Bùng phát biến thể Delta tạo sức ép với phục hồi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc
Đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng nhất trong một năm trở lại đây khiến đà hồi phục kinh tế của Trung Quốc gặp sức ép.
Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc ngày 9/8 ghi nhận 94 ca lây nhiễm cộng đồng có triệu chứng tại đại lục. Sự lây lan của biến thể Delta buộc giới chức chính quyền thực thi một loạt biện pháp mạnh tay như xét nghiệm diện rộng, quy mô lớn, hạn chế di chuyển, đi lại trong nội địa, hoạt động xuất, nhập cảnh xuyên biên giới.
Đợt dịch lần đặt Bắc Kinh trước một thách thức kinh tế trong bối các thông số, đo lường chính sách được công bố trước đó cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc sau đại dịch có dấu hiệu chậm lại. Chỉ số giá hàng hóa giao tại cổng nhà máy (FGP) đã tăng 9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp các nỗ lực trước đó của chính phủ nhằm kiềm chế tác động tiêu cực từ giá hàng hóa tăng cao làm tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Dữ liệu công bố hôm 7/8 cũng cho thấy xuất khẩu tính theo đồng USD của Trung Quốc tăng 19% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2020, dưới mức kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế và kém xa mức tăng 32% đạt được trong tháng 6. Số liệu mới về FGP được công bố sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PoBC) trong tháng 6 đã cắt giảm tỉ lệ dữ trữ bắt buộc với các ngân hàng thương mại, một động thái về nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,9% trong quý 2 vừa qua, một mức cao, nhưng không thực sự ấn tượng, bởi mốc cơ sở so sánh là tăng trưởng quý 2 năm 2020 – thời điểm GDP Trung Quốc giảm tốc mạnh. Tính theo hai quý gần nhất, GDP Trung Quốc trong quý 2 tăng khoảng 1,3%.
Giới chuyên gia kinh tế và nhiều tổ chức chuyên về định mức tín nhiệm bắt đầu điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thời gian tới. Goldman Sachs cắt giảm triển vọng tăng trưởng trong quý 3 còn 2,3% so với quý 2, giảm so với dự báo tăng 5,8% tại kỳ đánh giá trước.
“Với việc virus lây lan ra nhiều tỉnh tại Trung Quốc và chính quyền địa phương gấp rút triển khai các biện pháp mạnh tay để kiểm soát dịch bệnh do biến thể Delta gây ra, chúng tôi bắt đầu nhận thấy sự chùng xuống của các dữ liệu kinh tế toàn quốc”, giới phân tích tại Goldman Sachs bình luận.
Theo Zhiwei Zhang, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty quản lý quỹ Pinpoint Asset, dữ liệu mới nhất về lạm phát cũng đặt các nhà hoặch định chính sách của Trung Quốc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi lạm phát tăng nhưng tăng trưởng lại suy yếu. Việc Bắc Kinh tiếp tục duy trì kiểm soát chặt di chuyển xuyên biên giới và hoạt động thương mại sẽ gây ra những sức ép lớn hơn về chuỗi cung.
Dịch bùng phát cũng tạo ra thách thức đối với đà phục hồi mong manh của lĩnh vực bán lẻ, tạo thêm “cơn gió nghịch” đối với tăng trưởng của trong sáu tháng cuối năm của Trung Quốc. Bloomberg Economics nhận định tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại Trung Quốc sẽ suy giảm 0,2% trong tháng 7 và tháng 8, tương tự như tác động từng được ghi nhận trong đợt dịch bùng phát hồi đầu năm nay ở tỉnh Hà Bắc (Hebei) và Cát Lâm.
Tính trong cả năm 2021, tăng trưởng bán lẻ sẽ kém khá xa mục tiêu tăng 12% từng được đưa ra trước đó. “Tăng trưởng thu nhập của người dân đang chậm lại. Và khi người dân không thể mạnh tay chi tiêu do dịch bệnh, điều đó sẽ khiến tiêu dùng trong quãng thời gian còn lại của năm 2021 suy yếu”, Bruce Pang, trưởng bộ phận phân tích chiến lược và vĩ mô tại Công ty chứng khoán China Renaissance tại Hong Kong nhận định.
Giới phân tích dự báo hoạt động xuất khẩu sẽ chậm lại trong thời gian tới, trong khi thị trường bất động sản, đầu tư hạ tầng sẽ không duy trì cũng dần suy yếu. Mức độ lây lan trên toàn thế giới của biến thể Delta đe dọa tăng trưởng toàn cầu, làm suy yếu cầu nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ với xuất khẩu của Trung Quốc.
Số ca nhiễm tăng nhanh trong vài tuần gần đây hiện nổi lên là “bài sát hạch” khó khăn nhất đối với chiến lược diệt trừ tận gốc COVID-19 mà Trung Quốc áp dụng. Ít nhất 15 quan chức tại thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô – điểm khởi phát của đợt dịch lần này, đã bị kỉ luật vì không làm tròn nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Ông Ma Xiaowei, Giám đốc NHC, đã lên tiếng hối thúc chính quyền các địa phương coi chống dịch là việc làm có vai trò đặc biệt quan trọng, phải “vượt qua tình trạng tê liệt về tư duy” khi chống COVID-19.