Bước chân mùa xuân trên khắp Việt Nam
Khi những tia nắng ấm áp của mùa xuân bắt đầu chiếu rọi qua những đám mây màu xám bạc còn sót lại của đông chí, khắp phố phường ở mọi tỉnh, thành tại Việt Nam lại bừng lên sức sống của một năm mới. Dù có những khác biệt về không khí đón Tết Nguyên đán ở làng quê và thành phố nhưng tựu trung lại, Tết cổ truyền vẫn là thời gian sum họp gia đình, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên.
Sôi động không khí Tết phố, Tết phường
Vài năm trở lại đây, người dân ở lại ăn Tết Nguyên đán tại thành phố ngày một nhiều hơn. Không khí đón Tết ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Huế... vô cùng vui vẻ, nhộn nhịp. Theo thường lệ, người ở thành phố thường là công nhân viên chức, được nghỉ từ khoảng 26, 27 (âm lịch). Sau khi được nghỉ Tết, người người, nhà nhà sẽ nô nức đi sắm sửa chuẩn bị đón năm mới.
Do phần lớn người thành thị đều sống trong chung cư hoặc nhà mặt đất có diện tích vừa phải, nên phong tục đun củi, nấu bánh chưng thường ít khi được diễn ra. Đa phần mọi người sẽ đặt bánh chưng, mua món ăn vặt ngày Tết theo sở thích cá nhân. Có những người thích món ăn truyền thống vẫn chọn loại bánh mứt cổ truyền như mứt bí, mứt dừa, mứt quất, hạt hướng dương, hạt bí,... để nhâm nhi ngày Tết. Tuy nhiên, có những người sẽ lại lựa chọn món ăn độc đáo, mới mẻ hơn.
Hiện nay, thị trường bánh, mứt lành mạnh, ít ngọt đang được ưa chuộng. Nhiều gia đình trẻ sẽ đặt loại bánh trái này để đảm bảo mùa Tết không tăng cân, giữ vóc dáng thon thả. Ngay cả đồ trang trí trong nhà cũng được gia đình trang trí theo xu hướng “tối giản”. Với không gian hẹp, diện tích sống vừa phải, người thành phố chỉ mua một cành đào xinh xắn, vừa phải, gọn gàng phù hợp với phòng khách gia đình.
Nguyễn Trần Hà Ly (26 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cho biết, gia đình cô mỗi năm chỉ mua một cành đào bích đủ cắm trong chiếc bình nhỏ của gia đình, cùng một chậu quất bé và đôi ba nhánh lan điểm xuyết không khí Tết. Cô chia sẻ: “Bố mẹ tôi là công nhân viên chức nhà nước về hưu, sau khi nghỉ, các cụ không có nhiều thời gian vận động. Vì vậy, Tết Nguyên đán đến, đồ ăn trong nhà được mua sắm thật gọn nhẹ, lành mạnh để đảm bảo các chỉ số đường huyết, mỡ máu cho bố mẹ tôi”.
Một điểm đặc biệt của những ngày cận Tết ở thành phố, có thể thấy mỗi gia đình đều có một dự định riêng. Có những nhà vẫn tất bật chuẩn bị cho một cái Tết sum vầy, ấm no, đoàn viên. Ngược lại, có nhiều gia đình đã thu dọn hành lý chuẩn bị cho một chuyến du lịch nước ngoài hoặc các tuyến nội địa hấp dẫn.
Lê Phương Quỳnh (25 tuổi, sinh sống ở quận 1, TP HCM) cho biết, năm nay, cả gia đình cô sẽ đón Tết Nguyên đán bằng một tour đi du lịch nước ngoài 6 ngày, 5 đêm. Cô chia sẻ: “Mặc dù xác định du lịch nước ngoài xuyên Tết, nhưng gia đình tôi vẫn háo hức không khí Tết. Chúng tôi mang theo một chiếc bánh tét, ít mứt kẹo để xen kẽ hương vị truyền thống Việt Nam với sở thích cá nhân của gia đình. Hy vọng Tết năm nay sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ với gia đình tôi”.
Tết ở thành phố không chỉ có “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mà còn có không khí sôi động, nhộn nhịp với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí. Những hoạt động này là các hội chợ, chương trình văn hóa, nghệ thuật thu hút nhiều người đến tham dự. Nguyễn Thị Lan Anh (24 tuổi, sinh sống ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, sau khi ông bà nội, ngoại mất, gia đình cô ăn Tết cổ truyền tại Hà Nội. Đối với Lan Anh, Tết ở Hà Nội có một dư vị rất độc đáo, vui vẻ, náo nhiệt, nhiều hoạt động hấp dẫn nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.
Lan Anh chia sẻ, sau ngày rằm cuối cùng của tháng chạp (tháng 12 Âm lịch), gia đình cô bắt đầu chuyến tảo mộ ông bà, tổ tiên vào khoảng ngày 22, 23 tháng chạp. Đến 24, 25 tháng chạp gia đình cùng nhau đi các chợ hoa Tết ở Hà Nội, như chợ hoa đường Lạc Long Quân, chợ hoa Quảng Bá, chợ hoa trên đường Hoàng Hoa Thám. Sau khi sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa, cô cùng bạn bè đến những điểm “check in” như phố Phùng Hưng, hồ Tây, phố cổ để chụp ảnh, thăm thú khung cảnh đường phố ngày giáp Tết.
Lan Anh cho biết: “Hơn mười năm ăn Tết ở Hà Nội, giáp Tết là dịp tôi thấy đông đúc, nhộn nhịp nhất. Nơi nào cũng chăng cờ đỏ, đèn hoa, tươi rói. Người người tấp nập chuẩn bị cái Tết Nguyên đán no ấm. Chỉ đến đêm 30, dòng người ở Hà Nội mới vãn bớt và tập trung về các điểm bắn pháo hoa sau khi xem Táo quân”.
Làng quê ấm áp cái Tết Nguyên đán nghĩa tình
Tết Nguyên đán gắn liền với truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Đó là khoảng thời gian sum vầy gia đình. Để những đứa con xa quê trở về trong vòng tay ấm áp của cha mẹ. Để người họ hàng, làng xóm cùng nhau sẻ chia nồi bánh chưng, chút hoa quả ngày Tết ngọt bùi.
Tết ở làng quê Việt Nam vẫn còn giữ hương vị rất riêng. Anh Nguyễn Văn Anh (45 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, Tết ở làng quê được chuẩn bị từ rất sớm. Sau ngày 15 tháng chạp, bà con đã bắt đầu giảm dần khối lượng công việc đồng áng, trồng trọt để sắm sửa đồ đạc đón Tết cổ truyền. Anh kể: “Từ tháng 12 Dương lịch, các cụ ông, cụ bà trong nhà đã gọi điện cho con cháu đi làm trên thành phố, đi làm xa nhà “rủ rê” về quê ăn Tết. Năm nào có đầy đủ con cháu, các cụ rất vui, từ đầu tháng chạp (tháng 12 Âm lịch) đã tất bật chuẩn bị đồ đón Tết Nguyên đán”.
Theo lời anh Văn Anh, Tết ở vùng quê, đồ Tết thường là “cây nhà, lá vườn”. Mỗi hộ gia đình đều nuôi gia súc, gia cầm. Rau củ được gieo hạt, ươm mầm từ mùa thu - đông, đợi đến Tết Nguyên đán sẽ có luống rau xanh tươi, thơm ngon để làm mâm cơm Tết. Nhiều nhà khéo tay, có nghề còn tự trồng những cây đào, cây quất, không mất tiền ra ngoài mua.
Mặc dù đồ đạc trong nhà sẵn có, nhưng Tết đối với những người dân ở vùng nông thôn lại có vị trí rất quan trọng. Đây là tháng khởi đầu, mang đến hy vọng vào một năm mưa thuận, gió hòa, con cháu làm ăn trên thành phố thuận lợi, người làm nông dưới quê có một năm bội thu, không mất mùa. Vì vậy, họ chuẩn bị rất kỹ càng mọi thứ.
Ngoài ra, Tết cổ truyền ở các làng quê còn gắn liền với những phiên chợ Tết. Theo truyền thống ở một số tỉnh, thành phố sẽ có những ngày họp chợ (tính theo lịch âm). Đây là thời điểm chợ có nhiều mặt hàng tươi ngon do các gia đình, người buôn từ nhiều nơi mang đến. Nhưng phiên chợ Tết là phiên chợ lớn nhất, nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Trần Ánh Dương (28 tuổi, Thanh Liêm, Hà Nam) cho biết, chợ Tết ngoài bán rau củ, quả, hoa đào, mai, còn thêm nhiều món độc đáo như bánh kẹo, mứt dừa, mứt bí, mứt táo, chè lam,... do những người bán hàng tự tay làm.
Cô chia sẻ: “Phiên chợ Tết ở làng quê của tôi diễn ra vào khoảng ngày 25 - 26 Tết (tính theo Âm lịch). Gia đình tôi đến chợ mua lá dong, dây lạt về để gói bánh chưng. Ngoài ra, các hàng bánh kẹo là điểm đến ưa thích của tôi. Tôi thích nhất hàng chè lam, một khuôn chè được người làm tự chế biến với màu sắc, mùi vị khác nhau. Ăn bao nhiêu, họ sẽ trực tiếp cắt bấy nhiêu, đôi lúc tôi còn xin phép chủ quán tự cắt. Ngoài ra, chợ phiên Tết bán rất nhiều chó, mèo. Một số gia đình quan niệm, nhận nuôi một chú chó, chú mèo vào dịp cuối năm sẽ đem lại một năm mới nhộn nhịp, vui vẻ”.
Ngoài sự đặc sắc của chợ phiên Tết, khung cảnh ấm áp tình bà con làng xóm ở thôn quê là một nét đẹp không bao giờ xóa nhòa. Khác với cuộc sống bận bịu, xã giao giữa người với người ở thành phố. Tại làng quê các hộ gia đình quen nhau từ hàng chục năm nay. Có người còn làm bạn với nhau từ thuở còn quấn tã. Vì vậy, mối gắn kết làng xóm rất khăng khít. Tết đến, Xuân về, có nhiều làng, xóm tổ chức góp gạo, góp thịt, góp sức nấu nồi bánh chưng cùng nhau đón Tết. Ngoài ra, việc giết gà, mổ lợn lấy thịt được làm chung. Ví thử, nhà nào neo người, lại thịt một con lợn quá to thì sẽ bán giá “ưu đãi” cho hàng xóm. Có nhà chăm gà tốt, béo mẫm, thịt căng sẽ được người láng giềng đặt mua từ sớm. Cứ như vậy, Tết đâu phải của riêng ai nữa, hóa không khí tưng bừng, sôi nổi cả thôn, cả xóm.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/buoc-chan-mua-xuan-tren-khap-viet-nam-post537439.html