Cách người trẻ dùng âm nhạc nói về văn hóa

Ca khúc 'Việt Nam Vĩnh Trường' đánh dấu sự kết hợp của nhiều nhà sáng tạo nội dung trẻ, hướng đến quảng bá nét đẹp văn hóa và di sản Việt Nam.

Lần đầu nghe bản demo Việt Nam Vĩnh Trường, Dung Hoàng Phạm – ca sĩ, nhà sáng tạo nội dung – lập tức bị cuốn hút bởi lời ca đậm chất thi ca, văn học, truyền tải ý nghĩa lịch sử, văn hóa dân tộc.

Lời bài hát gợi nhớ từ truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ đến hình ảnh văn hóa lúa nước và những triều đại dựng nước, giữ nước.

"Một bài hát vừa mềm mại, vừa hào hùng. Tôi xúc động ngay từ lần nghe đầu tiên", cô nói.

'Chạm vào di sản' nhờ âm nhạc

Khi thể hiện ca khúc, Dung dành nhiều thời gian để điều tiết giọng hát, giữ sự mạnh mẽ trong khí thế lịch sử nhưng vẫn giữ nét trang trọng cần có của một bản nhạc mang thông điệp dân tộc.

Sau phần thu âm đầu tiên, được sự đồng thuận của nhạc sĩ Đông Thiên Đức, tên bài hát được đổi từ Nước Việt sang Việt Nam Vĩnh Trường mang ý nghĩa về một đất nước vững bền, vững chãi và trường tồn.

Ca sĩ, nhà sáng tạo nội dung Dung Hoàng Phạm. Ảnh: Châu Sa.

Ca sĩ, nhà sáng tạo nội dung Dung Hoàng Phạm. Ảnh: Châu Sa.

Trong chương trình Nét Đẹp Việt mùa 3 - Chạm vào di sản, Dung cùng nhiều nhà sáng tạo nội dung trẻ khác sẽ cùng hòa giọng ca khúc này, tạo nên "một tinh thần đoàn kết rất Việt Nam".

"Lần đầu đọc lời bài hát, tôi cảm nhận đây không chỉ là một ca khúc, mà như một câu chuyện lịch sử được kể lại bằng âm nhạc", Tiktoker Hương Lý (tên thật Lý Thế Hương, 25 tuổi, sống tại TP.HCM) bày tỏ.

Những câu hát "Mẹ Âu Cơ dạy con may vá thêu thùa" hay "Lạc Long Quân giữ biên cương" khiến nhà sáng tạo nội dung Gen Z liên tưởng đến một bức tranh lịch sử sống động, vừa có sự dịu dàng mẫu tử, vừa có khí chất bảo vệ non sông.

Để truyền tải đúng tinh thần bài hát, Hương chú trọng phát âm rõ, kiểm soát nhịp điệu và cảm xúc, không phải một bài hát đơn thuần mà là lời kể của lịch sử. Ở những đoạn mạnh mẽ, nữ TikToker nhấn nhá để đẩy cao tinh thần sử ca; còn ở những câu nhẹ nhàng, cô hát bằng tâm thế trang trọng và tự nhiên nhất.

"Hòa giọng cùng các nhà sáng tạo nội dung khác, chúng tôi như một "đội hình đoàn kết" đang cùng truyền tải một thông điệp lớn. Dù mỗi người thu âm ở một nơi, nhưng lúc bản phối hoàn chỉnh vang lên, cảm giác như chúng tôi đang đứng chung một sân khấu, hát vì một tình yêu chung – tình yêu Việt Nam", Hương Lý nói.

Hương Lý hy vọng dự án lần này sẽ đưa cô đến gần hơn với khán giả. Ảnh: Linh Huỳnh.

Hương Lý hy vọng dự án lần này sẽ đưa cô đến gần hơn với khán giả. Ảnh: Linh Huỳnh.

Với Dung Hoàng Phạm, âm nhạc không chỉ là nghệ thuật, mà còn là một sứ giả gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa. Từ tiếng Cồng chiêng Tây Nguyên, âm thanh đàn bầu, đàn nhị đến những làn điệu xẩm, chầu văn, cải lương – mỗi thanh âm đều chứa đựng hồn cốt của một vùng đất, một thời đại.

Dung tin rằng trách nhiệm lan tỏa những giá trị ấy không chỉ thuộc về nghệ sĩ, mà còn nằm trong tay thế hệ trẻ.

"Lòng yêu nước nằm trong trái tim mỗi người Việt, được truyền tải qua âm nhạc và tất cả khía cạnh khác của đời sống", cô nói.

'Sân khấu thời đại' của Gen Z

Trong khi đó, Hương Lý gọi mạng xã hội là "sân khấu thời đại" của Gen Z, còn âm nhạc là cách tuyệt vời để "làm mềm" lịch sử, giúp thế hệ trẻ thế hệ trẻ tiếp cận văn hóa tự nhiên hơn, cảm xúc hơn, thay vì chỉ thông qua sách vở.

"Âm nhạc là chiếc cầu nối kỳ diệu giữa quá khứ và hiện tại. Những giai điệu mang âm hưởng dân gian, ca từ giàu hình ảnh văn hóa như trong MV Việt Nam Vĩnh Trường hay Bắc Bling của Hòa Minzy không chỉ gây ấn tượng nghệ thuật mà còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc", cô nói.

Với Hương, việc được góp giọng trong Việt Nam Vĩnh Trường là một cuộc "chạm" đầu tiên với âm nhạc, hy vọng mở ra những hành trình nối dài di sản văn hóa.

 Các nhà sáng tạo nội dung trẻ lan tỏa nét đẹp di sản thông qua âm nhạc. Ảnh: Châu Sa.

Các nhà sáng tạo nội dung trẻ lan tỏa nét đẹp di sản thông qua âm nhạc. Ảnh: Châu Sa.

Sau dự án này, Dung Hoàng Phạm và Hương Lý cho biết sẽ nỗ lực lan tỏa di sản văn hóa thông qua âm nhạc. Dung không muốn đi con đường này một cách "nửa mùa", mà là sự đầu tư nghiêm túc, "đúng, đủ, bền vững" để vừa giữ được cái hồn văn hóa, vừa chạm được đến trái tim người nghe thời hiện đại.

"Nếu bạn nghĩ di sản là điều gì đó xa xôi, khô khan, hãy thử nghe bài hát của chúng tôi. Biết đâu bạn sẽ thấy một phần rất Việt Nam trong chính bản thân mình", Hương Lý nhắn nhủ.

Nét đẹp Việt mùa 3 với chủ đề “Chạm vào di sản” do Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam phối hợp cùng TikTok LIVE tổ chức, nhằm quảng bá văn hóa và thúc đẩy du lịch bền vững thông qua hình thức livestream sáng tạo trên nền tảng TikTok.

Ngày 1-10/6, các nhà sáng tạo nội dung nổi bật của mảng livestream trên TikTok như: Lý Thế Hương, Dung Hoàng Phạm, Minh Thắng, K-ICM, Mạnh Tiến Khôi… sẽ cùng thăm các điểm đến nổi bật của 5 địa phương trên, khám phá từ di sản kiến trúc, văn hóa truyền thống cho đến tinh hoa ẩm thực vùng miền.

Toàn bộ hành trình phát trực tiếp trên kênh chính thức @tiktoklive_vietnam, một phiên live dài 5 ngày, mỗi ngày 12-14 tiếng.

Chương trình không chỉ dừng lại ở việc phát trực tiếp các hoạt động, mà còn mở ra chuỗi trải nghiệm thực tế kết hợp công nghệ, giúp người xem “chạm vào di sản” theo đúng nghĩa đen – chân thực, gần gũi và hiện đại. Thông qua sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và nội dung giàu ý nghĩa, chương trình tạo cơ hội để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, tiếp cận và thấu hiểu sâu sắc hơn các giá trị văn hóa truyền thống.

Châu Sa - Linh Huỳnh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cach-nguoi-tre-dung-am-nhac-noi-ve-van-hoa-post1555261.html