Bùi Mai Hạnh - Người hát thơ
Đọc 'Người hát', tôi nghĩ rằng, Hạnh đang cất lời yêu, lời của hạnh phúc tràn trề. Không chỉ Hạnh mà cả anh chồng của Hạnh cũng tham gia vào sự ngời lên ánh yêu đó.
Lần đầu gặp Bùi Mai Hạnh (cách đây gần 30 năm) lúc đó Hạnh gầy nhẳng và luộm thuộm, tất bật, rõ ra cái vẻ của một người nghèo khổ, đang nuôi con nhỏ cùng sự bất hạnh của một người đổ vỡ hôn nhân. Khi gặp, nói chuyện và nhìn căn phòng Hạnh thuê vừa để ở vừa để kinh doanh nhỏ tí, đủ cho 2 kệ sách kê sát tường tôi vừa xót thương Hạnh vừa như có ý tiếc nuối, thường thì đàn bà nên cố gắng chịu đựng để bảo toàn hôn nhân để có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, tôi thay đổi cái nhìn ấy về Bùi Mai Hạnh. Sự thay đổi ấy không chỉ bởi tôi thấy Hạnh cố gắng hằng ngày để tồn tại, và vẫn làm thơ.

Nhà thơ Bùi Mai Hạnh (thứ 2 từ trái sang) tại lễ ra mắt sách của chị.
Đọc những câu thơ:
xác đây rồi
hồn lang bạt tận đâu?
hồn nhăn nhó
xác cười ngặt nghẽo
hồn thủy chung xác thì bạc bẽo
thượng đế ơi,
người quá bất công?
xác lìa hồn
xác có cũng như không?
hồn lìa xác
hồn chơi vơi phiêu lãng!
hồn mặc xác phơi mình dầy dạn
xác mặc hồn trăn trở đớn đau
xác với hồn
ta vẫn phải có nhau
mà cô độc
hai tầng đời riêng biệt
hồn đắm chìm ban mai tinh khiết
xác lê la ngập ngụa dòng đời
hồn là tôi, xác cũng là tôi
dẫu linh hồn chối từ thân xác
có ai yêu tôi
cả xác với hồn?
có tôi
có tôi
có tôi…
Thơ cho thấy rõ, Hạnh có khả năng sáng tạo, những câu thơ không dễ dãi, tầm thường. Người như thế sẽ không chịu một cuộc sống phụ thuộc, nhàm chán và bị ngược đãi. Và dõi theo cuộc vượt thoát khổ đau của Hạnh bằng mọi cách để cứu bản thân và cứu cuộc sống của hai mẹ con tôi có phần nể trọng Hạnh. Gọi là kinh doanh, nhưng thực ra Hạnh bán sách và những món đồ handmade tự Hạnh làm. Rồi còn đọc sách, còn đi học tiếng Anh mỗi tối, và không ngừng ý thức về sự có mặt của mình ở đời. Hạnh giấu những chua chát trong lòng, cố quên tuổi trẻ của mình, quên nhan sắc, dồn mọi khả năng vào mục tiêu chính là sống- nuôi con và viết.
*
Thế rồi số phận mỉm cười với Hạnh khi gặp được Gary, kỹ sư/ chuyên gia người Úc và nên vợ nên chồng với nhau. Sau đó Hạnh mang con trai theo chồng ra nước ngoài, về nơi Gary từng sống, làm việc, cũng từng có một cuộc chia ly. Hai người cùng nhau làm lại từ đầu. Tuy nhiên sau những mặn nồng ban đầu giữa họ cũng xuất hiện những rắc rối mới về thói quen, về khác biệt văn hóa, về những mặc cảm, trong đó mỗi người đều có những tự ti và tự tôn. Hạnh là người sống bản năng, bản năng mạnh. Tuổi 30, Hạnh để bản năng dẫn dắt, sống cảm tính nhiều hơn là lý trí… Dĩ nhiên, không có bản năng mạnh thì nghệ thuật, nếu có cũng sẽ nhạt nhẽo, nhưng thiếu lý trí, thiếu học vấn thì nghệ thuật cũng nhạt không kém và đời thực thì sẽ vấp phải những sai lầm... Suýt nữa thì hôn nhân của Hạnh lại đổ vỡ.
Những ngày lang thang tìm đường thoát, Hạnh nhận ra muốn tốt hơn không thể không học: Học tốt hơn tiếng Anh để hội nhập cuộc sống xung quanh. Học để có việc làm, và học để hiểu sâu hiểu kỹ hơn về chồng mình.Cũng có một phần may mắn nên giời cho Hạnh một người chồng biết chờ đợi. Anh chờ đợi vợ hết mặc cảm. Ngược lại, anh cũng học được ở Hạnh tình cảm mãnh liệt và lối sống chân thật. Gần 5 năm khổ ải, Hạnh theo học và tốt nghiệp một học viện danh giá ở Úc chuyên về Life Coach (khai vấn), đoạt giải người life coach xuất sắc nhất của năm 2022, do học viện trao tặng.
Từ một Bùi Mai Hạnh với những bầm dập, những điên rồ, hoang dại, hú hét và “ma nhập”. Bùi Mai Hạnh hôm nay giống như một chuyên gia tâm lý, biết làm chủ tình huống, thậm chí làm thầy người ta, giảng giải cho người ta nghe những điều người ta muốn nghe. Họ trả tiền để được nghe Hạnh nói (coaching). Hạnh bây giờ là người làm chủ cảm xúc, có bản lĩnh và có kiến thức. Quá trình học của Hạnh ở học viện là quá trình Hạnh thay đổi nhận thức. Đi từ hoang dã, bản năng, đi từ “cọ xát thân xác” đến đấu tranh tư tưởng nội tại, từ những ý nghĩ rồ dại cuồng nộ đến bình tĩnh nhìn nhận. Lý trí hơn nhưng vẫn giữ được cái bản năng mạnh vốn có nên mắt miệng Hạnh luôn cười, sự nhiệt tình như lửa trong tâm hắt ra và bừng lên trên má môi, không giấu giếm và không dừng được…
*
Đọc "Giấc yêu" ta thấy cuộc tình chồng vợ của Hạnh và Gary:
chúng mình thành da thịt, từ ấy...
em được ủ tháng đông về, mát ngày oi nắng...
nhưng
em tương tư những con đường chưa người đi
em nhớ những cánh rừng thiêng chỉ bướm vàng và nỗi sầu vỗ cánh
dù
...em biết đó là nơi anh không bao giờ đến được
dẫu chúng mình đã nên vợ nên chồng bằng da bằng thịt.
*
Trong tập thơ này còn có những bài thơ Hạnh nói, một cách không thể độc đáo hơn như bài “Nghén quê hương”. Hạnh đã rời bỏ đất nước, rời bỏ một quãng ký ức đau thương để ra đi, nhưng ra đi mà vẫn nhớ về. Sống ở vùng đất mới, quê mới, với một tình cảm với cộng đồng mới, cuộc sống và văn hóa Australia, đã làm cái bản năng tốt lành trong Hạnh bùng lên những câu chữ xúc động… Cả những suy tư của Hạnh và chồng về những bất công, những nỗi đau đời về những mất mát của loài người… Những bài đó không phải thơ tình lứa đôi, nhưng hấp dẫn bởi cũng là tình. Đó là thơ thế sự, thơ đời, thơ bày tỏ thái độ chán ghét chiến tranh... Nó cất tiếng vừa khắc khoải đớn đau vừa kêu gọi tình người với người: “Câu chuyện dòng họ McLay”, “Chuyện bạn bè Úc”. Xúc động hơn nữa là những bài “Tình yêu chữa lành”, “Hòa giải”, “Đời là thế”.
*
Đọc “Người hát”, tôi nghĩ rằng, Hạnh đang cất lời yêu, lời của hạnh phúc tràn trề. Không chỉ Hạnh mà cả anh chồng của Hạnh cũng tham gia vào sự ngời lên ánh yêu đó. Thường thì người ta chỉ thấy thơ tình là hay, vì nó đứng cùng "phe nước mắt". Người thất tình làm thơ thường có được nhiều cảm xúc hỗ trợ. Nỗi đau của con tim cất lên thành lời. Lời đau dễ làm con người xúc động… Nhưng đọc những trang thơ này, chúng ta sẽ thấy cái cặp đôi hạnh phúc ấy cũng đem đến những ngôn từ chất chứa sự thú vị.
Ngoài những bài thơ về hạnh phúc của họ, như đã nói, Bùi Mai Hạnh vẫn luôn nhớ đến giá trị lớn nhất của con người là tự do. “Phượt đi anh, phía trước là tự do”. Hạnh không chỉ đòi bản thân mình, chồng mình phải sống trong hành trình làm người tự do của mình (kể cả sống với nhau, dâng hiến trái tim và tự do cho nhau) mà cái tự do để làm người có ích cho sự phát triển đạo đức và công bằng xã hội vẫn phải giữ nguyên trong mỗi người.
Vợ chồng Hạnh mua đất làm nhà ở Úc. Chồng Hạnh là một người thích làm việc. Ngày chưa nghỉ hưu, ngoài giờ lên lớp qua zoom, anh luôn tay luôn chân đục đẽo, cưa xẻ sửa nhà, làm vườn, trồng hoa và trồng rau. Hạnh khai vấn (coaching) cho người khác đồng thời cũng là tự khai vấn chính mình. Muốn có hạnh phúc hôn nhân thì tình yêu phải có từ hai phía, phải biết trân trọng và khuyến khích lẫn nhau, phải biết bù trừ, hay bởi đúng lúc đúng chỗ. Vì thế nên họ rất hạnh phúc. Họ làm gì cũng có nhau. Biết thế nào là vừa là đủ.
Ai thấy những hình ảnh vợ chồng Hạnh và “ông nông dân” của chị trên màn hình điện thoại thì thấy cuộc sống của họ thật sinh động, thật hạnh phúc. Khung cảnh căn nhà, khu vườn đầy cỏ cây hoa lá, cái ban công dựng ở cạnh sông vô cùng thơ mộng, là chính tay Gary làm. Làm vì thích làm, làm cho vợ vui. Họ yêu nhau, và thấy yêu người khác, yêu cuộc đời.
Hạnh có nhiều học sinh. Những người đủ mọi lứa tuổi đến với Hạnh để được nghe Hạnh khai vấn, và chỉ ra những phương pháp, kinh nghiệm hóa giải những cuộc xô xát tinh thần, những góc tối của tâm hồn, những đau đớn của tâm trạng. Họ trả tiền để đem về một niềm vui mà họ gọi là được chữa lành. Cuộc sống của vợ chồng Hạnh bây giờ khá sung túc. Về Việt Nam lần trước, may mắn Hạnh mua được ngôi nhà xinh xắn ở ngay trung tâm, cách Nhà hát lớn thành phố 5 phút đi bộ. Mỗi năm vợ chồng Hạnh về nước một lần để Hạnh hết “nghén quê hương” và để cân bằng cuộc sống.
Lần này về, vẫn làm việc qua zoom với học sinh và dành thời gian hoàn thiện tập thơ “Người hát”. Người hát giống như một cuốn tự sự bằng thơ.Mỗi bài thơ là một câu chuyện đời Hạnh. Cả một đoạn đời u tối cũ, và những ngày tươi sáng mới.
Đọc “Người hát” ta bỗng hiểu ra tại sao sự gắn kết định mệnh với "viên xúc xắc mùa thu" lại khó tồn tại. Ta bỗng hiểu câu thơ của Mayakovsky “Vấp phải cuộc đời thực chiếc thuyền tình vỡ tan”. Nhưng giờ đây vẫn là cuộc đời thực mà cặp đôi Hạnh - Gary lại hạnh phúc. Chẳng có gì là dễ dàng. “Bà nông dân" Mai Hạnh và “ông nông dân” Gary có được sự tươi rói, an nhiên, tràn đầy nhựa sống hôm nay là nhờ họ đã nhận ra điều giản dị rằng: muốn có nhau, muốn niềm vui luôn tồn tại là mỗi thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng nhau, yêu thương và khích lệ nhau.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/bui-mai-hanh-nguoi-hat-tho-i763271/