Bùn lầy ở Ukraine: Xe tăng phương Tây 'chịu trận', T-80 Nga thì không
Những chiếc T-80 của Nga vẫn tung hoành trên chiến trường Ukraine, trong khi đó, những chiếc xe tăng phương Tây không thể di chuyển được do bùn lầy.
Theo Military Watch, các hãng truyền thông nhà nước Nga đưa tin, các đơn vị lục quân hoạt động trên tiền tuyến trong khu vực tranh chấp Zaporizhzhie đã được nhận được xe tăng T-80BVM hiện đại hóa.
Khu vực này đã chứng kiến các loại xe thiết giáp do phương Tây cung cấp cho Ukraine, bao gồm xe chiến đấu Bradley và xe tăng Leopard 1, phải chịu tổn thất đặc biệt nặng nề kể từ khi Ukraine mở cuộc phản công từ tháng 6/2023.
Việc giao những chiếc T-80 mới diễn ra trong thời điểm ngày càng có nhiều báo cáo cho thấy, các đơn vị Nga rất ưa thích loại xe tăng này. Đây cũng là nguyên nhân tác động đến quyết định của Bộ Quốc phòng Nga đưa ra vào tháng 9/2023, đó là việc khởi động lại quá trình sản xuất loại xe tăng T-80 sau gần một phần tư thế kỷ.
Phát biểu với các phóng viên, một chỉ huy giấu tên hoạt động trên hướng Zaporizhzhie, nơi vừa tiếp nhận xe tăng mới, nhấn mạnh độ tin cậy và khả năng cơ động của xe tăng T-80BVM mới vượt trội hơn so với các xe tăng phương Tây, như Leopard do Đức cung cấp đang được lực lượng Ukraine sử dụng.
"Những con báo hoa mai đó đang chìm trong bùn, chúng liên tục bị mắc kẹt. Chúng tôi có thể quan sát từ máy bay không người lái cách chúng được đưa ra khỏi bùn. Xe của chúng tôi sử dụng động cơ tua bin khí, không sợ bùn lầy, nó có thể vượt qua mọi vũng lầy”, người chỉ huy này chia sẻ.
Đây chính là điểm khác biệt giúp các đơn vị xe tăng của Nga có thể tác chiến trong mọi thời tiết, hỗ trợ bộ binh, vượt qua chiến hào, công sự của Ukraine mà không gặp phải nhiều trở ngại như xe tăng phương Tây. Trong khi Leopard 1 từ lâu đã bị coi là lỗi thời, những chiếc Leopard 2 hiện đại với số lượng ít hơn cũng gánh chịu tổn thất nặng nề và phải vật lộn nghiêm trọng với địa hình trên chiến trường.
Về khả năng của các biến thể T-80 mới nhất, người chỉ huy này khi được truyền thông địa phương phỏng vấn cho biết: “Chúng tôi đã nhận được một phương tiện hoàn toàn mới. Xe có hệ thống liên lạc mới, hạn chế được hiện tượng chập chờn khi liên lạc, hoạt động rất tốt. Âm thanh của nó có chất lượng cao, rõ ràng, không bị gián đoạn. Xe tăng còn được trang bị hệ thống bảo vệ hoàn toàn mới”.
Ông nói thêm rằng “các mô-đun áo giáp bổ sung đã được lắp đặt trên xe tăng, cho phép T-80 chống lại các cuộc tấn công từ máy bay không người lái và tên lửa chống tăng”.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga cũng đang gặp phải những khó khăn trong việc tăng cường sản xuất xe tăng mới. Tuy nhiên, ngành quốc phòng nước này đã rất thành công trong việc hiện đại hóa và tân trang hơn 1.000 xe tăng do Liên Xô chế tạo trước đây được cất giữ trong các kho dự trữ, để trang bị cho các đơn vị tiền tuyến trong năm 2023.
T-80 được xem là loại xe tăng đắt tiền nhất và được sản xuất hàng loạt trong thời kỳ Xô Viết, nhưng sản lượng sản xuất nhanh chóng giảm sau khi Liên Xô tan rã, đồng thời do sự hiệu quả của phiên bản T-72 và phiên bản phái sinh của nó là T-90 có chi phí sản xuất và vận hành tiết kiệm hơn.
Động cơ tua-bin khí của T-80 đòi hỏi chi phí bảo dưỡng cao, nhưng nó mang lại lợi thế lớn về khả năng cơ động so với các loại xe tăng khác của Nga và tất cả các loại xe tăng phương Tây.
Chỉ có M1 Abrams của Mỹ còn sử dụng động cơ tua-bin khí, tuy nhiên công suất của xe tăng Mỹ kém hơn nhiều so với T-80, do M1 Abrams có kích thước lớn hơn và nặng nề hơn.
Điều đáng chú ý là mặc dù Ukraine cũng vận hành một số lượng rất nhỏ T-80 và phiên bản cải tiến nội địa của họ là T-84, nhưng hầu hết những chiếc này đều sử dụng động cơ diesel và kém mạnh hơn, chúng chỉ tương tự như động cơ của T-72, nên không phải là đối thủ của những chiếc T-80 Nga.