Bùng nổ tiền điện tử và bài toán quản lý
Làn sóng tiền điện tử đang tràn tới Đông Nam Á, trở thành một kênh tiềm năng bên cạnh các loại tài sản truyền thống như vàng, cổ phiếu hay bất động sản. Các nước trong khu vực không muốn bỏ lỡ kênh đầu tư này, nhưng cũng muốn tiền điện tử được đặt dưới sự quản lý để tránh những mặt trái, như đầu cơ trở thành kênh rửa tiền hay trốn thuế.
Tương lai của tiền tệ?
Các loại tiền điện tử có sức hút mạnh tại Indonesia. Số người nắm giữ tiền điện tử tại nước này đạt mức 11 triệu người. Theo một nghiên cứu của Gemini (Mỹ), Indonesia đang đứng đầu thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền điện tử, với tổng số giao dịch tài sản điện tử năm 2021 gần 60 tỷ USD. Có 41% số người từ 18 - 75 tuổi với mức thu nhập hơn 14.000 USD/năm đang sở hữu các loại tài sản tiền điện tử; 61% đồng ý với quan điểm tiền điện tử là “tương lai của tiền tệ”.
Tại Singapore, một nghiên cứu của Hiệp hội Công nghệ tài chính nước này cho thấy, các nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp và công nghệ tài chính trong 9 tháng năm 2021 đã tăng gấp 3 lần so với cả năm 2020, đạt mức 1 tỷ USD, trong đó các công ty về tiền điện tử đã nhận được 356 triệu USD, đầu tư tăng 5 lần so với năm 2020.
Theo khảo sát của hãng Statista, khoảng 31% dân số Thái Lan sở hữu tài sản số. Hiện có 8 sàn giao dịch được cấp phép. Ngân hàng Thương mại Siam (SCB) đã đầu tư 17,85 tỷ Baht để mua lại 51% cổ phần Bitkub vào tháng 11.2021. Cuối năm 2021, Tổng cục Du lịch có kế hoạch biến Thái Lan như một điểm đến thân thiện với du khách nước ngoài dùng tiền điện tử nhằm vực dậy ngành du lịch vốn bị đại dịch Covid-19 tàn phá.
Philippines là một trong những quốc gia có tỷ lệ đầu tư tiền điện tử cao trong khu vực. Trong nửa đầu năm 2021, khối lượng giao dịch tiền điện tử đã tăng 362%, đạt 20 triệu USD. Khoảng 28% nói họ sở hữu tiền điện tử, trong khi một nhà đầu tư Philippines trung bình giữ 5% tài sản của họ bằng tiền điện tử. Dịch vụ thanh toán di động PayMaya của Tencent có tới hơn 44 triệu người dùng.
Tại Malaysia, tiền kỹ thuật số trung ương vẫn đang được tích cực đánh giá tiềm năng và thúc đẩy phát triển. Bộ trưởng phụ trách vấn đề kinh tế thuộc Văn phòng Thủ tướng Malaysia Mustapa Mohamed cho biết, nền kinh tế kỹ thuật số Malaysia đang trên đường đạt được mục tiêu đóng góp 25,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.
Ngân hàng Trung ương Lào (BOL) đã cấp giấy phép thực hiện giao dịch bằng tiền kỹ thuật số cho hai công ty là Lao Digital Assets Exchange và Tập đoàn Phongsupthavy và Bitqik. Hai công ty này sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ về tiền kỹ thuật số từ tháng 4, phù hợp với các quy định của BOL liên quan đến an ninh mạng và bảo mật khách hàng.
Tại Việt Nam, tiền điện tử chưa được công nhận về mặt pháp lý và không được coi là phương tiện thanh toán; việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền mã hóa là không hợp pháp. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch tiền ảo thời gian qua thu hút nhiều người tham gia, nổi bật nhất là Bitcoin. Ước tính có khoảng 1 triệu người sở hữu và tham gia giao dịch “tiền ảo” với số tiền giao dịch hằng ngày lên tới vài trăm tỷ đồng.
Tiền điện tử được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào, khả năng vốn hóa lớn, tính thanh khoản nhanh... Tuy nhiên, thị trường tiền điện tử có tính rủi ro cao do biến động khó lường về giá; lo ngại về lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền, tội phạm tài chính công nghệ cao. Việc sử dụng thiết bị “đào tiền ảo” gây phát thải khí CO2 rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Điều chỉnh quy định để quản lý
Các nước Đông Nam Á đang thắt chặt các quy định kiểm soát đối với tiền điện tử. Một số nước tuy đã hợp pháp hóa các giao dịch bằng tiền điện tử, nhưng không coi đây là phương thức thanh toán thay đồng nội tệ để tránh những mặt trái, như đầu cơ trở thành kênh rửa tiền, trốn thuế hay lừa đảo.
Từ tháng 5, Indonesia sẽ đánh thuế VAT đối với tiền điện tử. Các giao dịch tài sản và thuế thu nhập đối với phần lãi từ các khoản đầu tư bằng tiền điện tử ở mức 0,1% mỗi loại, vì chúng là hàng hóa, chứ không phải tiền tệ. Tuy nhiên, thuế suất VAT đối với tài sản tiền điện tử dự kiến thấp hơn nhiều so với hầu hết hàng hóa và dịch vụ tại nước này.
Bộ truyền thông Malaysia tuy đề xuất các cơ quan quản lý hợp pháp hóa Bitcoin và một số đồng tiền điện tử khác, chấp nhận Bitcoin như một hình thức tiền tệ hợp pháp trong nước, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này. Lý do là các đồng tiền ảo không đáp ứng được các đặc tính phổ quát của tiền tệ. Tài sản kỹ thuật số có tính đầu cơ cao, dẫn đến dễ biến động về giá, cũng như có rủi ro bị đánh cắp qua mạng máy tính và thiếu khả năng mở rộng.
Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Thái Lan (SEC) thông báo lệnh cấm sử dụng các loại tiền ảo trong giao dịch thanh toán từ ngày 1.4. Theo ông Terdsak Thaweethiratham, khó tránh được lệnh cấm, tuy nhiên, Thái Lan không thể không đổi mới về công nghệ tài chính cũng như việc sử dụng chuỗi khối và Bitcoin, vì thế, “…các quy định linh hoạt hơn và công bằng hơn với tất cả các bên tham gia thị trường”.
Singapore đã thông qua Dự luật Thị trường và Dịch vụ Tài chính (FSM), yêu cầu tất cả người chơi tiền điện tử, cho dù họ phục vụ thị trường trong nước hay nước ngoài, phải tuân theo các điều kiện cấp phép giống nhau. Tuy nhiên, khá nhiều phản ứng từ những nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Ở Việt Nam, theo các chuyên gia, cần đánh giá tác động của tiền điện tử để xác định phương án xử lý phù hợp. Phổ biến kiến thức về tiền điện tử, tiền ảo, tiền kỹ thuật số; chủ động nghiên cứu, chuẩn hóa các vấn đề liên quan đến tiền điện tử, các quy định về phòng, chống rửa tiền, trốn thuế. Nghiên cứu cơ chế lưu giữ, chia sẻ và bảo mật thông tin liên quan đến giao dịch tiền điện tử. Nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động thanh toán, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và an toàn tài chính.
Cuối tháng 3, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước đối với việc xây dựng khung pháp lý về việc tài sản ảo, tiền ảo. Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động nghiên cứu, tăng cường phối hợp trao đổi, thống nhất trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa.
Mục tiêu cần hướng tới là nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo từ kinh nghiệm nước ngoài, trong đó có các nước trong khu vực và thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ của nó với tài sản thực, vai trò của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và tác động của nó tới hệ thống pháp luật, từ đó có chính sách, cơ chế phù hợp, phát huy được mặt tích cực, vừa ngăn ngừa hệ lụy phát sinh.
Như vậy, Đông Nam Á là một trong các khu vực có tốc độ ứng dụng tiền điện tử nhanh nhất thế giới, chiếm tới 14% tổng số lượng giao dịch tiền điện tử trên toàn cầu. Các quy định của chính phủ là rất cần thiết để bảo đảm một môi trường lành mạnh cho thị trường tiền điện tử cũng như lĩnh vực pháp chế được phát triển.