Bùi Bằng Đoàn: Tấm gương về tinh thần hết lòng vì dân

Tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết, sáng 9/9, tại Nhà Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam' nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (1889 - 2019).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh năm 1889 tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), trong một gia đình có truyền thống nho học, từ nhỏ Cụ đã theo con đường khoa cử, sớm đỗ đạt. Năm 17 tuổi, Cụ đỗ cử nhân khoa thi năm 1906, sau đó đỗ thủ khoa trường Hậu bổ, là cơ sở đào tạo viên chức hành chính bằng tiếng Pháp lúc bấy giờ.

Bác Hồ (giữa), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) và Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (phải) tại Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 28/5/1948 - Ảnh: tư liệu

Bác Hồ (giữa), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) và Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (phải) tại Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 28/5/1948 - Ảnh: tư liệu

Từ năm 1911, Cụ lần lượt được bổ làm Tri huyện, Tri phủ ở tỉnh Nam Định, Án sát ở tỉnh Bắc Ninh rồi Tuần phủ ở các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình. Năm 1933, Cụ được bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ hình, đồng thời tham gia Viện Cơ mật của triều đình Huế. Trong thời gian làm quan ở các địa phương, Cụ nổi tiếng là một vị quan thanh liêm chính trực, yêu thương dân chúng, chăm lo cho đời sống của nhân dân.

Làm quan ở địa phương nào, Cụ cũng luôn luôn đề cao tinh thần dân tộc, thương nước nhà đang còn dưới ách nô lệ, thương dân chúng còn đói khổ lầm than. Bởi lẽ đó, Cụ luôn thực hiện chủ trương mở mang đạo học để khai trí, giáo dục đạo lý làm người, mở mang nghề nông, mang lại cơm no áo ấm cho dân, được nhân dân các địa phương ghi nhớ công đức.

Vào tháng 1/1946, Cụ được bầu làm đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Đông, và vào tháng 11 năm đó, Cụ đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Kỳ họp thứ Hai, tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng ban thường trực Quốc hội.Tuy thời gian giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội không dài (từ tháng 11.1946 đến tháng 9.1955), nhưng ở vào giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân, Cụ đã được Ban Thường trực Quốc hội ủy nhiệm ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến.

Đây là môi trường để những kiến thức, kinh nghiệm của Cụ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh có ghi là “học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú” phát huy giá trị, giúp ích cho công tác của Quốc hội, phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của cách mạng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho biết, trên cương vị là người đứng đầu Quốc hội, Cụ Bùi Bằng Đoàn luôn đề cao tư tưởng đại đoàn kết để động viên các lực lượng tham gia kháng chiến, qua đó khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc đại diện cho ý chí của toàn dân, cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

Cụ thể, trong thư gửi đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, Cụ đã viết: “Hai mươi nhăm triệu đồng bào ta cùng chung Tổ quốc, cùng chung giang san, cùng chung vận mệnh, cuộc kháng chiến này là cốt bảo toàn vận mệnh của chúng ta, chúng ta có giữ được chủ quyền, có bảo vệ được hoàn toàn lãnh thổ của nước ta thì mới giữ được vận mệnh của dân tộc ta”.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, với vai trò là người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, do cử tri cả nước bầu nên, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc, trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến.

Cụ đã có những đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ; thực hiện chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất; chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến. Thời gian ấy Bác Hồ và Cụ Đoàn như hai người bạn tri kỷ.

H.L

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bui-bang-doan-tam-guong-ve-tinh-than-het-long-vi-dan-96179.html