Bùng nổ 'chiến thần livestream' gây hại

Trong khi các 'chiến thần livestream' xuất hiện nhan nhản với các phiên bán hàng đạt doanh thu tiền tỷ thì các sản phẩm lại hầu như không biết được chất lượng thực hư thế nào, dẫn tới gây hại cho người tiêu dùng cả về tiền bạc và sức khỏe.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin là sự bùng nổ các hình thức quảng cáo, bán hàng trên nền tảng mạng xã hội (Facebook, Youtube, Tiktok...). Theo đó, nhiều “chiến thần livestream” (các phiên livestream có số lượng người theo dõi cao, đạt doanh thu lớn - pv) cũng xuất hiện để quảng cáo, bán hàng online với đủ loại dịch vụ, sản phẩm, mà hầu như không có sự kiểm soát chất lượng của cơ quan chức năng, dẫn tới gây hại cho người tiêu dùng cả về tiền bạc và sức khỏe.

Nếu như vài năm trước, các chủ shop bán hàng online thường dùng các thuật ngữ: “Nhà tôi ba đời...”, hay “nghề gia truyền...” để quảng cáo dịch vụ, sản phẩm, thì nay họ thay bằng “tôi đã dùng thấy tốt...”, “anh A, chị B đã mua nhiều lần...” để thu hút, khiến người dân tin tưởng móc “hầu bao” dễ dàng. Thực tế cho thấy, hầu hết các loại dịch vụ, sản phẩm được quảng cáo rầm rộ đó lại kém chất lượng, không đạt chuẩn khiến người tiêu dùng “tiền mất, tật mang”, thậm chí đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng.

Có không ít người từ việc tin tưởng các KOL (Key Opinion Leader - cá nhân, tổ chức có kiến thức chuyên môn sâu về một lĩnh vực), KOC (Key Opinion Consumer - người tiêu dùng chủ chốt) quảng cáo “như đúng rồi” trên mạng xã hội, rồi mua các loại “lá lẩu” để chữa bệnh thay vì đi viện khám và điều trị. Cũng đã có không ít chị em vì tin tưởng các KOL, KOC mà tìm đến những trung tâm thẩm mỹ chui, không được cấp phép để làm đẹp, để rồi phải vào viện cấp cứu khi đã “thập tử nhất sinh”.

Những ngày qua, dư luận xã hội đang xôn xao về sản phẩm yến sào chưng sẵn được bán với giá “rẻ bất ngờ” bởi Tiktoker nổi tiếng Quyền Leo Daily trên kênh Tiktok có tới 4,6 triệu lượt người theo dõi. Có thời điểm Quyền Leo Daily quảng cáo sản phẩm “yến tươi chưng sẵn” dung tích 70ml có hàm lượng yến sào lên đến 35%, được bán theo combo 50 lọ với giá 658.000 đồng - tương đương chỉ hơn 13.000 đồng/lọ. Ngoài ra còn một số combo khác như 500.000 đồng/20 lọ, 468.000 đồng/30 lọ, nhưng nhìn chung giá trung bình cũng chỉ dao động chỉ 15.000 - 25.000 đồng/lọ.

So sánh mặt bằng thị trường với cùng một sản phẩm yến sào chưng sẵn (lọ cùng dung tích), mức giá mà Quyền Leo Daily quảng cáo rẻ hơn rất nhiều. Chẳng hạn, sản phẩm nước yến sào của một thương hiệu lâu năm tại Khánh Hòa có giá niêm yết khoảng 338.000 đồng/hộp 8 lọ, tức hơn 42.000 đồng/lọ, với tỷ lệ yến sào công bố là 21%. Tương tự, sản phẩm cùng loại của các thương hiệu nổi tiếng khác trên thị trường cũng có giá giao động 30.000 - 40.000 đồng/lọ, với tỷ lệ yến sào chỉ đạt mức 21-35%.

Đáng nói, khi dư luận xã hội đặt câu hỏi nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, một số khách hàng mua sản phẩm yến sào chưng sẵn của Quyền Leo Daily chất vấn thì Tiktoker này đã “im hơi lặng tiếng” rồi chặn số liên lạc. Thậm chí, hiện mặt hàng yến sào chưng sẵn cùng các video quảng cáo sản phẩm này đã được gỡ bỏ khỏi trang Tiktok của Quyền Leo Daily và chính trang cá nhân của nhà sản xuất Thúy Thế Giới Yến Sào. Hành động này của Quyền Leo Daily và nhà sản xuất không khỏi khiến dư luận bức xúc, nghi ngờ về chất lượng sản phẩm yến sào chưng sẵn mà họ quảng cáo, bán cho người tiêu dùng.

Thật buồn, không chỉ có Quyền Leo Daily thiếu trách nhiệm khi quảng cáo và bán sản phẩm cho người tiêu dùng, mà khá nhiều người livestream bán hàng khác cũng có cách hành xử tương tự. Họ lợi dụng sự tín nhiệm của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật, bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm trục lợi cá nhân không cần quan tâm đến hậu quả mà xã hội phải gánh chịu. Cách đây chưa lâu, một số trường hợp đã phải bị xử lý hình sự khi quảng cáo kẹo rau củ Kera giả.

Đáng tiếc, trong khi hình thức livestream bán hàng online phát triển mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội, thì công tác quản lý, xử phạt lại chưa theo kịp trong việc kiểm soát, phòng ngừa gian lận thương mại. Chưa kể không hiểu việc các “chiến thần livestream” có doanh thu lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng thì không biết vấn đề nộp thuế nào cho ngân sách nhà nước ra sao? Chỉ riêng vấn đề chất lượng sản phẩm hàng hóa có thể gây hại cho người tiêu dùng đang là vấn đề nhức nhối.

Vậy nên, trước sự bùng nổ các “chiến thần livestream”, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok... kiểm soát chặt chẽ kênh bán hàng online của các chủ shop. Ngoài việc tránh thất thu thuế còn có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Quảng cáo, Luật An toàn thông tin mạng... để kịp thời điều chỉnh các hành vi như quảng cáo sai sự thật gây hại cho người tiêu dùng.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bung-no-chien-than-livestream-gay-hai-10306008.html