Làng nghề chế tác trầm hương ngày Tết
Dịp này, những con đường dẫn vào xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), nơi được gọi là 'thủ phủ' của trầm hương nhộn nhịp những chuyến hàng ngược xuôi.
Huyện miền núi Hương Khê của Hà Tĩnh không chỉ nổi tiếng với đệ nhất danh quả - bưởi Phúc Trạch, mà còn là nơi hội tụ tinh hoa đất trời - cây dó trầm. Nhiều người nói rằng, trầm hương được kết tinh từ cây dó trầm ở Phúc Trạch là tinh hoa của đất trời mở lòng ban tặng cho mảnh đất này.
Cụ Đinh Công Ánh (97 tuổi, trú thôn 1, xã Phúc Trạch) được xem là “cây đa, cây đề” trong nghề chế tác trầm hương ở mảnh đất này, cụ đã chứng kiến bao thăng trầm của làng nghề đi lên từ nghèo khó. Cụ Ánh nhớ lại, những năm 1980, xã còn nghèo, ruộng đồng khô cằn vì thiếu nước, bưởi Phúc Trạch lúc này đang trở thành quả đặc sản nổi tiếng, song không phải nhà nào cũng trồng được. Xen kẽ sau những ngôi nhà tranh lợp từ cọ là dãy cây dó bầu hàng trăm tuổi sừng sững vươn lên tốt tươi, tỏa bóng mát che chở cho bao thế hệ.
Từ những gốc dó bầu vốn chỉ làm củi, chặt bỏ để làm nhà, khi thấy những người thợ ở Huế bắt đầu về khu vực này để săn lùng, tìm mua dó bầu với giá khá cao, lúc này, cụ Ánh mới nghĩ đến giá trị của nó. Thay vì chặt cây dó bầu để bán như người làng, cụ Ánh học cách lấy trầm ra sao, cây dó nào sẽ có trầm, bán hàng ở đâu. Từ ý nghĩ đó, hai vợ chồng cụ bắt đầu mang rựa vào rừng săn tìm dó trầm.
Với chiếc đục và chiếc gạn trên tay, cụ Ánh tìm trầm rồi tạo nên những sản phẩm riêng. Mỗi ngày trôi qua, danh tiếng xưởng trầm hương Đinh Công Ánh dần vang xa. Khi có kinh nghiệm, cụ Ánh bắt đầu thuê người trong xóm đến làm công, đẽo trầm, còn bản thân lại tiếp tục đi săn trầm. Thậm chí tìm đến nhà dân từng xẻ trầm làm cột nhà để đặt mua. Những sản phẩm trầm khi hoàn thành, cụ gói gém cẩn thận, đưa vào Nam, ra Bắc để bán. Có những khối trầm đặc, đạt chất lượng, cụ mang đi bán đổi lấy cả cây vàng về quê.
Đôi bàn tay nhăn nheo, vuốt ve những gốc dó bầu trước hiên nhà, cụ Ánh nói, những gốc này để có trầm phải trên 10 năm tuổi. Nếu như trước đây, trầm thuận theo tự nhiên, thì nay nhiều người tạo trầm bằng việc đục lỗ trên thân cây.“Giờ người dân đục lỗ tạo trầm trên cây, nhưng cũng cần phải có kỹ năng. Bởi không ít người làm không đúng kỹ thuật khiến cây bị chết. Trồng dó bầu dễ, nhưng để có trầm, làm ra được sản phẩm trầm rất khó” - cụ Ánh chia sẻ.
Để trầm đạt chất lượng, tạo ra mùi hương thơm ngọt, cụ Ánh cho biết, điều quan trọng vẫn là cách đục, gạn để lấy trầm. Để làm được việc này, người lấy trầm phải có kinh nghiệm, ngoài ra cần có đôi mắt tinh anh, bàn tay khéo léo gạn gỗ chọn lõi trầm.
Nhận thấy hiệu quả từ xưởng trầm hương Đinh Công Ánh, người dân Phúc Trạch cũng bắt đầu trồng dó bầu, cho đến nay, tấc đất vùng này được xem như tấc vàng. Những khoảng đất bỏ hoang nay phủ xanh bạt ngàn bởi cây dó bầu.
Những ngày cuối năm Giáp Thìn, trên các con đường ở Phúc Trạch, người dân nhộn nhịp đưa hương trầm, bột hương ra để phơi khô. Từ trong những ngôi nhà lọt thỏm giữa rừng dó bầu văng vẳng tiếng đục đẽo làm trầm, máy tiện làm vòng, đồ mỹ nghệ.
Như thường lệ, từ ngày 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán là cao điểm sản xuất các sản phẩm trầm hương ở xã Phúc Trạch. Bà Võ Thị Nga - chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trầm hương Thọ Nga (xã Phúc Trạch) cho biết, trước đây gia đình chỉ chuyên trồng cây dó bầu nhưng 10 năm nay bắt đầu chuyển sang chế tác các sản phẩm từ trầm. Nhận thấy nhu cầu về nhang trầm hương ngày càng cao, bà Nga đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại và quy trình sản xuất khép kín để nâng cao chất lượng cũng như sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Để phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết, hiện cơ sở của gia đình bà Nga có 8 công nhân, sản xuất đủ các chủng loại mặt hàng về trầm và xuất đi nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Với hơn 10ha đất, gia đình bà Nga trồng gần 20 nghìn cây dó trầm. Doanh thu từ khai thác và kinh doanh các mặt hàng trầm hằng năm của gia đình đạt khoảng 2 tỷ đồng. “Dịp này, ngoài sản xuất hương trầm cơ sở còn chế tác nhiều mặt hàng đa dạng như trầm nụ, vòng trầm, tinh dầu trầm, trầm miếng, sản phẩm mỹ nghệ… Những sản phẩm hương trầm đều được làm từ 100% bột gỗ trầm hương tự nhiên, an toàn cho sức khỏe nên được nhiều người tin dùng” - bà Nga cho hay.
Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, hiện nay, xã đã thành lập làng nghề chế tác trầm hương với 50 hộ dân tham gia và đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận làng chế tác trầm hương xã Phúc Trạch. Để phát triển thương hiệu trầm hương Phúc Trạch, thời gian qua huyện Hương Khê đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ đưa một số sản phẩm tham gia chương trình OCOP và được người tiêu dùng biết đến. Đặc biệt, trong dịp Tết này các cơ sở, hộ dân kinh doanh trầm tất bật làm ngày đến đêm để phục vụ nhu cầu thị trường.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lang-nghe-che-tac-tram-huong-ngay-tet-10298412.html