Phó Thủ tướng: Đưa 'Vương quốc gốm đỏ' vươn xa

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang trở thành thách thức toàn cầu, việc phát triển kinh tế bền vững và xây dựng nền kinh tế xanh là hết sức cần thiết.

Tối 16/11, tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã diễn ra lễ khai mạc Festival Gạch gốm đỏ - kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Bùi Văn Nghiêm - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long - cho biết, tỉnh Vĩnh Long được thiên nhiên ưu đãi khi nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giữa sông Tiền và sông Hậu, là nơi tích tụ phù sa, tạo thành những mỏ đất sét quý giá, hình thành nghề sản xuất gạch gốm trên 100 năm.

Với vẻ đẹp vừa cổ kính, phủ màu thời gian vừa lung linh soi bóng dọc dòng kênh Thầy Cai, sông Cổ Chiên thuộc huyện Mang Thít, “Vương quốc gạch, gốm đỏ” đã trở thành niềm tự hào của người dân làng nghề và là điểm đến độc đáo đối với du khách trong và ngoài nước.

Tiết mục nghệ thuật tại lễ khai mạc.

Tiết mục nghệ thuật tại lễ khai mạc.

Ông Nghiêm cho biết, Festival Gạch gốm đỏ - kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 quy mô cấp khu vực, cùng với sự tham gia của TPHCM và một số tỉnh, thành khu vực miền Trung, miền Bắc. Sự kiện tiếp tục tôn vinh tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và bàn tay khéo léo qua bao thế hệ của người dân Vĩnh Long hơn trăm năm nay; là tâm huyết của thế hệ đi sau mong muốn giữ gìn một làng nghề truyền thống vốn chỉ có trên vùng đất này.

"Đây là kết tinh của mong ước “Vương quốc gạch gốm đỏ” sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, để những lò gạch rêu phong, cổ kính mang nền văn hóa Vĩnh Long đến với mọi miền đất nước. Thông qua Festival, Vĩnh Long mong muốn mang đến thông điệp mạnh mẽ về cam kết của tỉnh trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Tập trung phát triển làng nghề gắn với phát huy các giá trị văn hóa, văn minh lúa nước của vùng sông nước đặc sắc và bảo vệ môi trường, tạo ra không gian và động lực phát triển mới cho tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững." - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho hay.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm phát biểu khai mạc sự kiện.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm phát biểu khai mạc sự kiện.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết Festival không chỉ là lễ hội văn hóa, quảng bá, giới thiệu giá trị làng nghề gạch, gốm đỏ hàng trăm năm tuổi của địa phương mà còn là một tuyên ngôn mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam hướng đến một tương lai phát triển xanh, bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Theo Phó Thủ tướng, tỉnh Vĩnh Long đã có bước phát triển vượt bậc. Từ một nền kinh tế thuần nông, quy mô nhỏ, hiện nay tỉnh đã có nhiều bứt phá vươn mình phát triển, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và đang hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Đặc biệt, trong năm nay tăng trưởng và phát triển kinh tế của địa phương đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, với mức tăng GRDP ước đạt 6,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ USD, gấp 1,3 lần so với kế hoạch đề ra. Các chỉ tiêu phát triển xã hội, môi trường đều đạt và vượt kế hoạch, đáp ứng định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại lễ khai mạc Festival.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại lễ khai mạc Festival.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang trở thành thách thức toàn cầu, việc phát triển kinh tế bền vững và xây dựng nền kinh tế xanh là hết sức cần thiết. Vì vậy, Festival này là một bước đi tiên phong, thể hiện tầm nhìn dài hạn và sự đổi mới sáng tạo của địa phương. Sự kiện này không chỉ thúc đẩy phát triển ngành nghề truyền thống, mà còn tôn vinh giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, bản sắc độc đáo của vùng đất Vĩnh Long, quyết tâm chuyển mình, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của ĐBSCL và cả nước.

"Hôm nay cũng là ngày để chúng ta tôn vinh những thế hệ đi trước đã tạo ra sản phẩm gạch, gốm đỏ trường tồn đến ngày nay và được xem là “di sản đương đại”, là “vương quốc đỏ” để hôm nay chúng ta tiếp tục bảo tồn và phát triển. Tôi hy vọng, thời gian tới, nghề gạch gốm đỏ sẽ phát triển lên một tầm cao mới, sản phẩm sẽ đa dạng, phong phú, tinh xảo, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt hơn, vươn xa ra thế giới, là đặc trưng văn hóa của vùng, là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch muôn phương đến với ĐBSCL.

Tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của vùng, quyết tâm xây dựng Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, là hình mẫu tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản với tăng trưởng kinh tế xanh, phát triển bền vững…" - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu.

Không gian trên bến dưới thuyền tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Không gian trên bến dưới thuyền tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 diễn ra đến ngày 23/11 với nhiều hoạt động, với không gian trưng bày rộng lớn cùng những hoạt động trên bến dưới thuyền, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật... Tại sự kiện, tỉnh Vĩnh Long công bố Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu lò gạch, gốm Mang Thít đến năm 2045, với mục tiêu bảo tồn, phát huy, trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia.

Ông Lữ Quang Ngời – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ cụ thể hóa các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với khai thác tiềm năng du lịch của Làng nghề gạch gốm Mang Thít.

Đồng thời, xây dựng, khai thác hiệu quả Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL trên cơ sở gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nhằm phục vụ phát triển kinh tế, du lịch; đồng thời, lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa của các di sản, các làng nghề, các đặc trưng của đời sống sản xuất Nam Bộ nói riêng, nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam nói chung để giới thiệu đến du khách, bạn bè quốc tế và lưu truyền cho các thế hệ mai sau.

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/pho-thu-tuong-dua-vuong-quoc-gom-do-vuon-xa-post1692180.tpo