Bulgaria tìm cách duy trì lực lượng Không quân
Bulgaria đang phải tìm cách duy trì hoạt động của máy bay chiến đấu cũ thời Liên Xô để đảm bảo sự tồn tại của lực lượng Không quân nước này.
Theo trang tin EURACTIV.bg (Bulgaria) ngày 12/7, Bulgaria đang xem xét làm thế nào để duy trì các máy bay chiến đấu thời Liên Xô của mình trước cuối năm nay, vì nếu không, nước này không có lực lượng không quân.
Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã kêu gọi các giải pháp từ nhà sản xuất Mỹ Lockheed Martin để cung cấp F-16 Viper mới trong thời gian sớm nhất khi những chiếc MiG-29 của nước này vẫn còn có thể hoạt động.
Sofia lo ngại rằng những chiếc MiG 29 cũ kỹ sẽ hết hạn sử dụng và các máy bay F-16 mua từ Mỹ đến muộn sẽ khiến Không quân Bulgaria rơi vào tình thế khó khăn. Nỗi lo sợ của Bulgaria là rất thực tế, vì lẽ ra việc giao hàng phải bắt đầu từ năm 2023, nhưng hiện tại điều này là không thể, đặc biệt là do đại dịch COVID-19. Các chuyên gia dự báo việc bắt đầu giao hàng sớm nhất là vào năm 2025, thậm chí là năm 2027.
Để đảm bảo nước này vẫn có một lực lượng không quân hoạt động trước cuối năm nay, Chính phủ Bulgaria đang xem xét các tùy chọn khác. Một lựa chọn được các nhà chức trách đưa ra là mua máy bay chiến đấu đã qua sử dụng.
Nhưng do việc đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu cũ sẽ mất nhiều thời gian, nên Bộ Quốc phòng Bulgaria đã lựa chọn mua động cơ cho những chiếc máy bay chiến đấu MiG-29 cũ.
“Những nỗ lực đang được thực hiện, các phương án đang được tìm kiếm, nhưng vì cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga, các khả năng tiếp cận những bộ phận thay thế cho tất cả các máy bay và trực thăng do Liên Xô sản xuất đang gặp khó khăn”, Phó Tư lệnh Không quân Bulgaria Petyo Mirchev nói trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Mirchev giải thích rằng, theo Bộ Tư lệnh Không quân Bulgaria, cách hiệu quả và nhanh chóng nhất để duy trì năng lực không quân và thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là đối với nhiệm vụ giám sát trên không là hỗ trợ MiG-29.
Ông Mirchev cho biết thêm nước này đang đàm phán với Ba Lan liên quan đến phụ tùng thay thế, sửa chữa những chiếc máy bay cũ và đào tạo phi công. Tuy nhiên, Ba Lan cũng phụ thuộc vào Nga về các thiết bị sửa chữa, bảo dưỡng. Do đó, việc tìm kiếm động cơ bên ngoài nước Nga dường như khó xảy ra.