Bùng nổ dịch vụ khám bệnh từ xa ở Trung Quốc
Những 'gã khổng lồ' công nghệ Trung Quốc từ JD.com đến Alibaba đều tăng cường đầu tư vào lĩnh vực khám bệnh qua điện thoại (telemedicine) đang phát triển nhanh chóng này.
Hồi tháng 4, khi bị đau mắt, anh Li, 30 tuổi, quyết định thử dịch vụ khám bệnh từ xa của JD Health thay vì đến phòng khám bác sĩ trực tiếp. Người đàn ông sống ở Bắc Kinh này đã trao đổi trực tuyến với một bác sĩ và được chuyển thuốc nhỏ mắt đến tận nhà.
“Tôi vẫn muốn đến bệnh viện để điều trị bệnh nghiêm trọng nhưng khám bệnh từ xa rất tiện lợi cho những vấn đề nhỏ, anh Li chia sẻ.
Theo tờ báo tài chính Nikkei, là công ty con của nhà bán lẻ điện tử JD.com, JD Health là một trong bốn công ty tiên phong trong ngành y tế từ xa của Trung Quốc, bên cạnh các công ty con của Alibaba, Tencent và Ping An. Với nhu cầu thăm khám từ xa tăng cao kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp này đang đẩy mạnh tuyển dụng 3,86 triệu bác sĩ tham gia vào ứng dụng của họ nhằm củng cố chỗ đứng trong ngành công nghiệp đang bùng nổ này.
Tại một văn phòng JD Health ở Bắc Kinh, hàng dãy bác sĩ ngồi trước máy vi tính đưa ra lời khuyên y tế thông qua ba hình thức nhắn tin trực tuyến, gọi điện thoại hoặc trò chuyện qua video. Họ làm việc theo ba ca để đảm bảo phục vụ 24/24. Mức phí tùy thuộc vào bác sĩ, nhưng một cuộc hẹn video dài 15 phút thường có giá 50 Nhân dân tệ (khoảng 190.000 đồng), tương đương mức phí cao nhất ở hệ thống bệnh viện công.
Bác sỹ Wang Chunye đã xin nghỉ việc ở một bệnh viện công vào năm 2019 để làm việc toàn thời gian cho JD Health. Ông chia sẻ: “Nó không khác biệt gì so với việc khám trực tiếp khi bạn sử dụng video”.
JD.com đã nâng số lượng bác sĩ đăng ký trên nền tảng của mình lên gần 110.000 vào năm 2020, tăng gấp 12 lần so với năm trước.
Công ty Y tế và Công nghệ Ping An, nhà điều hành ứng dụng Ping An Good Doctor, đã tăng 240% số lượng bác sĩ trên nền tảng trực tuyến của mình vào năm 2020 lên xấp xỉ 23.000 người. Công ty Công nghệ Thông tin Y tế Alibaba ghi nhận mức tăng 43% lên khoảng 60.000 bác sĩ.
Một ứng dụng khác là WeDoctor, do nhà cung cấp dịch vụ internet Tencent sở hữu gần 9%, được dự đoán sẽ tăng sớm tăng vượt con số 270.000 bác sĩ ở thời điểm hiện tại.
Đa số các bác sĩ này đều làm việc toàn thời gian ở những nơi khác và tham gia dịch vụ chăm sóc trực tuyến vào thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập. Khoảng 10% số bác sĩ của Trung Quốc được cho là đang tham gia các ứng dụng y tế từ xa và con số này dự kiến sẽ tăng lên.
Dịch vụ khám bệnh từ xa bắt đầu được thúc đẩy ở Trung Quốc vào năm 2015, khi chính phủ hợp pháp hóa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chỉ hoạt động trực tuyến. Thị trường đã mở rộng mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch COVID-19 do các dịch vụ chăm sóc từ xa phát huy được lợi thế.
Khám bệnh trực tuyến thường đắt hơn so với khám trực tiếp. Trong khi các bệnh viện công thường tính phí từ 10 - 50 Nhân dân tệ cho mỗi lần khám bệnh, phí của JD Health có thể lên tới khoảng 1.000 nhân dân tệ. Các nền tảng đang chạy đua để chiêu mộ các bác sĩ nổi tiếng tham gia.
Công ty nghiên cứu Frost & Sullivan của Mỹ cho biết thị trường chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số của Trung Quốc đã tăng 44% lên 314 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2020 và có thể đạt 4,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2030. Trung Quốc là quốc gia chi tiêu cho chăm sóc y tế lớn nhất thế giới sau Mỹ và có hy vọng sẽ còn tăng trưởng hơn nữa.
Alibaba Health đã thống kê được 520 triệu người dùng trong năm 2020 (tính đến tháng 3/2021), trong khi Ping An đạt 370 triệu người vào năm 2020. Công ty Ping An cũng sử dụng dữ liệu thu thập từ các bệnh nhân thăm khám từ xa để phục vụ các dịch vụ khác, như đưa ra khuyến nghị của bác sĩ dựa trên các triệu chứng cụ thể.
Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn còn nhiều thách thức. Khám bệnh từ xa vẫn tập trung vào những bệnh nhân tái khám. Trên thực tế, các công ty đang phải vật lộn để thu hồi tiền đầu tư từ nhóm khách hàng tương đối hạn chế. Mặc dù Alibaba Health đã thu được lợi nhuận ròng cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3, ba nhà cung cấp khác vẫn chìm trong thua lỗ những năm kinh doanh gần đây.
Nhà phân tích Tan Yawen của UBS cho biết việc liên kết dịch vụ y tế từ xa với các dịch vụ khác của công ty mẹ, như bán thuốc trực tuyến và bảo hiểm sẽ rất quan trọng.
Hiện tại, ở Trung Quốc vẫn chưa có bộ hướng dẫn chính thức nào về cách tránh chẩn đoán sai cùng những vấn đề tiềm ẩn khác trong lĩnh vực này. Để trụ vững, các công ty cần phải đảm bảo tính an toàn cũng như chất lượng dịch vụ trên nền tảng trực tuyến của họ.