Bùng nổ theo đà, nhưng vẫn chưa hết lo

VN-Index đã có phiên giao dịch bùng nổ vào giữa tuần qua. Diễn biến giảm điểm trong 2 phiên cuối tuần chưa ảnh hưởng lớn đến cấu trúc hồi phục ngắn hạn, nhưng chỉ số vẫn có nguy cơ tiếp tục giảm điểm trong các phiên đầu tuần này.

Áp lực chốt lời và mối lo ngại về lãi suất

Tại thị trường Mỹ, đà tăng của các chỉ số chứng khoán từ tuần trước nối tiếp tới phiên thứ 8 và tạm dừng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, cơ quan này có thể cần phải làm nhiều việc hơn để giảm lạm phát, mặc dù tốc độ chậm lại gần đây là một dấu hiệu đáng khích lệ đối với các nhà hoạch định chính sách.

Sự sụt giảm của giá cổ phiếu trùng hợp với sự gia tăng lợi suất trái phiếu, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn và lãi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm tăng hơn 10 điểm cơ bản, phản ứng lại phát biểu của Chủ tịch Fed.

Tuy vậy, các tài sản an toàn đang di chuyển trong khu vực tăng mạnh (màu xanh lá) và hướng vào trong vòng Elip. Đặc biệt, sự vận động của chỉ số rủi ro của S&P 500 đã đi vào khu vực suy yếu (màu vàng), cho thấy mức độ tích cực, sự tự tin của nhà đầu tư tăng dần.

Tâm lý tích cực hơn cũng được hỗ trợ bởi thông tin mùa kết quả kinh doanh quý III dần qua đi, với khoảng 88% công ty đã công bố kết quả, trong đó hơn 88% công ty vượt qua thu nhập dự tính. Nhưng nhu cầu chậm lại dẫn đến doanh thu chỉ đạt 62% so với kỳ vọng, khiến một số công ty đưa ra triển vọng thận trọng trong quý tiếp theo.

Ở thị trường châu Á, phiên cuối tuần qua mở cửa thận trọng sau áp lực chốt lời tại phiên giao dịch của thị trường chứng khoán Mỹ và mối lo ngại về lãi suất quay trở lại. Các dữ liệu kinh tế trái chiều của Trung Quốc chưa giúp xóa bỏ đi các mối lo, bao gồm cả rủi ro giảm phát tại Trung Quốc, hay suy thoái kinh tế tại Mỹ.

Ngoài ra, nhập khẩu dầu thô của Bắc Kinh tăng cả về khối lượng và giá trị trong tháng 10, nhưng tổng xuất khẩu của nước này giảm nhiều hơn dự kiến.

Trong khi đó, Viện Dầu khí Mỹ cho biết, dự trữ dầu thương mại của Mỹ tăng 11,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 3/11. Nhu cầu sưởi ấm trong những tháng cuối năm được dự báo ít hơn dự kiến, khi El Nino sẽ làm tăng nhiệt độ mùa Đông năm nay tại các nước Á - Âu. Điều này cộng thêm rủi ro địa chính trị tại Trung Đông giảm khiến giá dầu điều chỉnh mạnh, dầu WTI xuống dưới 80 USD/thùng. Mức giá thấp khiến một số nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu suy giảm toàn cầu, gợi ý một cuộc suy thoái có nguy cơ xảy ra, nhưng diễn biến giảm của giá dầu giúp các nhà đầu tư khác yên tâm hơn với cuộc chiến chống lạm phát của các nước lớn tại châu Mỹ, châu Âu.

Để theo dõi hoạt động thương mại toàn cầu, chỉ số giá vận tải hàng rời (BDI) là một chỉ số quan trọng, đang cho thấy sự gia tăng hoạt động thương mại thời gian gần đây, khi giá cước tàu biển vượt đường trung bình MA50 ngày. Nếu Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các gói hỗ trợ kinh tế, giúp giá thép thoát khỏi xu hướng giảm dài hạn, thì giá cước tàu biển nhiều khả năng sẽ kéo dài đà hồi phục.

VN-Index chờ xác nhận đáy 2, sau phiên bùng nổ theo đà

Chỉ số VN-Index kết thúc tuần qua trong trạng thái giảm, nhưng mẫu hình đảo chiều trên đồ thị tuần đang có điều kiện hình thành. Thanh khoản cải thiện qua từng phiên tạo ra một lực đẩy có độ tự tin đáng kể bằng một phiên bùng nổ, so với các nhịp hồi phục nhưng “rỗng” cầu trước đây.

Trong tuần qua, VN-Index “vá” lại ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm rất nhanh, thể hiện nỗ lực đảo chiều đáng chú ý và tạo hiệu ứng tích cực lên tâm lý giao dịch ngắn hạn. Dòng tiền tham gia mạnh mẽ và bất ngờ giúp đà lan tỏa nhanh chóng vượt lên trên mốc 70%.

Tuy nhiên, để có được sự bứt phá, nhóm vốn hóa lớn đã hoàn thành khá trọn vẹn vai trò dẫn dắt, đồng thời sử dụng gần như tối đa đà tăng ngắn hạn, kéo theo áp lực điều chỉnh, nhất là khi chỉ số tiệm cận các kháng cự mạnh như Fibonacci 61,8%, đường trung bình MA200 ngày.

Theo đó, chỉ số trong phiên cuối tuần khó tránh khỏi bị kéo giảm và thực hiện nhịp điều chỉnh đáng kể sau phiên tăng hơn 30 điểm trước đó. Yếu tố đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 11 đang đến gần, dự kiến sẽ gây các biến động lớn về biên độ.

Dựa trên trạng thái đóng cửa phiên, sự điều chỉnh cuối tuần chưa gây ảnh hưởng lớn đến cấu trúc hồi phục ngắn hạn, đặc biệt là khi VN-Index duy trì được ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm. Trong các kịch bản kém tích cực, ngưỡng hỗ trợ 1.085 điểm sẽ là mục tiêu tiếp theo. Còn ngưỡng 1.060 điểm được đánh giá rất vững chắc, khó có thể xuất hiện sự sập gãy của vùng hỗ trợ quan trọng này.

Lưu ý, nguy cơ giảm điểm trong các phiên đầu tuần này có thể tiếp diễn, do hiệu ứng đáo hạn phái sinh và sự tái tích lũy của các nhóm cổ phiếu. Điều này nếu xảy ra cũng là diễn biến cần thiết để kiểm tra lại các vùng hỗ trợ mới, đồng thời giúp dòng tiền ngắn hạn xác định lại điểm giải ngân trong bối cảnh thị trường chờ xác nhận đáy 2.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bung-no-theo-da-nhung-van-chua-het-lo-post333722.html