Bước chuyển lịch sử và những cái nhìn phiến diện
Từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức được triển khai tại Việt Nam. Nhân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, đã và đang chứng kiến một chính quyền gần gũi hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, đặc biệt là cấp xã.

Khu nhà ký túc xá của Hội Nông dân tỉnh còn khá mới, đáp ứng một phần nhu cầu chỗ ở của các cán bộ, công chức khi chuyển từ tỉnh Bắc Kạn (cũ) về Thái Nguyên công tác.
Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV được 100% đại biểu tán thành, thông qua vào cuối tháng 6-2025 đã khẳng định rõ ý chí và nguyện vọng của cử tri cả nước. Nghị quyết ghi nhận và đánh giá cao vai trò lịch sử của cấp ủy, chính quyền các đơn vị hành chính cấp huyện trong việc hoàn thành sứ mệnh trong suốt 80 năm qua. Đây là nền tảng vững chắc để đất nước chuyển sang mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Quá trình chuyển đổi mô hình này không hề đơn giản. Cùng với việc sửa đổi Hiến pháp, các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước đã phải làm việc hết sức khẩn trương, hoàn thành khối lượng công việc lớn để phân định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền và cơ cấu tổ chức của từng cấp chính quyền. Mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị từ con người đến cơ sở vật chất, nhưng trong những ngày đầu triển khai mô hình mới, không tránh khỏi những gập gợi. Việc di chuyển của một bộ phận cán bộ về trung tâm hành chính mới khiến họ gặp không ít khó khăn về nơi ăn chốn ở.
Những khó khăn này, dù chỉ là tạm thời, cũng đã bị các thế lực thù địch và các nhóm cơ hội chính trị lợi dụng để xuyên tạc, bôi nhọ cuộc cải cách. Trên một số trang mạng xã hội, có những ý kiến trái chiều và cái nhìn phiến diện về mô hình này cũng bắt đầu xuất hiện, gây không ít băn khoăn trong dư luận.
Một số đối tượng cho rằng, việc sáp nhập là do “ý chí chủ quan” của cá nhân lãnh đạo, nhằm “ghi điểm” hay “triệt hạ đối thủ”. Họ còn khẳng định rằng, việc tinh giản biên chế chỉ là một chiêu trò “để phục vụ lợi ích nhóm”. Trên mạng xã hội, nhiều luận điệu tiêu cực được phát tán, như việc sáp nhập sẽ khiến “dân khổ hơn, xa chính quyền hơn” hay “hệ thống quản lý hà khắc hơn”.
Đặc biệt, một số nhóm phản động đã lợi dụng tâm lý hoài cổ, nỗi tiếc nuối với tên gọi làng xã, để kích động dư luận. Họ xuyên tạc việc sáp nhập thành “xóa sổ làng quê”, “xóa bỏ truyền thống tổ tiên” hay “đánh mất bản sắc dân tộc”.
Những video, hình ảnh cắt ghép, như cảnh cổng làng bị tháo dỡ hay tên làng biến mất, đã được tung ra để gây hoang mang. Những thông tin này, dưới vỏ bọc "học thuật", được đăng tải trên các trang mạng và blog giả mạo, nhằm mục đích tạo sự bất mãn và kích động hành động phản kháng.
Cùng với các trang mạng phản động như Việt Tân, Chân Trời Mới Media, VOA Tiếng Việt và RFA, những đối tượng này không chỉ xuyên tạc sự thật mà còn lợi dụng việc thiếu thông tin chính thống để vu cáo Đảng, Nhà nước. Họ cho rằng chính quyền không lấy ý kiến nhân dân, không thực hiện trưng cầu dân ý, từ đó khơi gợi sự bất mãn và thổi phồng sự phản đối của dư luận.
Thực tế tại tỉnh Thái Nguyên mới đã bác bỏ những quan điểm, thông tin nói trên. Thái Nguyên và Bắc Kạn từ lâu là hai địa phương gắn bó chặt chẽ về địa lý, lịch sử và văn hóa. Trong lịch sử, Bắc Kạn từng thuộc tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn trước 1900) và sau đó từng cùng Thái Nguyên hình thành tỉnh Bắc Thái (1965-1997). Vì vậy, cuộc tái thống nhất hai tỉnh là bước đi tất yếu, như trở lại ngôi nhà xưa thân thuộc, không gây ra những xáo trộn về văn hóa hay tổ chức bộ máy.
Sự gắn bó giữa Thái Nguyên và Bắc Kạn không chỉ đến từ địa lý liền kề, mà còn từ mối quan hệ lịch sử, tình cảm cách mạng và kết nối cộng đồng lâu đời. Hơn thế, còn có sự tương đồng sâu sắc về văn hóa. Cả hai tỉnh đều thuộc Vùng văn hóa Việt Bắc - cái nôi của cách mạng và là vùng đất giàu bản sắc dân tộc, nơi cư trú lâu đời của các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Mông... với nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.
Những nét văn hóa chung như lễ hội Lồng Tồng, hát Then, đàn Tính, nghi lễ nông nghiệp hay phong tục sinh hoạt cộng đồng đã tạo nên một nền tảng văn hóa hòa quyện, gần gũi giữa hai tỉnh. Đây chính là yếu tố thuận lợi để việc sáp nhập hành chính không gây ra rào cản văn hóa, mà ngược lại còn góp phần lan tỏa, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa Việt Bắc trong giai đoạn mới.
Từ những ngày đầu của cách mạng giải phóng dân tộc, nhân dân hai tỉnh đã cùng chia ngọt sẻ bùi, chung một chiến hào trong cuộc kháng chiến chống Pháp. ATK Định Hóa và ATK Chợ Đồn không chỉ là những địa danh lịch sử, mà còn là chứng tích của một mối liên hệ bền vững, máu thịt giữa hai vùng đất. Đây là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một tỉnh Thái Nguyên mới phát triển hài hòa, bền vững, lấy nhân dân làm trung tâm và sự đoàn kết làm động lực chủ đạo.
Trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến đề án sáp nhập, tỷ lệ người dân đồng thuận tại cả hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn đều đạt mức rất cao (trên 99%). Điều đó cho thấy đây là quyết sách hợp lòng dân, hợp thời đại. Niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân chính là nền tảng vững chắc để việc sáp nhập diễn ra suôn sẻ, hiệu quả và sớm phát huy tác dụng thực tiễn.
Cùng với quyết tâm chính trị, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân sẽ giúp tỉnh Thái Nguyên mới nhanh chóng ổn định tổ chức, kiện toàn bộ máy và đi vào hoạt động hiệu quả.
Chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và điều chỉnh địa giới hành chính ở Việt Nam đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Đây là một bước đi chiến lược nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Cuộc cách mạng này không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ công, mà quan trọng hơn là mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Thực tế tại Thái Nguyên thời gian qua cho thấy, nhân dân rất đồng tình ủng hộ việc tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh, bỏ cấp huyện. Nhiều chuyên gia, học giả quốc tế cũng đã có những bài viết phân tích, đánh giá, bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong cải cách bộ máy.
Tuy nhiên, trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói riêng cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không chia sẻ trên mạng xã hội thông tin xấu độc, thất thiệt, thông tin chưa được kiểm chứng.