Bún riêu cua nơi góc phố Biên Hòa ngày mưa

Tháng 5, sau những ngày dài nắng cháy, buổi chiều, mây đen kéo tới, bầu trời tối sầm. Gió thổi về mát lành. Ban đầu chỉ là đôi hạt tí tách rơi trên mái hiên, vài phút sau, mưa sầm sập đổ xuống. Dòng nước đục ngầu cuốn theo đám bong bóng phập phồng trên mặt đường. Ngoài đường, mọi người tất bật chạy xe như chạy đua với cơn mưa đầu mùa.

Tranh minh họa: Hằng Xuân

Tranh minh họa: Hằng Xuân

Tôi chạy vội vào trú mưa dưới mái hiên ở đường Võ Thị Sáu, bên cạnh là quán bún riêu cua của người phụ nữ, nơi khóe mắt hằn sâu những vết chân chim, in dấu những nhọc nhằn mưu sinh. Quán nép mình dưới mái hiên cũ kỹ, nằm lọt thỏm bên những căn nhà cao tầng và những quán ăn, quán cà phê sang trọng. Gọi quán nhưng thực ra chỉ có một chiếc xe đẩy, bên trên là nồi nước lèo đang sôi sùng sục, ở dưới là bếp than tổ ong đỏ rực lửa. Quán có vài ba cái bàn, dăm ba ghế, đã cũ mèm theo năm tháng.

Tôi dựng xe, ghé vào quán, kéo ghế ngồi xuống và gọi một tô bún riêu cua. Chị chủ quán niềm nở đón tôi bằng nụ cười thật tươi, gương mặt ửng hồng với nồi nước lèo nghi ngút khói, đôi bàn tay thoăn thoắt xoay tròn nước chan. Những sợi bún nhỏ mang vào nồi để trụng, cho bún vào tô sau đó chị dùng chiếc vá thật to múc nước lèo đổ một cách khéo léo. Chị hỏi tôi ăn rau trụng hay rau sống. Nghe giọng của chị, tôi đoán chị không phải người nơi này nên buột miệng hỏi: “Chị ở đâu đến đây?”

Biên Hòa - nơi giúp bao người biến những giấc mơ lấp lánh thành hiện thực.

Ánh mắt của chị ánh lên sự bất ngờ, miệng cười tươi trả lời: “Em tinh ý ghê. Chị là người sống ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán. Con trai chị học Trường đại học Đồng Nai, Khoa Sư phạm, nên vợ chồng chị quyết định lên đây để kiếm thêm việc làm”. Chị thở dài nói: “Thành phố dễ kiếm tiền hơn em ạ”.

Chị kể với tôi: chồng chị sau khi phụ chị đẩy xe hàng từ lúc 3h chiều, tranh thủ chạy vài cuốc xe ôm. Hai vợ chồng ở trọ ở xóm cạnh đường tàu. Mỗi ngày, chị bán được khoảng 200 tô bún. Hôm nào đông khách, chị được về sớm nghỉ ngơi. Còn như hôm nay trời mưa, quán vắng khách, nồi nước lèo chẳng vơi đi là bao.

Chị cười hiền, nói với giọng lạc quan: dù bán ế, 8h tối chị đẩy xe về xóm trọ, chia cho mỗi người trong xóm một tô. Ai trả bao nhiêu tiền thì trả, không trả thì cũng không sao, đều là phận lao động nghèo đến thành phố để mưu sinh. Khi nào con học xong đại học, vợ chồng chị sẽ về với ruộng vườn.

Nghe chị tâm sự tôi thấy sống mũi mình cay cay. Tôi sinh ra ở chốn quê nghèo, đi học đại học là con đường duy nhất khiến chúng tôi chạm được tới ước mơ. Những tháng ngày học ở thành phố, gánh nặng mưu sinh cơm áo gạo tiền lại đè nặng lên đôi vai của đấng sinh thành. Đã bao nhiêu những cô cậu học trò chốn quê nghèo ra thành phố mang trong mình hoài bão. Bên cạnh họ, nhiều bậc phụ huynh đã tạm bỏ lại mái nhà thân thương, xa những người hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, tạm xa cánh đồng lúa yên bình để theo con lên thành phố kiếm thêm việc làm. Những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi dùng để phụ con ăn học với mong ước cuộc sống sau này của con sẽ bớt đi những nhọc nhằn. Tôi nhìn thấy ở chị có dáng tần tảo của mẹ tôi ngày nào.

Tô bún riêu được đặt trước mặt tôi nóng hổi. Ngoài trời, mưa càng lúc càng nặng hạt. Tôi chậm rãi thưởng thức hương vị tô bún riêu. Vị ngọt thanh của nước xương hầm, vị bùi của riêu cua quyện với thịt băm nhuyễn; trong tô bún có thêm huyết heo, chả lụa, bì heo. Riêu cua được ép thành bánh dày chắc nịch, pha thêm chút lòng đỏ trứng và cả thịt bằm, nên lớp riêu dày dặn. Cắn miếng đậu hũ chiên vàng cảm nhận sự ngọt bùi, miếng gạch cua béo ngậy, miếng bì heo sần sật, sợi bún ăn dai nhưng không bở. Rau ăn kèm là đĩa rau muống được chẻ đều tăm tắp, ăn giòn, ngọt kèm theo là rau đắng, bắp chuối và húng. Mắm tôm sền sệt, dậy mùi thơm phức. Một sự hòa quyện tuyệt vời với hương vị đậm đà của nước dùng, vị cay cay của ớt, vị béo của riêu và vị ngọt của rau làm nên sự hoàn hảo khó cưỡng lại. Thưởng thức tô bún riêu ở góc nhỏ Biên Hòa ngày mưa, tôi nhớ miên man chốn quê nghèo, nơi ấy vào buổi chiều cả nhà quây quần bên nồi bún riêu của của mẹ, bao nhiêu mệt nhọc của một ngày chợt tan biến.

Xì xụp thưởng thức tô bún riêu ngày mưa thật thú vị. Mưa đã ngớt, ánh đèn đường hắt xuống mặt đường một màu vàng hiu hắt. Tôi đứng dậy trả tiền, giật mình khi một tô bún đầy đặn, nhưng giá bình dân, 35 ngàn đồng. Số tiền ít ỏi ấy, chị đang cố gắng chắt chiu để chắp thêm ước mơ cho cậu con trai mình trên con đường trở thành thầy giáo. Một ngày nào đó, cậu ấy sẽ giống tôi, rời xa chốn quê nghèo và bám trụ nơi phố xá thênh thang.

Nguyễn Thắm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/bun-rieu-cua-noi-goc-pho-bien-hoa-ngay-mua-3ed1e4c/