Bừng sáng An Thành

Cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào người Xá Phó ở thôn An Thành, xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai) với sự cần cù, chăm chỉ đã vẽ lên 'bức tranh' tươi mới, đưa nơi đây trở thành điểm sáng trong cộng đồng người Xá Phó trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Rộn ràng niềm vui

“Vài ngày nữa ở thôn có ngày hội lớn. Năm nay, ngày hội được tổ chức ở một nơi đặc biệt khiến niềm vui nhân lên bội phần”, tiếng nói chứa chan niềm vui của anh Lù Văn Thắng, Trưởng thôn An Thành như gọi mời, khiến chúng tôi tạm gác lại những bận rộn cuối năm để về chốn rẻo cao thanh bình của thành phố.

6 giờ sáng, khi màn sương vẫn còn vấn vương giăng khắp lối, trời đông chưa rõ mặt người, đồng bào Xá Phó ở thôn An Thành đã rục rịch dậy đón ngày mới và chuẩn bị trang phục sẵn sàng cho ngày hội. Theo bước chân của bà con, giữa lưng chừng con dốc, chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà sàn bề thế, vững chãi, nổi bật nhất vùng. Đó là một hợp phần thuộc công trình bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống dân tộc Phù Lá (Xá Phó) vừa mới khánh thành và đưa vào sử dụng. Ngày hội được tổ chức tại đây.

Đón chúng tôi, Trưởng thôn Lù Văn Thắng niềm nở: Chẳng ai nghĩ có ngày ở rẻo cao này có một công trình to, đẹp đến vậy. Năm nay, thôn có 2 ngày hội, ngày khánh thành công trình và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công trình bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống dân tộc Phù Là (Xá Phó) là nơi tập luyện và biểu diễn của đội văn nghệ thôn An Thành.

Công trình bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống dân tộc Phù Là (Xá Phó) là nơi tập luyện và biểu diễn của đội văn nghệ thôn An Thành.

Công trình đặc biệt này là một trong nhiều nội dung được thực hiện theo Quyết định số 4483 ngày 18/10/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Phù Lá (Xá Phó), dân tộc Bố Y giai đoạn 2016 - 2025 theo Quyết định số 2086 của Thủ tướng Chính phủ. Trên diện tích 1.300 m2, công trình gồm 1 nhà bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống cùng nhiều hạng mục phụ trợ. Vậy là từ nay, người dân trong thôn có địa điểm sinh hoạt cộng đồng khang trang, sạch đẹp. Đây cũng sẽ là nơi trưng bày, lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào Xá Phó và là điểm tham quan lý tưởng trong phát triển du lịch cộng đồng. Với ý nghĩa đó, nên từ khi biết thông tin về việc triển khai thi công công trình, bà con trong thôn phấn khởi và chờ mong lắm. Ngày công trình khánh thành, không chỉ đồng bào Xá Phó ở An Thành, mà bà con các dân tộc khác trong thôn, cùng cộng đồng người Xá Phó ở nhiều nơi đã về đây chung vui, hân hoan trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Trước giờ ngày hội diễn ra, cùng chúng tôi từ tầng cao ngắm toàn cảnh xóm nhỏ, ông Mã Văn Quyết, người con của đồng bào Xá Phó chỉ tay về ngọn núi phía xa đang ẩn hiện trong sương mây, bảo: Đó là chốn xưa mà thế hệ người Xá Phó trước đây từng sinh sống!

Với ông Quyết, chốn xưa là câu chuyện mà ông được nghe từ những người già trong thôn kể lại. Rằng thuở ấy, người Xá Phó sống thành 2 chòm xóm nhỏ trên núi cao, gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, cuộc sống đa phần tự cung, tự cấp. Đường sá đi lại quá khó khăn, nên phố huyện càng trở nên xa cách. Cuộc sống tù mù trên núi cao khiến nghèo đói, hủ tục mãi quẩn quanh. Đến khoảng năm 1964, nghe theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, bà con Xá Phó bắt đầu “hạ sơn”, một phần đến định cư ở thôn Nậm Rịa, xã Hợp Thành ngày nay và một phần định cư ở thôn An Thành. Năm 1965, ông Mã Văn Quyết là thế hệ công dân đầu tiên được sinh ra trên mảnh đất mới.

Từ những buổi đầu sơ khai, ổn định cuộc sống ở chốn mới cho tới hôm nay đã có bao đổi thay đến với đồng bào. Từng là thôn với 100% đồng bào Xá Phó với cái tên An Mạ, sau khi “hạ sơn” đặt tên là An Thành, năm 2019, thôn An Thành sáp nhập với thôn Đông Thành, kể từ đó, thôn có 2 thành phần dân tộc Kinh và Xá Phó cùng sinh sống. Năm 2020, thôn vùng 3 này được điều chỉnh từ xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng về xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai.

Chuyện xưa ôn lại, vậy mà mới đấy thôi đã hơn nửa thế kỷ đi qua. Từng trải qua nhiều cương vị như trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, ông Quyết chứng biến bao đổi thay ở An Thành. Dù cuộc sống ở thôn vùng 3 còn nhiều khó khăn, nhưng những tín hiệu vui vài năm trở lại đây đã tiếp thêm niềm tin và động lực để An Thành tiếp tục phát triển.

Bên cạnh trồng lúa, ngô, đồng bào người Xá Phó nói riêng và người dân thôn An Thành nói chung còn đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi và thủy sản. Tranh thủ những lúc nông nhàn, nhiều người đi làm việc ở phố thị kiếm thêm thu nhập. Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn không xảy ra. 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường… Nhìn những ngôi nhà kiên cố, khang trang trong thôn và nụ cười trong ngày hội, tôi hiểu, cuộc sống của bà con Xá Phó đã bước sang trang mới.

Phụ nữ Xá Phó gìn giữ nét đẹp trang phục truyền thống.

Phụ nữ Xá Phó gìn giữ nét đẹp trang phục truyền thống.

Gìn giữ bản sắc

Trong tiếng nhạc như đánh thức núi rừng của ngày hội, chúng tôi thấy chị em người Xá Phó uyển chuyển trong từng điệu múa, khuôn mặt rạng rỡ và những bộ váy áo rực rỡ sắc màu. Được biết, để mang đến những tiết mục văn nghệ đặc sắc ấy, các thành viên của đội văn nghệ cộng đồng người Xá Phó đã chuẩn bị và dành nhiều thời gian tập luyện. Ban ngày, các chị bận rộn với việc ruộng nương, chăm sóc gia đình, buổi tối, dưới ánh điện, họ lại tập từng điệu múa sao cho đều, cho đẹp. Chị Ngô Thị Liên, Đội trưởng Đội văn nghệ cộng đồng người Xá Phó cho hay: Nhiều năm qua, đội văn nghệ vẫn duy trì hoạt động thường xuyên và tham gia biểu diễn ở nhiều sân khấu. Những bài hát ru, những điệu múa truyền thống vẫn được gìn giữ tới tận bây giờ. Điều đó thể hiện tình yêu, niềm tự hào và sự cố gắng của mỗi người con Xá Phó trong gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Cuộc sống hôm nay có những đổi thay khiến nhiều bản sắc của một số cộng đồng dân tộc đứng trước nguy cơ mai một, trong đó có người Xá Phó. Nhận thức được điều đó, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, người Xá Phó ở An Thành động viên nhau đoàn kết, gìn giữ bản sắc trong từng nếp nhà, qua từng thế hệ. Đó là việc người lớn trong gia đình dạy trẻ nhỏ ngôn ngữ của người Xá Phó. Đó còn là hình ảnh các chị, các mẹ trong những buổi nông nhàn lại cặm cụi làm nên những bộ trang phục truyền thống. Theo dòng chảy của thời gian, phụ nữ Xá Phó với đôi tay khéo léo, tỉ mỉ cùng nhau trao truyền nghề truyền thống và gửi gắm trong đó bao tâm tư. Cũng bởi lẽ đó mà dường như mỗi một họa tiết là biểu trưng cho một khát vọng, mỗi đường chỉ thêu như sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi công trình bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống dân tộc Phù Lá (Xá Phó) được hoàn thành và trở thành nơi lưu giữ những sắc màu, cộng đồng người Xá Phó lại càng thêm ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc.

Thanh âm của ngày hội như gọi nắng về sau bao ngày âm u, mưa rét chốn rẻo cao. Khi mặt trời dần đứng bóng, chúng tôi nói lời chia tay với vùng cao An Thành. Nhìn lại phía sau, nắng như dát vàng lên những ngọn núi phía xa, trên từng nóc nhà và ủ hồng đôi má thiếu nữ trong ngày vui hội. Mang bao câu chuyện từ nơi đây xuôi đường về phố thị cùng vũ điệu “Được mùa” khiến lòng khấp khởi niềm vui về một An Thành đang bừng sáng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352362-bung-sang-an-thanh