'Bưng bát cơm đầy'- thương nhớ Giáo sư Võ Tòng Xuân
Dù bao nhiều năm nữa bài học về sự trân quý hạt gạo như ngọc vẫn được dạy trẻ con đồng bằng, nhưng ngay từ bây giờ nhờ những con người ưu tú như giáo sư Võ Tòng Xuân đã giúp nâng cao giá trị mồ hôi nông phu trên đồng ruộng.
Tác giả: Nguyễn Thành Công
Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân đã vĩnh viễn ra đi vào sáng 19/08/2024, hưởng thọ 84 tuổi.
Sinh ra và lớn lên ở đồng bằng, thấm đẫm từng lời ru, biết lội bùn sình, cấy lúa, mót lúa rơi, còn nghe kể nhiều về vùng đất phù sa của thời xa lắc hoang sơ muỗi mòng cùng muông thú. Cứ thắc mắc hoài: Sao gọi Miền Tây là vựa lúa lớn nhất quốc gia, chỗ nào cũng đồng ruộng, xuất khẩu gạo ra khắp năm châu mang mác “Việt Nam” cũng từ nơi đây, lúa gạo nhiều vậy nhưng các bậc cao niên thường nhắc đi nhắc lại lời răn: “ăn cơm cho hết, một hột rớt cũng lượm vì tội, hạt gạo là hạt ngọc đó!”. Vùng lúa gạo nổi tiếng mà hạt gạo quý đến chừng ấy sao?
Lớn lên, tìm hiểu qua các tài liệu mới tường: Vùng đất phù sa thấp này từng hoang hóa trong nghìn trùng năm lịch sử của thuở Phù Nam xưa, đầm lầy, lau sậy, rừng thiêng nước độc cùng thú dữ hãy còn dày trong các giai thoại, miếu thờ. Từng bước khẩn hoang lập ấp bao nhiêu gian truân, tiền nhân từ mạn ngoài vào mất mạng vì sương lam chướng khí, thú dữ, cướp cũng không ít. Cả một vùng đất hoang vắng mênh mang, lắm nơi tuyệt không bóng người.
Công cuộc khẩn hoang bài bản ở lịch sử gần dưới thời nhà Nguyễn đã mang đến diện mạo mới cho đồng bằng với sự xuất hiện ngày càng nhiều ruộng lúa, thôn ấp, kênh rạch. Nhưng mãi cho đến thời Pháp thuộc rồi sau đó, chiến tranh lan rộng, canh tác lúa vất vả cơ cực nhiều mà năng suất rất thấp bởi phèn mặn, khi thì khô hạn lúc ngập úng, và giống… Đồng bằng vựa lúa nhưng nạn đói từng xảy ra, còn chuyện thiếu hụt gạo trong lu khạp thì hầu như ở đâu lúc nào cũng có.
Nghèo, dù giá gạo tại chỗ thấp, nhưng nhiều bà con không có đủ tiền để mua. Các dịp từ thiện, như Vu lan đang diễn ra, gạo luôn luôn được ưu tiên cho tặng đồng bào. Đấy, vì nhiều nguyên cớ, vùng lúa gạo lớn nhất nước song từ xa xưa hạt gạo được ví ngang ngọc quý. Sau giải phóng, cũng có đói. Sài Gòn không đủ gạo từ đồng bằng phải ăn độn, còn miền Tây cũng biết đến bo bo. Cay cực nhiều.
Giáo sư Võ Tòng Xuân là tinh hoa trí thức có kiến thức sâu rộng về nông học, du học sinh tại Trường Đại học Kyushu Nhật Bản vào năm 1974. Ông đã kỳ công dấn thân vào công cuộc đổi mới nền nông nghiệp đồng bằng qua nghiên cứu chuyển giao giống mới, khuyến trương canh tân phương pháp canh tác tiên tiến, đào tạo nhân tài cho nông học… . Tất cả tuoir thanh xuân, cả đời của giáo sư gắn với lúa gạo, nông dân.
Nếu nói rằng miền Tây Nam Bộ có cuộc cách mạng xanh mang đến tổng sản lượng lúa cao ngất trong lịch sử, diện tích canh tác rộng lớn, nhiều giống lúa ngon cơm có tiếng và đạt sản lượng xuất khẩu gạo cao, đương nhiên là thành tựu mồ hôi của hàng triệu nông phu, của các tập thể nhà khoa học, quản lý, nhưng nếu đè tên giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân lên hàng đầu xét ra cũng không có gì quá đáng: ông đóng góp cả đời mình cho hạt gạo đồng bằng.
Hết sức học tập từ quốc gia có nền nông nghiệp hàng đầu là Nhật Bản, lội xuống đồng lúa quê hương, mất ngủ vì thao thức nghiên cứu lúa, rồi phục vụ ở lĩnh vực đào tạo khoa học cũng cho đồng bằng, giáo sư ra đi làm rúng động mọi con tim bà con vùng châu thổ này cũng lẽ dễ hiểu mà thôi.
Trên trang nhà của Tổng lãnh sự quán Nhật bản tại Tp.HCM đã trang trọng đăng tin buồn Gs Võ Tòng Xuân, một người bạn thân thiết của đất nước mặt trời mọc đã mang kiến thức từ xứ ở ấy về quê hương mình gây dựng tích lũy từng ngày để đồng bằng thăng hoa như ngày nay. Những dòng trang trọng ấy từ cơ quan ngoại giao Nhật đã dành cho Giáo sư sư tôn vinh như người nông dân trân quý từng bông lúa, hạt thóc.
Dù bao nhiều năm nữa bài học về sự trân quý hạt gạo như ngọc vẫn được dạy trẻ con đồng bằng, nhưng ngay từ bây giờ nhờ những con người ưu tú như Gs Võ Tòng Xuân đã giúp nâng cao giá trị mồ hôi nông phu trên đồng ruộng, làm ngon hạt gạo miệt phù sa, thâm canh tăng vụ tăng năng suất bát cơm mọi nhà đã đầy đặn hơn xưa, nỗi lo đói ngơi dần.
Vĩnh biệt ông, con người ưu tú trong mùa Vu Lan Phật lịch 2568.
Tác giả: Nguyễn Thành Công