Bùi Hồng Hải: Đạp xe ủng hộ giao thông 'không khói'
Với anh Bùi Hồng Hải (03 Kpă Klơng, phường Hoa Lư, TP. Pleiku), việc thường xuyên đạp xe, trong đó có chuyến đi cả ngàn cây số không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn góp phần truyền cảm hứng để mọi người ủng hộ giao thông 'không khói', chung tay để Pleiku sớm đạt mục tiêu trở thành thành phố 'Cao nguyên xanh vì sức khỏe'.
Rèn luyện sức khỏe
Trò chuyện cùng tôi, anh Bùi Hồng Hải kể: Anh bắt đầu làm quen với môn đạp xe đạp từ cuối năm 2021, mục đích ban đầu chỉ là đạp dạo dạo để tập thể dục buổi chiều cho thoải mái. Nhưng càng ngày anh càng nhận thấy mình yêu thích bộ môn này nhiều hơn. Cũng nhờ đạp xe đạp, từ một người nặng 81 kg, sau hơn nửa năm, anh đã giảm được 18 kg.
Nói về lý do chọn xe đạp thay vì những môn thể thao khác, anh Hải lý giải: Môn xe đạp rất tự do, thoải mái, độc lập, không bị gò bó về thời gian, chỉ cần rảnh rang là xách xe lên và đi. Trong khi đó, để tập những môn thể thao khác như cầu lông, tennis... người chơi phải sắp xếp thời gian, sân tập, phải có đồng đội hoặc tìm người tập chung. Chưa kể, đạp xe đạp còn giúp mọi người có thể khám phá được nhiều địa điểm mới, ở xa.
Vì yêu thích bộ môn này nên anh Hải đã tìm hiểu khá kỹ về các dòng xe. Chỉ vào dàn xe đạp của mình, anh Hải tỉ mỉ giới thiệu: “Xe đạp phân ra làm nhiều dòng khác nhau, trong đó có 3 dòng phổ biến. Đầu tiên là xe đua đường trường (road bike) chạy với tốc độ cao trên những cung đường nhựa đẹp, dài, có khung nhẹ, lốp nhỏ. Dòng thứ 2 là xe leo núi (mountain bike). Loại này rất đa dụng, chạy được trên mọi địa hình nên dùng để đi rừng, đi phượt, chạy trong phố, lốp xe lớn, độ linh hoạt cao. Dòng thứ 3 là xe đạp touring có thể di chuyển linh hoạt trong khu vực đô thị, phù hợp với phụ nữ và những người lớn tuổi đạp xe luyện tập sức khỏe. Từ khi đam mê xe đạp, tôi đã sưu tầm và sở hữu 7 chiếc xe đạp chuyên dụng, tùy vào mục đích sử dụng trong từng thời điểm mà lựa chọn loại phù hợp”.
Theo anh Hải, cần xác định mục đích đạp xe để chọn loại xe phù hợp, hiểu cách căn chỉnh bộ líp xe, điều chỉnh đúng tư thế đạp xe, kiểm soát nhịp thở, cách thả lòng bàn tay, phân phối sức, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ… Chỉ cần nắm rõ kỹ thuật sẽ không bị mỏi, dù phải đạp hàng trăm cây số mỗi ngày.
Chung tay vì giao thông “không khói”
Anh Hải cho biết: Lượng ô tô, xe máy ở Pleiku đang ngày một nhiều. Cứ đà này, việc ô nhiễm môi trường do khí thải từ ô tô, xe máy chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Tôi cho rằng, nếu mỗi người có thể bớt sử dụng phương tiện có thải khí ra môi trường một chút, chuyển sang những phương tiện thân thiện hơn, ủng hộ giao thông “không khói” như đi xe đạp, xe điện thì sẽ giảm đáng kể việc ô nhiễm. Và như vậy, Pleiku sẽ xanh hơn, sạch hơn, sẽ sớm đạt mục tiêu trở thành “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Đã từ rất lâu, anh Hải hiếm khi sử dụng ô tô hay xe máy, trừ khi phải đi đón con lúc trời mưa to. Thậm chí, mỗi khi muốn vào TP. Hồ Chí Minh thăm con gái đang học đại học, anh cũng dùng xe đạp. Lần đầu tiên, thấy ba gọi điện nói vào thăm và đang đứng trước chung cư, em Bùi Hải Linh-sinh viên năm 2 Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh-không khỏi ngạc nhiên. Song Linh cho biết, em cũng chỉ ngạc nhiên khi ba vào mà không báo trước chứ cũng không mấy lo lắng, vì đã biết ba thường xuyên đạp xe đường dài đi khắp nơi. Riêng từ đầu năm đến nay, anh Hải đã 3 lần đạp xe vào thăm con gái.
Bên cạnh đó, môn xe đạp còn giúp anh Hải kết nối với bạn bè khắp mọi nơi. Chỉ trong vòng gần 2 năm, anh đã đạp xe đi thăm được khoảng 70% bạn bè có cùng đam mê đã kết nối qua Facebook. Một số người bạn cũng đạp xe lên Pleiku thăm anh. “Bộ môn này hay lắm, nó phóng khoáng và tạo nên những con người phóng khoáng. Chỉ cần thấy 1 người đạp xe, mang theo ba lô là biết người cùng chung niềm đam mê rồi. Rất nhiều mối quan hệ tốt đẹp được xây dựng bằng cách vô cùng đơn giản đó”-anh Hải tâm sự.
Đã từng trong vòng 10 ngày đạp xe đi Nha Trang 2 lần với quãng đường mỗi lần đạp khoảng 600 km cả đi lẫn về; đạp cả ngàn ki lô mét để vào thăm bạn ở Đồng Nai; là một trong những người đầu tiên băng qua những con dốc cao để đạp xe vào thác 50 (huyện Kbang) cùng nhiều chuyến đi đường dài khác, hành lý mỗi lần đi của anh Hải chỉ gồm 1 bộ đồ chuyên dụng mặc trên người, 1 bộ để thay đặt trong túi chống nước được cột chặt theo thân xe, cộng với 1 chiếc lốp và 2 chiếc săm dự phòng, 1 bộ dụng cụ sửa xe có dụng cụ cắt sên, 1 cái bơm, vài gói thực phẩm bổ sung năng lượng và viên sủi điện giải.
“Chuyến đi dài nhất của tôi là vào TP. Hồ Chí Minh theo quốc lộ 25 xuống Phú Yên, rồi theo quốc lộ 1 vào TP. Hồ Chí Minh với quãng đường khoảng 790 km, tôi dùng xe đạp leo núi và đi hết 2,5 ngày. Môn xe đạp có nhiều mốc để người đạp xe chinh phục. Tôi đang muốn có người đạp cùng liên tục 24 giờ xuyên đêm để hoàn thành một cột mốc đường dài mà anh em đam mê đạp xe đều mong muốn chinh phục là three cent-tức là 480 km trong ngày”-anh Hải chia sẻ.
Là một đồng đội nhỏ tuổi của anh Hải, em Nguyễn Gia Khiêm (lớp 10C2B, Trường THPT chuyên Hùng Vương) kể: “Em bắt đầu đạp xe đạp được hơn 2 năm và được chú Hải chia sẻ những kinh nghiệm đi xe đạp sao cho giữ được sức bền, những cách chống mỏi cơ hoặc kỹ thuật chạy xe đường xa... Chú Hải rất nhiệt tình, cởi mở. Hiện cứ mỗi tuần 3 buổi sáng, em lại đạp xe cùng chú Hải và nhiều người khác đi Biển Hồ, xuống huyện Đak Đoa hoặc lên Kon Tum rồi quay về. Em cũng là người đạt giải nhất Giải Marathon xe đạp tại ngày hội “Giao thông không khói cho hành tinh xanh” năm 2023 do Ban An toàn giao thông tỉnh và UBND TP. Pleiku phối hợp Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức hồi tháng 4-2023”.