Bulgaria 'dành lời có cánh' cho thỏa thuận khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ, Đức 'xắn tay' lo mùa Đông 2023

Ngày 8/1, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Rossen Hristov ngợi thỏa thuận kí kết mới đây giữa nước này với công ty năng lượng Botas của Thổ Nhĩ Kỳ là mang tính lịch sử và là một bước đột phá lớn đối với Liên minh châu Âu (EU).

Nhà ga Wilhelmshaven LNG mới khai trương, do Uniper SE vận hành, ở Wilhelmshaven, Đức. (Ảnh: Liesa Johannssen/Bloomberg)

Nhà ga Wilhelmshaven LNG mới khai trương, do Uniper SE vận hành, ở Wilhelmshaven, Đức. (Ảnh: Liesa Johannssen/Bloomberg)

Phát biểu trên Đài truyền hình Bulgaria, ông Hristov nhấn mạnh, thỏa thuận nói trên sẽ giúp cung cấp khí đốt tự nhiên tới Bulgaria và EU thông qua các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, hôm 3/1, công ty khí đốt nhà nước Bulgargaz của Bulgaria và đối tác Botas của Thổ Nhĩ Kỳ đã kí một thỏa thuận cho phép Bulgaria tiệp cận các kho cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và mạng lưới truyền dẫn khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 13 năm.

* Ngày 7/1, Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức (Bundesnetzagentur) Klaus Müller cho biết, lượng tích trữ khí đốt hiện được lấp đầy trên 90% và nước này không còn phải lo ngại tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông này.

Ông Müller cho biết, Đức có thể tránh được nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa Đông này, bởi theo tính toán, việc tích trữ khí đốt vào cuối mùa Đông này vẫn có thể đạt trên 50%.

Hiện lượng tích trữ khí đốt đang được lấp đầy trên 90% và giá trị này rất đáng chú ý bởi hiếm khi Đức đạt được giá trị cao như vậy.

Trước đó, chính phủ Đức đặt mục tiêu lấp đầy 40% các bể chứa vào đầu tháng Hai và với những số liệu như hiện nay, mục tiêu này thực tế không khó đạt được.

Theo ông Müller, Đức đang bắt tay vào việc chuẩn bị khí đốt cho mùa Đông tới.

Trong năm 2022, mức tiêu thụ khí đốt ở Đức thấp hơn 14% so với năm 2021, chủ yếu nhờ vào khả năng tiết kiệm của người dân, việc Đức chuyển ít khí đốt hơn cho các nước láng giềng cũng như nhận được nguồn cung ổn định từ các nước Na Uy, Bỉ, Hà Lan và Pháp.

Tuy nhiên, ông Müller cũng kêu gọi mọi người không nên ỷ vào số liệu tích trữ tích cực hiện nay mà buông xuôi việc tiết kiệm khí đốt trong sưởi ấm và dùng nước nóng, bởi việc tăng tiêu thụ khí đốt rốt cuộc sẽ dẫn tới giá khí đốt cao hơn, nhất là với các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng.

Với việc giá khí đốt giảm mạnh gần đây, ông Müller kỳ vọng việc biến động giá sẽ chấm dứt. Giá khí đốt hiện tại tương đương với giá tháng 12/2021.

(theo Reuters/TTXVN)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bulgaria-danh-loi-co-canh-cho-thoa-thuan-khi-dot-voi-tho-nhi-ky-duc-xan-tay-lo-mua-dong-2023-212752.html