng mạn kéo dài, nụ hôn tình tứ khó quên, những bảo tàng mỹ thuật đồ sộ, nơi chốn riêng tư của giới hội họa, nhạc kịch, thời trang, làm đẹp và cả những tác phẩm văn học lớn.
Ở Paris, tình yêu chẳng bao giờ có tuổi và Buenos Aires cũng vẫn thế. Anh tiếp tân nhà nghỉ ở Buenos Aires kể rằng, có những mối tình được dệt từ trong lòng thủ đô mà các câu chuyện ấy rất đẹp bởi những người yêu nhau không phân biệt độ tuổi hay giới tính.
Thủ đô ánh sáng của Nam Mỹ
Một vài người lữ hành khó tính phàn nàn, Buenos Aires chưa thể đạt đẳng cấp như Paris, nhưng với tôi là đủ bởi một bản sao không thể hoàn hảo như bản gốc, và hơn nữa Tân thế giới vẫn còn rất mới để xây dựng. Nhịp sống Buenos Aires khá chậm khi các văn phòng đồng loạt mở cửa lúc 10:00 giờ sáng và khép lại cũng đúng thời điểm ấy khi những ngọn gió đêm bắt đầu trở giấc.
Những bước chân của người Buenos Aires thoăn thoát, hối hả khi ánh dương đã lên cao và chuyển nhịp lắng đọng lại trong ánh sáng ấm áp tỏa ra từ các ngọn nến trong quán bar, tụ điểm giải trí và các hoạt động đường phố sôi động.
Người Buenos Aires rất lịch lãm, trang nhã ra phố và mãi khi về đến Chicago – Mỹ, tôi mới có thể so sánh và có nhận xét riêng. Trong ánh mắt tôi, đó là thủ đô ăn bận đẹp nhất và cũng là thành phố ánh sáng của dải đất Nam – Trung Mỹ. Cụm từ "Ánh sáng" được các chuyên gia đưa ra với nhiều tiêu chí để phong tặng, nhưng tôi chẳng cần suy nghĩ sâu xa hay tìm hiểu chi tiết, bởi khi mỗi hoàng hôn vừa ập đến, tôi thường đứng trên sân thượng nhà nghỉ ngắm nhìn thật lâu bức tranh ánh sáng nghệ thuật tuyệt đẹp đang dần hiện ra.
Được anh tiếp tân nhà nghỉ chỉ dẫn, tôi bắt đầu từ đại lộ Corrientes thấm đẫm văn hóa "người đất cảng" với những nhà hát nhỏ phục vụ hàng đêm, các thư viện đa ngôn ngữ và tụ điểm trình diễn vũ điệu Tango nối tiếp nhau. Khu vực Corrientes còn được gọi là "Broadway" hay sàn diễn của thủ đô Buenos Aires.
Tưởng chừng như đường nét mỹ thuật Bourbon hay Rococo của người Pháp phủ lên tất cả hình hài Buenos Aires, nhưng lang thang qua lòng phố, thủ đô Argentina còn cất giữ riêng cho mình một tiểu Rome và tiểu Madrid.
Tôi đứng ngắm thật lâu các pho tượng cẩm thạch trắng, đài phun nước được điêu khắc tinh xảo đặt trước tòa nhà Congreso thường gọi là Quadriga. Theo truyền thuyết của người La Mã, Quadriga gồm bốn thần mã, tượng trưng cho bốn mùa trong năm, kéo cỗ xe phía sau dành riêng cho Thần ánh sáng Apollo cùng các vị anh hùng huyền thoại đi vòng quanh quả địa cầu.
Sau lưng Quadriga là nữ thần Nike đứng trên bệ cao, hình ảnh chiến thắng. El Congreso là tòa nhà dành cho chính phủ tổ chức các cuộc họp nội các, quốc tế và các kiến trúc sư người Ý hy vọng từ trong tòa nhà ấy sẽ có nhiều vị anh hùng Argentine xuất hiện để ngồi chung cỗ xe cùng thần Apollo và song hành với nữ thần Nike.
Quận Congreso là khu phố người Ý và kiến trúc tòa nhà chính phủ Congreso đậm đà kiến trúc Neoclassical cùng hương thơm bánh Pizza đã nhắc nhở tôi điều ấy. Đường nét Neoclassical còn lắng thật sâu vào trong nhà hát Oprea Colón, nằm cạnh đại lộ 9 de Julio và đường Tucumán, với kiến trúc được cách điệu từ hình chiếc móng ngựa có 2.500 chỗ ngồi.
Quá khứ vàng son của Buenos Aires là như thế, khi Teatro Colón lớn hơn cả nhà hát Hoàng gia London chỉ với 2.256 ghế. Sau này tôi mới biết hầu hết các nhà hát kịch nghệ ở thủ đô dải đất Trung – Nam Mỹ đều mang tên Colón để tưởng nhớ đến nhà hàng hải Cristoforo Colombo.
Tiểu Madrid trong lòng "Paris Nam Mỹ"
Một vài người địa phương nhỏ to, Congreso là quận dành cho tầng lớp trung lưu và người Ý chỉ thành đạt thứ ba sau người Pháp, người Anh khi di cư đến Argentina cùng thời điểm. Sầm uất như Buenos Aires để đôi chân tôi cứ thụt lùi thật xa cho hình ảnh El Congreso nằm gọn hơn trong ống kính máy ảnh.
Lại gần tòa nhà, mọi đường nét điêu khắc vô cùng tỉ mỉ trên từng cây cột, mái nhà và dãy tường. Trên cánh cổng đồng đóng kín, tôi ngắm nhìn 24 huy hiệu được điêu khắc theo hình oval ôm lấy hai bàn tay xiết chặt để biết rằng Argentina có 24 tỉnh thành.
El Congreso là địa điểm thứ hai mà người Argentine thích tụ tập bàn tán chính trường khi một cuộc họp được diễn ra bởi những thông tin hành lang bao giờ cũng thú vị hơn khi các câu chuyện luôn được tròn trịa trên truyền thông.
Người Argentine gọi hiệu cà phê là Bodegones, những chiếc bánh ngọt dùng kèm là Alfajores và bữa ăn tối nên thơ trong quán là Milanesas. Tôi ghé qua quán Tortoni trên đại lộ Mayo, một trong mười tiệm cà phê cổ xưa nhất của thế giới để nếm trải hương vị Paris Nam Mỹ. Không chỉ nhấm nháp cà phê đặc quánh, chiếc bánh vòng tẩm phô mai thơm, mà không gian quán đã mang linh hồn tôi quay lại sông Sein xa ngàn mây.
Như cuốn phim quay chậm đều trên trục máy và tiếng rơi nhẹ nhàng từng giọt để hòa tan vị Nam Mỹ vào lòng nâu đen Paris, những bức bích họa, tranh treo tường lần lượt kể lại câu chuyện sống động về một Buenos Aires vào những năm 1858 và cả nhiều tầng lớp người Pháp đã tìm đến quán xưa để vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
Quận Mayo cách Congreso mười dãy nhà nhưng xa diệu vợi trong bước chân và tôi đành nhờ đến xe buýt. Ẩn thoáng trong những hàng cọ dầu, tiểu Madrid hiện ra bằng hai tòa nhà Casa Rosada – tòa nhà Tổng thống có màu đỏ và Cabildo – cơ quan chính phủ khi Argentina chưa độc lập có màu vàng nhạt, nằm đối diện nhau qua quảng trường.
Thủ đô Madrid vay mượn kiến trúc Baroque của người Pháp vào đầu thế kỷ 17 và mãi đến cuối thế kỷ 17 người Tây Ban Nha mới có tiếng nói mỹ thuật riêng cho dòng Baroque, thường được gọi là Churrigueresque. Kiến trúc sư José Benito de Churrigueresque, người con của Madrid nhưng có cội nguồn Catalan, thường sử dụng gam màu đỏ và vàng, hai sắc màu truyền thống quốc kỳ Tây Ban Nha để sơn phết bên ngoài công trình.
Bố trí không gian lại áp dụng cách tính toán của người Hồi giáo Berber và nội thất theo nghệ thuật Mudéjar. Kiến trúc Baroque Churrigueresque đã theo đoàn tàu viễn dương Tây Ban Nha đến các hòn đảo Trung Mỹ sớm nhất. Plaza de Mayo là nơi Argentina tuyên bố độc lập vào ngày 25.5.1810, thì ngày nay quảng trường ấy vẫn luôn mang hơi thở tự do.
Cứ ghé ngang tôi lại nhìn thấy một cuộc tuần hành đông đảo và mỗi ngày dường như rất khác biệt nội dung trên băng rôn, cờ phướn và khẩu hiệu. Tôi bật cười khi cho rằng, trở thành tín đồ trong đoàn người ấy cũng là một nghề mưu sinh.