ĐBQH: Quản thật chặt các tuyên bố 'chữa bệnh', 'giảm cân cấp tốc' để bảo vệ sức khỏe người dân

ĐBQH Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, quản lý chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia.

Sáng nay (17/5), Quốc hội thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Phải quy định bắt buộc việc áp dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Theo ĐBQH Trần Khánh Thu, thời gian qua hàng loạt vụ việc, thực phẩm chức năng giả… được các cơ quan chức năng phát hiện ra; càng đánh lên hồi chuông cảnh báo nguy hiểm liên quan chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày trong thời gian dài và ở tất cả các nơi trên thị trường. Việc Thủ tướng Chính phủ vừa phát động tháng cao điểm chống hàng giả nói lên sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật.

Đóng góp ý kiến cụ thể, tại khoản 6, Điều 6 dự thảo Luật về chính sách nhà nước trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, trong đó có quy định khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc và công nghệ số… nữ đại biểu cho rằng, những sản phẩm phải quy định việc áp dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa là bắt buộc chứ không phải chỉ là khuyến khích.

ĐBQH Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

ĐBQH Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

"Sữa, thực phẩm chức năng, thực phẩm sức khỏe dù đã có khá nhiều các quy định quản lý, tuy nhiên vẫn xảy ra các sự việc một số doanh nghiệp sản xuất thuốc giả, sữa giả, thậm chí kéo dài nhiều năm mới bị phát hiện, gây bức xúc, lo lắng cho người dân", bà Khánh Thu nói và cho rằng, theo quy định thì doanh nghiệp được tự công bố, thậm chí một số thực phẩm bổ sung, thực phẩm thông thường… thì không cần chờ phê duyệt trước khi lưu hành; không cần cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm nghiệm, xác nhận trước khi đưa ra thị trường.

Cho rằng những chính sách trên nhằm tạo thuận lợi, giảm thủ tục hành chính… nhưng bà Khánh Thu nhìn nhận, hình thức này bộc lộ nhiều lỗ hổng, rủi ro cho sức khỏe cộng đồng, công tác quản lý nhà nước. Cụ thể, cơ quan quản lý chỉ kiểm soát qua hồ sơ, một số doanh nghiệp tận dụng cơ chế để hợp pháp hóa thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi.

"Khi doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn, nguy cơ sản phẩm gây hại sức khỏe, ngộ độc, bùng phát dịch bệnh thực phẩm tăng cao. Và thực tế các vụ việc liên quan đến vấn đề an toàn của các sản phẩm dinh dưỡng vừa qua đã là hậu quả đáng tiếc cho sự bất cập này", ĐBQH Trần Khánh Thu nhấn mạnh.

Nâng cao trách nhiệm, siết chặt hậu kiểm

Từ những bất cập trên, bà Khánh Thu đề nghị, cần nhìn nhận nghiêm túc và có biện pháp khắc phục ngay. Cụ thể, vẫn nên giữ cơ chế tự công bố nhưng cần nâng cao trách nhiệm thực thi, siết chặt hậu kiểm; phải công khai trực tuyến để dễ dàng tra cứu, truy xuất nguồn gốc;

Điều chỉnh việc đăng ký bắt buộc đối với nhóm sản phẩm có nguy cơ và có sự ảnh hưởng lớn đến nhóm đối tượng dễ tổn thương (thực phẩm BVSK, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bổ sung chỉ bổ sung vitamin và khoáng chất, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi…).

Cần kiểm soát chặt và tăng nặng mức xử phạt đối với việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa sai sự thật.

Cần kiểm soát chặt và tăng nặng mức xử phạt đối với việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa sai sự thật.

Bên cạnh đó, hồ sơ công bố bắt buộc phải có hồ sơ kết quả nghiên cứu; hồ sơ khoa học xét duyệt kết quả nghiên cứu;… và phải có tiêu chuẩn riêng, kết quả kiểm nghiệm phải công khai; ứng dụng công nghệ quản lý truy xuất nguồn gốc. Cấm quảng cáo quá mức về công dụng; Những tuyên bố như "chữa bệnh", "giảm cân cấp tốc", v.v. đều bị quản lý nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, cần quy định ngay trong Luật này đối với sai phạm của sản phẩm hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe…. thì cần tăng mạnh chế tài, hình phạt khi phát hiện gian lận. Trong đó, doanh nghiệp nào có hành vi này cần bị xử phạt rất nặng, đình chỉ lưu hành, thậm chí yêu cầu dừng sản xuất toàn bộ; truy cứu trách nhiệm hình sự với trường hợp gian dối, gây hậu quả nghiêm trọng...

Phanh phui đường dây thuốc giả trị xương khớp: 21 loại tân dược, thu lợi 200 tỷ đồng | SKĐS

Lê Bảo - Dương Tú

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dbqh-quan-that-chat-cac-tuyen-bo-chua-benh-giam-can-cap-toc-de-bao-ve-suc-khoe-nguoi-dan-169250517104652631.htm