Bùng nổ thị trường chợ đen dầu mỏ trên toàn cầu
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela, Iran, và bây giờ là Nga, đã làm phát sinh hoạt động buôn bán dầu bí mật, nhiều lợi nhuận. Các chủ tàu, công ty vận chuyển và thương nhân tiếp tục bán dầu bị trừng phạt cho những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi mua.
Theo trang oilprice.com, EU cấm nhập dầu Nga qua đường biển và áp mức giá trần sẽ làm tăng thêm các chuyến vận chuyển dầu bí mật đến các quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7).
Nga đang hình thành một đội tàu bí mật để vận chuyển dầu của mình nhằm lách biện pháp áp giá trần. Nga cũng tham khảo các cách của Iran và Venezuela để tiếp tục xuất khẩu khối lượng lớn dầu thô và các sản phẩm dầu. Nga có thể đang sử dụng các chiến thuật để dán nhãn dầu của mình là dầu có nguồn gốc từ nơi khác, tắt bộ tiếp sóng trên tàu chở dầu và thậm chí làm sai lệch vị trí của các tàu chở dầu thông qua dữ liệu của Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) nhằm giữ bí mật hoạt động.
Bằng cách sử dụng các chiến thuật khác nhau, các nhà sản xuất và người bán dầu bị trừng phạt vẫn có thể bán sản phẩm cho những người mua muốn mua dầu giá rẻ.
Nhưng không phải tất cả người mua, đặc biệt là những người ở các khu vực chịu kiểm soát và kiểm tra chặt chẽ như Mỹ, đều phớt lờ những lo ngại và cảnh báo về nguồn gốc hàng hóa.
Trong khi đó, những người mua khác, đặc biệt là các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc, lại không hề lo ngại vì ưu tiên của họ là mua dầu thô giá rẻ và kiếm được lợi nhuận tốt từ việc lọc dầu. Nhiều phân tích và báo cáo điều tra đã phát hiện ra trong vài năm qua, Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - tiếp tục mua dầu thô của Iran và Venezuela vốn thường được dán nhãn là dầu thô từ Malaysia hoặc Oman.
Một số người mua cũng cảnh giác với các biện pháp trừng phạt và thường tìm cách tránh các loại dầu thô bí ẩn có nguồn gốc đáng ngờ.
Một cuộc điều tra gần đây của Reuters cho thấy Venezuela đang sử dụng các giấy tờ đã sửa đổi và các tàu chở dầu có liên quan đến Iran. Venezuela cũng đã từng vận chuyển dầu thô Iran trước đây. Cuộc điều tra cho thấy Venezuela đang bán dầu cho các nhà máy lọc dầu Trung Quốc và trong giấy tờ thì ghi là dầu của Malaysia.
Vùng biển Malaysia cũng diễn ra nhiều hoạt động chuyển dầu thô từ tàu này sang tàu khác và trộn dầu thô để che giấu nguồn gốc dầu Iran và Venezuela. Năm 2022, dữ liệu hải quan Trung Quốc có lúc cho thấy nhiều hàng nhập khẩu từ Malaysia đến mức các nhà phân tích và quan sát cho rằng Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu dầu thuộc diện trừng phạt có nhãn là dầu Oman hoặc Malaysia.
Theo dữ liệu theo dõi tàu chở dầu Vortexa được Reuters trích dẫn, tháng trước, các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc đã nhập khẩu khối lượng dầu thô kỷ lục của Iran nhưng được coi là đến từ Malaysia, Oman hoặc các nơi khác.
Hiện chưa có bình luận từ phía Venezuela và Iran về điều tra của Reuters. Các nhà phân tích cho rằng Nga cũng sẽ ngày càng áp dụng các biện pháp tránh lệnh trừng phạt như trên.
Iran rất có kinh nghiệm trong việc lách các lệnh trừng phạt của EU, đặc biệt là từ giai đoạn 2011-2012 cho đến khi đạt được thỏa thuận về Kế hoạch hành động chung toàn diện vào năm 2015. Iran cũng đối phó hiệu quả với các biện pháp trừng phạt của Mỹ kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Tháng 12/2018 tại Diễn đàn Doha, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Zarif tuyên bố: “Nếu có một nghệ thuật mà chúng tôi đã hoàn thiện ở Iran, mà chúng tôi có thể dạy cho những người khác thì đó là nghệ thuật trốn tránh các lệnh trừng phạt”.
Ông Bijan Zangeneh, người khi đó là Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, nói: “Những gì chúng tôi xuất khẩu không đứng tên Iran. Các tài liệu được thay đổi nhiều lần, cũng như các thông số kỹ thuật”.