Bùi Văn Cang, hoài cổ qua bóng thời gian trôi
Sinh năm 1955, làm thơ từ khi còn cắp sách phổ thông Trường Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi), xuất hiện cùng thời với những Trầm Thụy Du, Nguyễn Huyền Thạch, Lý Văn Hiền... dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, từ ấy đến nay, anh vẫn chung thủy cùng thơ.
Quý trọng và tôn thờ thơ ca, Bùi Văn Cang quan niệm: Về nội dung và sứ mệnh, thơ ca phải gắn bó với cuộc đời: Khi thơ ra đời nhập dòng sống hành tinh/ Biển đã có ngàn tay vươn sâu vào đất (Chuyển dịch vòng tròn).
Về hình thức, “áo thơ” phải được dệt bằng “gấm quý” và thơ hay chỉ xuất hiện vào những phút giây diệu huyền của những cơn “thánh mộng” bất ngờ: Bao đêm thao thức, lòng mê mải/ Ngóng đợi vầng trăng biếc hiện về/ Rồi có một khuya ngời thánh mộng/ Bỗng thành gấm quý, áo thơ kia! (Gấm quý).
Lãng đãng một không gian hoài cổ với sự xuất hiện của khá nhiều từ Hán - Việt và những cụm-từ-hoài-niệm (cảm hoài, bến vắng, mắt sông xưa, lầu xưa, điêu tàn, sử lịch, ngời vang bi hùng, tan hợp núi sông, muôn trùng sóng mây, mây xám hắt hiu, ngàn tuôn, ngọn triều lô xô, mênh mang nước cuốn, bình nguyên,...); hiện thực cuộc sống trong thơ Bùi Văn Cang ẩn hiện mơ hồ trong khói sương ký ức dù hiện thực đó là của quá khứ hoặc của hôm nay.
Quá khứ - đó là hình ảnh con sông Trà quê hương thời thơ ấu: Con nước kia dù mãi mãi ra đi/ Còn để lại cảm hoài nơi bến vắng/ Còn đọng lại giữa hai bờ mưa nắng/ Mắt sông xưa soi óng ánh thời gian (Khoảnh khắc sông Trà thu thơ ấu).
Là không gian Đường thi với những: Lầu xưa ngả bóng điêu tàn/ Xuống dòng sử lịch ngời vang bi hùng/ Điệu cười tan hợp núi sông/ Như còn vọng suốt muôn trùng sóng mây (Khuya đọc thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ).
Hiện tại - là những cơn lũ dữ miền Trung với: Một trời mây xám hắt hiu/ Ngàn tuôn cơn giận ngọn triều lô xô/ Mênh mang nước cuốn không bờ/ Bình nguyên ngập giữa nỗi ngờ biển khơi (Lũ)...
Thơ dài của Bùi Văn Cang giàu xúc cảm nên thường dàn trải, tôi yêu nhất, và có lẽ đọng lại nhất, là những bài tứ tuyệt của Bùi Văn Cang.
Thơ Bùi Văn Cang rất dễ nhận diện, chỉ cần đọc qua tên hai tập thơ đã xuất bản: Bóng thời gian (2007) và Chút hương cố xứ (2013) đã nhận ra cái riêng của thơ anh. “Cố xứ” là nỗi niềm hoài cổ, “thời gian” là cái dòng trôi củacuộc nhân sinh. Quá khứ đã qua chỉ còn đọng lại “mùihương” - thành: “Chút hương cố xứ”, cái thời gian đã trôi đi chỉ còn lưu lại “bóng” - thành: “Bóng thời gian”; cho nên, đọc thơ Bùi Văn Cang, người đọc dễ bị cuốn vào tâm trạng ngùi ngùi nuối tiếc về những cái đã qua và ngập trong cảnh sắc cùng chiều sâu của những giá trị văn hóa quá khứ. Gọi thơ Bùi Văn Cang là giọng thơ hoài cổ qua bóng thời gian trôi... là vì thế!