Bước chân không mỏi vì sức khỏe và bình yên buôn làng

Bao mùa mưa nắng đi qua, ngày nối ngày, nhiều thầy thuốc trẻ nơi biên giới, chốn non sâu ở Tây Nguyên vẫn tự nhủ với lòng mình phải làm cho được cuộc 'cách mạng' sức khỏe, 'đuổi' bệnh cho đồng bào thật hiệu quả.

Hạnh phúc với nghề Y đã chọn

Chiều cuối năm, đường về huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) xa hun hút theo từng cung đèo. Những ngôi làng hiện ra dưới làn sương mù giữa những khoảnh rừng xanh thẫm.

Vừa đi vận động các buôn làng từ bỏ thói quen mang ẩn họa bệnh tật, về đến Trạm Y tế xã Đắk Xú (huyện Ngọc Hồi), y sĩ đa khoa Nguyễn Thị Phin - Phó Trưởng trạm Y tế lại tất bật khám bệnh cho dân.

Y sĩ đa khoa Nguyễn Thị Phin khám bệnh cho người dân nơi biên giới.

Y sĩ đa khoa Nguyễn Thị Phin khám bệnh cho người dân nơi biên giới.

Ở chốn non sâu, đôi chân thầy thuốc dường như được tập rèn hàng ngày. Họ xem việc chinh phục gian khó vì người khác là bài học trường kỳ. Phút giải lao hiếm hoi, y sĩ Phin tâm tình: Chỉ có lòng kiên trì bám trụ thì mới có thể xoay chuyển nhận thức của bà con nơi đây. Nói về khó khăn của nhiều năm trước trên vùng đất này thì kể mãi không hết. Khi đó, nhận thức người dân còn hạn chế nên mỗi một người ngộ độc thực phẩm hay bệnh tật nặng cũng khiến lòng thầy thuốc buồn vô hạn.

"Dù chỉ là trạm y tế nhưng có tháng khám bệnh cho khoảng 500 người. Ở xã này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày Tết không ít ca bị ngộ độc, khi đến trạm y tế thì nằm bẹp vì đã trong tình trạng nặng. Có ca tai nạn thì rách toạc cả một vùng da thịt rộng lớn. Khi ấy mỗi nhân viên y tế đều căng mình làm việc vì chỉ sợ người bệnh đau hơn, nặng hơn. Có trường hợp chưa tỉnh cơn say còn chửi té tát vào nhân viên y tế, nhưng khi nhận lại được sự động viên, chăm sóc tận tình thì thay đổi ngay" - Y sĩ Nguyễn Thị Phin bộc bạch.

Bước chân giữa rộn rã tiếng cười đùa của trẻ thơ, nhiều người dân tộc thiểu số ở Đắk Xú bảo rằng, có tận mắt nhìn thấy thầy thuốc nơi biên giới này nâng niu từng bàn chân bị tai nạn để rửa ráy, khâu vá tỉ mỉ từng nốt chỉ cho vết thương; hay những ngày nắng cháy, đêm mưa mù, họ lao đến chăm sóc, cứu chữa người dân, mới thấy lòng nhân ái của người mặc áo blouse đáng quý biết bao.

Không giấu được nụ cười hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt đen thẳm, anh A Khiên (người Xê Đăng ở Đắk Xú) tràn ngập niềm tin, rồi đây sức khỏe buôn làng sẽ được nâng cao hơn. Những lời khuyên nhủ thấm tình của cán bộ, thầy thuốc đã giúp bà con xóa đi các thói quen lạc hậu mỗi khi ốm đau, mắc bệnh.

Sau bao ngày bước chân không mỏi, hạnh phúc với những người thầy thuốc như Nguyễn Thị Phin là thấy những đổi thay nơi biên giới mình đã bám trụ. Những người ở buôn làng khi ốm đau tự động tìm đến trạm y tế. Người dân không còn xa lạ với việc đưa trẻ nhỏ đi tiêm vaccine phòng các loại dịch bệnh.

Bám trụ nơi gian khó nhất để chăm sóc sức khỏe người dân, với cử nhân hộ sinh Rơ Mah Choi cũng là niềm hạnh phúc.

Bám trụ nơi gian khó nhất để chăm sóc sức khỏe người dân, với cử nhân hộ sinh Rơ Mah Choi cũng là niềm hạnh phúc.

Vững tin bám trụ nơi gian khó

Cũng là thầy thuốc trẻ, cử nhân hộ sinh Rơ Mah Choi (33 tuổi, Trung tâm Y tế Đức Cơ, Gia Lai) từ tấm bé đã mang khát vọng cháy bỏng được khoác áo blouse ở nơi gian khó nhất.

Ngược về tuổi thơ, Choi trải lòng: "Khi tôi 6 tuổi, cha tôi vĩnh viễn ra đi vì bạo bệnh sau cơn đột quỵ. Cùng năm ấy, mẹ tôi thương chồng khóc cạn nước mắt, lại mắc bệnh nặng nên cũng trút hơi thở cuối cùng. Chỉ còn lại chị em trong căn nhà bốn mùa gió thổi thốc thác tứ bề. Phải bất lực nhìn cha mẹ mất, hay hình ảnh những đứa trẻ chết non, những bà mẹ tuổi 18, đôi mươi trong các buôn làng bị băng huyết khi sinh đẻ tại nhà... cứ thôi thúc tôi ấp ủ ước mơ thành thầy thuốc của mọi nhà".

Vượt lên mọi nghiệt ngã của số phận, tốt nghiệp cử nhân hộ sinh Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Choi xung phong về miền biên viễn đầy nắng gió và bụi đỏ Đức Cơ. Từ đó, triền miên qua tháng ngày, cứ hết tua làm việc ở cơ quan, Choi lại lao về các buôn làng tuyên truyền cho người dân sinh đẻ có kế hoạch, an toàn, tránh thai đúng cách, không tự sinh ở nhà và không cắt dây rốn bằng cật nứa, đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch ngày từ khi mới sinh...

"Hãy đi đi. Đến viện sinh đẻ à, thứ thuốc tiêm vào người hay nuốt vào bụng đứa con có chui ra ngay lập tức được không? Có khỏe mạnh ngay được không?..." - những lời chát chúa cứ dội vào tai Choi trong những ngày đầu vận động phụ nữ các buôn làng hãy đến cơ sở y tế sinh đẻ, nhưng cô vẫn quyết không nản lòng.

Bí quyết của hộ sinh Choi để hóa giải những phản ứng của bà con là cứ chân tình, đi từ dễ hiểu đến thuyết phục. Có ngày chạy đi chạy lại nhiều nơi đến tứa máu bàn chân, mồ hôi chảy ròng ròng, ướt sũng cả chiếc áo đang mặc, Choi vẫn không nản chí. Cô thấy hạnh phúc khi được mọi người lắng nghe, thấu hiểu. Choi lấy những ví dụ đơn giản và gần gũi để thuyết phục bà con như: Cha Choi không đến viện kịp nên Choi phải mồ côi sớm. Những phụ nữ trong cộng đồng các buôn xa, buôn gần vì sự cố không đến cơ sở y tế để thăm khám khi mang thai, để sinh đẻ nên dễ gặp nguy kịch khi vượt cạn... Có lần giữa đêm xuân, vận động người dân cách tránh ngộ độc mệt quá, Choi chỉ vào ngực mình quả quyết "Trái tim tôi ở đây, nếu không làm cho sức khỏe bà con tốt lên, hãy đánh đuổi tôi".

Các buôn làng xa xôi ở Đức Cơ đã từ bỏ các thói quen lạc hậu, vững tin vào y học, thầy thuốc.

Các buôn làng xa xôi ở Đức Cơ đã từ bỏ các thói quen lạc hậu, vững tin vào y học, thầy thuốc.

Từ đó, nghe lời Choi, các sản phụ xã này nối xã nọ, cứ mang thai là đến trạm y tế để khám, khi trở dạ là đến gặp cán bộ y tế để được giúp đỡ, sinh đẻ an toàn. Người dân thực hiện ăn chín, uống sôi, nên các ca ngộ độc cũng giảm dần. Mọi người ngày càng tin tưởng vào cán bộ y tế Choi hơn. Nhiều cư dân xã Ia Dơk thán phục Choi thổ lộ rằng, khắp các xã Ia Pnôn; Ia Nan; Ia Din, Ia Kla... đều truyền tai nhau thông điệp của Choi là "Có bệnh hay sinh đẻ, hãy đến cơ sở y tế". Cán bộ Choi vẫn thường khuyên thế mà.

Một mùa xuân nữa lại đang về trên miền biên giới của tỉnh Kon Tum và các tỉnh Tây Nguyên. Xuân về mang theo hơi ấm tỏa xuống buôn làng, hy vọng một năm mới no ấm, khỏe mạnh hơn. Các cán bộ y tế vẫn đang tỏa xuống từng buôn làng để hướng dẫn đồng bào cách chăm sóc sức khỏe. Những bước chân của họ ngày càng in đậm hơn sự tận tình giúp cộng đồng bảo vệ sức khỏe và làm đẹp hơn cho bức tranh xuân ở Tây Nguyên.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/buoc-chan-khong-moi-vi-suc-khoe-va-binh-yen-buon-lang-169230116154350029.htm