Bùng nổ biểu tình phản chiến Gaza

Hàng loạt cuộc biểu tình của sinh viên phản đối chiến sự Gaza bùng phát lan rộng tại các đại học trên khắp các châu lục, lấy cảm hứng từ các cuộc biểu tình đang diễn ra tại các trường đại học ở Mỹ.

Sinh viên biểu tình tại Đại học Amsterdam, Hà Lan, ngày 7-5. Ảnh: AFP

Sinh viên biểu tình tại Đại học Amsterdam, Hà Lan, ngày 7-5. Ảnh: AFP

Tại Amsterdam (Hà Lan), các sinh viên ủng hộ Palestine dựng lều bên trong Đại học Amsterdam, từ chối rời đi. Họ cũng dựng rào chắn chặn một số tuyến đường dẫn đến trường. Đến tối 6-5, một nhóm phản biểu tình, ủng hộ Israel, cầm pháo sáng xông vào đụng độ với sinh viên. Cảnh sát giải tán cuộc biểu tình trong đêm, bắt 169 người. Họ dùng dui cui áp chế người biểu tình, phá dỡ loạt lều trại vào khoảng 4h sáng. Nhiều sinh viên ném đá, pháo hoa về phía các sĩ quan.

Ngày 7-5, cảnh sát Đức đã giải tán biểu tình sau khi có tới 80 người dựng trại trong khuôn viên trường Đại học Tự do Berlin. Những người biểu tình mang theo chiếc khăn keffiyeh từ lâu đã là biểu tượng cho chính nghĩa của người Palestine, cố gắng đột nhập vào các phòng học, giảng đường. Cảnh sát Berlin đã thực hiện một số vụ bắt giữ vì tội kích động hận thù và xâm phạm trái phép. Tại Đại học Leipzig, phía đông nước Đức, khoảng 50 đến 60 người đã chiếm giữ một giảng đường hôm 7-5, vẫy các biểu ngữ có nội dung phản đối cuộc chiến tại Gaza. Những người biểu tình đã rào chắn cửa giảng đường từ bên trong và dựng lều ở sân trong.

Cùng ngày, cảnh sát đã hai lần can thiệp vào Đại học Sciences Po danh tiếng để giải tán khoảng 20 sinh viên đang chiếm giữ hội trường chính. Hai vụ bắt giữ đã xảy ra. Những người biểu tình yêu cầu trường đại học chấm dứt mối quan hệ đối tác với các tổ chức của Israel. Tại tòa nhà Đại học Sorbonne gần đó, cảnh sát đã giải tán khoảng 100 sinh viên đang chiếm giữ một giảng đường để phản đối cuộc chiến của Israel tại Gaza.

Tại Thụy Sĩ, làn sóng sinh viên biểu tình đã lan ra ba trường đại học trên toàn quốc. Tại Áo, hàng chục người biểu tình đã cắm trại trong khuôn viên Đại học Vienna, dựng lều và giăng biểu ngữ từ ngày 2-5 đến nay. Hơn 100 sinh viên cũng chiếm đóng Đại học Ghent ở Bỉ. Các cuộc đụng độ cũng nổ ra giữa cảnh sát và hơn 300 người biểu tình ủng hộ Palestine ở trung tâm Athens (Hy Lạp) hôm 7-5. Ngoài ra, trong những tuần qua, các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra tại các trường đại học ở nhiều nước châu Âu khác, gồm Ireland, Phần Lan, Đan Mạch, Italia, Tây Ban Nha và Anh.

Làn sóng biểu tình ở châu Âu được truyền cảm hứng từ phong trào ở Mỹ. Theo CNN, sinh viên tại nhiều trường ĐH ở Mỹ đã xuống đường biểu tình sau khi xung đột Israel-Hamas nổ ra. Cuộc biểu tình tại Đại học Columbia (New York) được xem là cuộc biểu tình phản đối xung đột Israel-Hamas có quy mô lớn nhất tại Mỹ. Theo NYT, ước tính từ ngày 17-4 đến ngày 30-4 các cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine đã nổ ra tại hơn 150 trường cao đẳng và đại học trên khắp nước Mỹ. Những người biểu tình dựng trại ở trung tâm khuôn viên trường, chiếm đóng các tòa nhà của trường ĐH. Họ cũng yêu cầu các trường cắt đứt quan hệ với các doanh nghiệp có liên hệ Israel. Cảnh sát đã được điều tới nhiều trường để ngăn những người biểu tình quá khích. Kể từ ngày 18-4, hơn 2.000 người biểu tình đã bị bắt tại các khuôn viên trường ĐH ở Mỹ.

Trong vài tuần qua, các trại biểu tình ủng hộ người dân Palestine được dựng lên ở ít nhất 7 trường ĐH trên khắp Australia. Tại ĐH Queensland ở TP Brisbane, nhóm biểu tình muốn ĐH Queensland công khai tất cả mối liên hệ với các công ty và trường ĐH của Israel, cũng như cắt đứt quan hệ với các công ty vũ khí có liên hệ với Israel. Các trại biểu tình này được dựng lên để thể hiện tình đoàn kết với người dân Palestine và thể hiện sự đoàn kết với những cuộc biểu tình của sinh viên ở Mỹ. Tại ĐH Sydney, khoảng 50 trại biểu tình ủng hộ người dân Gaza đã được dựng lên.

AN BÌNH

Israel cảnh báo tăng cường tấn công Rafah

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 7-5 cảnh báo nước này sẽ "tăng cường" tấn công quân sự tại thành phố Rafah (ở phía Nam Gaza), nếu thỏa thuận trao trả các con tin Israel bị Phong trào Hồi giáo Hamas bắt giữ không đạt được tiến bộ.

Ông Gallant đang có chuyến thăm binh sĩ ở khu vực Rafah và khẳng định Israel sẵn sàng thực hiện "thỏa hiệp" để đưa con tin về nước. Ông nhấn mạnh: "Nếu lựa chọn đó bị loại bỏ, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch… Điều này sẽ xảy ra trên khắp dải đất Gaza". Ông Gallant khẳng định chiến dịch sẽ tiếp tục cho đến khi nước này "loại bỏ" được lực lượng Hamas ở Rafah và phần còn lại của Gaza.

AFP ngày 8-5 dẫn lời một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Biden cho hay, Mỹ đã tạm dừng việc đưa bom đến Israel do bất đồng với Tel Aviv trong kế hoạch tấn công Rafah. Lô hàng bao gồm 1.800 quả bom 2.000 lb và 1.700 quả bom 500 lb. Hiện, Mỹ chưa đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của lô hàng này.

T.N

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bung-no-bieu-tinh-phan-chien-gaza-post294788.html