Phòng ngừa bệnh dại là rất quan trọng
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn hoặc sự tiếp xúc với nước bọt của động vật mắc bệnh. Các triệu chứng của bệnh dại rất trầm trọng và khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Vì thế, việc chủ động phòng bệnh dại cho bản thân và gia đình là điều cần thiết. Chúng ta cần phòng ngừa ngay trên cả người và vật nuôi.
Ảnh: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế
Phòng ngừa bệnh dại, định kỳ nên tiêm phòng bệnh dại cho thú nuôi như chó, mèo… Kiểm soát hoạt động sống của thú nuôi để đảm bảo chúng không tiếp xúc với các động vật nhiễm bệnh khác. Ngoài ra, việc quan sát chúng giúp chúng ta sớm phát hiện được các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh dại. Nếu phát hiện các động vật đi lạc ở khu vực sinh sống, mọi người hãy thông báo cho cơ quan thú y, vì những con vật này có thể đã nhiễm bệnh hoặc chưa được tiêm phòng.
Bên cạnh đó, mọi người hãy nắm vững một số nội dung sau: tìm hiểu và ghi nhớ các triệu chứng của bệnh dại ở chó hoặc các động vật khác, điển hình như cắn, sủa người dữ dội, sủa từng hồi dài, dữ tợn, điên cuồng; chảy nước dãi hoặc sùi bọt mép; co giật, không ăn uống được, đi lang thang, cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công chó khác, kể cả người… Đồng thời, người lớn luôn giám sát trẻ em khi chúng lại gần động vật; dạy trẻ về những hành vi nguy hiểm của động vật và thông báo khi bị động vật cắn; tránh chạm hoặc cho ăn đối với động vật lạ, đi lạc hoặc hoang dã; báo cáo với cơ quan y tế hoặc cơ quan thú y khi có một con vật xuất hiện những hành động kỳ lạ. Ngoài ra, chúng ta phải làm sạch vết thương và nhanh chóng đến cơ sở y tế nếu nghi ngờ rằng mình đã tiếp xúc với động vật mắc bệnh dại; tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại nếu có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi rút dại, người làm nghề giết mổ chó, người đi đến các khu vực lưu hành bệnh dại.
Song song đó, khi bị cắn, tiếp xúc với con vật nghi ngờ mắc bệnh dại, chúng ta phải rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch; để vết thương dưới vòi nước chảy trong vòng 15 phút; sau đó sát khuẩn bằng cồn 45 - 70° hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Chúng ta cũng có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn; không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, không nặn máu, tránh khâu kín vết thương; thực hiện tiêm phòng nên được bắt đầu càng sớm càng tốt, thực hiện tiêm đúng lịch và đủ mũi; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam hoặc bằng các biện pháp dân gian; nhốt, cách ly, theo dõi những con vật nghi ngờ mắc bệnh dại.
Tóm lại, việc phòng ngừa bệnh dại là rất quan trọng; vì không chỉ khi mắc bệnh và ngay cả việc tiêm phòng vắc xin dại cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe của con người. Vì thế, mọi người hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, quan trọng nhất là cho thú nuôi đi tiêm phòng dại.
Cử nhân Nguyễn Hoàng Sang
Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng)