Bước chuyển mình - một tín hiệu vui

Báo Giáo dục & Thời đại đã và đang từng bước mở rộng đối tượng bạn đọc, tiếp cận thị trường báo chí rộng rãi trong toàn xã hội.

Trước mặt tôi là một chồng Báo Giáo dục và Thời đại. Rất nhiều loại: Báo ra hàng ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu; riêng tờ thứ Hai, tờ giữa tháng và cuối tháng, tờ tăng trang hàng tháng được đóng thành quyển có bìa cứng; báo Chủ nhật khổ vừa... Trên mạng có báo Điện tử cập nhật liên tục hàng ngày, hàng giờ, chưa kể phụ san Tài hoa trẻ tháng hai kỳ khổ nhỏ… Báo thật phong phú!

Bâng khuâng nhớ lại những ngày nào. Ấy là cũng dịp này của… 60 năm về trước.

Những ngày trứng nước, cả tòa báo chưa quá chục người, nhưng ai cũng phấn khích. Chưa có nghề thì cứ bắt tay vào vừa làm vừa học vậy, kể cả việc trình bày báo: Tự đi sang báo bạn học từ cách đếm chữ, chia cột làm ma két, đi nhà in. Rồi số 1 “Người Giáo viên nhân dân” ra đời.

Ngày 5/12/1959, báo ra tháng hai kì, mồng 5 và 20 hàng tháng. Dẫu vậy vẫn là một tờ báo đàng hoàng (dẫu còn thô sơ) đầu tiên của ngành Giáo dục, góp mặt cùng làng báo non trẻ của miền Bắc khi đó. Thế rồi ngay từ những bước đi đầu tiên đến suốt chặng đường dài, báo đã đắm mình vào cuộc sống sôi động của nền giáo dục mới đang hình thành, gần gũi gắn bó với người thầy, để luôn luôn là người bạn đường tin cậy của các thầy giáo, như lời đồng chí Trường Chinh đã nhắc nhở trong thư đồng chí gửi cho báo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

 Báo Giáo dục và Thời đại nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Báo Giáo dục và Thời đại nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Báo đã lớn lên trên cái nền đó.

Và báo đã để lại dấu ấn đặc biệt vào hai thời điểm.

Một. Giữa những năm 1960, miền Bắc sôi sục tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó cùng nổi lên phong trào “Thi đua Hai tốt” (dạy tốt - học tốt). Chính là từ lá cờ đầu Bắc Lý, Báo đã góp phần phát hiện và cổ vũ, tạo nên một sự chuyển động tích cực trong toàn ngành suốt hàng chục năm và song song với đó là phong trào thi đua đặc sắc “xã học Cẩm Bình” xây dựng một xã có các ngành học đều được quan tâm phát triển. Mẫu hình này không những được phổ biến bền bỉ, kiên trì trên báo mà còn được Báo cử phóng viên trực tiếp đi nhân rộng tới cơ sở cả hai miền sau ngày thống nhất đất nước.

Hai. Từ 1986 đến những năm đầu 1990. Thời kì đất nước bước vào đổi mới cũng là thời kì cực kì sôi động của báo. Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Báo đã cùng một số báo bạn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong xã hội và ngay trong ngành một cách hiệu quả. Cũng trong thời điểm này, Báo có những đổi mới mạnh mẽ: Thay tên Báo từ Giáo viên nhân dân thành Giáo dục và Thời đại, hướng nội dung vào việc đổi mới giáo dục, nâng cao vị trí của giáo dục, của nhà giáo trong xã hội. Phụ san Thế giới mới của báo đã trở thành một tờ báo nổi danh, thu hút số độc giả cực lớn (tiếc là sau một thời gian được tách thành tờ báo độc lập, Thế giới mới đã không trụ nổi và đình bản).

Những đột phá trong thời điểm vàng son ấy đã tạo nên một bệ phóng vững chắc cho báo liên tục phát triển, để đến hôm nay, Báo có thể tự tin bước vào một thời điểm mới.

Bằng một loạt những cải tiến không ngừng trên tất cả các ấn phẩm, Báo mang đến một hình ảnh giàu sức sống, trên hết và trước hết phục vụ cho nhiệm vụ đổi mới toàn diện và triệt để giáo dục, là tạo sự gắn kết xã hội với giáo dục, là đưa nền giáo dục của ta ngang tầm thế giới… Sức hấp dẫn còn ở chỗ bạn đọc như thấy được mọi hoạt động giáo dục diễn ra sinh động hàng ngày trên mọi miền đất nước, kể cả những nơi khó khăn, gian khổ nhất.

Và nổi lên là gần đây Báo đã góp tiếng nói mạnh mẽ vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, một việc hết sức khó khăn nhưng không thể không làm mà Đảng và Nhà nước đang kêu gọi. Đây từng là mặt mạnh và cũng là tấm lòng của báo với cuộc sống.

Đây là những tín hiệu vui, báo hiệu một sự chuyển mình tươi mới của Báo Giáo dục và Thời đại.

Nhớ về những người bạn thân thiết của Báo

Nguyên Tổng biên tập Báo GD và TĐ Nguyễn Ngọc Chụ

Năm nay, Báo Giáo dục và Thời đại kỷ niệm tròn 60 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên. Đây là một chặng đường dài đáng tự hào trong lịch sử của Báo. Rất nhiều người trong đó có tôi đã gắn bó suốt 60 năm với tờ báo thân yêu của ngành Giáo dục. Năm đầu của báo cũng là năm tôi bước chân vào ngành Giáo dục. Năm 1961, tôi có truyện ngắn đầu tiên được đăng trên Báo, sau đó là hơn 10 năm viết tin, bài cộng tác với Báo. Năm 1973, tôi trở thành phóng viên, biên tập viên, kéo dài trên 30 năm cho đến ngày nghỉ hưu.

Nhìn lại chặng đường 60 năm, tôi bồi hồi nhớ lại biết bao gương mặt đã từng góp sức xây dựng tờ báo trưởng thành như ngày nay. Trước hết là lực lượng bên ngoài tòa soạn. Đó là những thông tín viên, cộng tác viên ở những thời kỳ khác nhau. Tôi gọi họ là những người bạn thân thiết của báo.

Vào những năm đầu của tờ báo, công tác tổ chức mạng lưới thông tín viên được đẩy mạnh trên khắp cả nước. Tỉnh và thành phố nào cũng có tổ thông tín viên của Báo Người giáo viên nhân dân từ 3 - 5 người, có nơi lên đến hàng chục người. Tổ do một cán bộ của Ty giáo dục phụ trách điều hành hoạt động. Thông tín viên của tỉnh thường nằm ở các trường trọng điểm trong phong trào thi đua “Hai tốt”, họ có nhiệm vụ cung cấp tin bài, vận động phát hành, hướng dẫn phong trào “Đọc và làm theo báo”, đồng thời giúp đỡ cán bộ, phóng viên của tòa soạn về địa phương công tác.

Để giúp đỡ các tổ thông tín viên hoạt động, tòa soạn phát thẻ thông tín viên đến từng người và tổ chức hội nghị thông tín viên toàn quốc để đánh giá phong trào và bồi dưỡng nghiệp vụ viết tin bài cho Báo.

Tôi còn nhớ mỗi lần tòa soạn tổ chức hội nghị hoặc cán bộ, phóng viên về Thanh Hóa đều được bác Phạm Huy Hội, thông tín viên, cán bộ Ty giáo dục nhiệt tình giúp đỡ. Có hội nghị bác Hội huy động cả gia đình tham gia phục vụ, chăm lo từ nơi ăn, chốn ở đến việc đi lại của các thông tín viên. Thời ấy chúng tôi gọi gia đình bác Phạm Huy Hội là người nhà của tòa soạn.

Không chỉ ở Thanh Hóa mà hầu khắp các tỉnh, thành đều có những người bạn chí tình chí cốt như các anh: Đào Ngọc Chung (Hà Tây), Hà Phúc (Nam Định), Nguyễn Khánh (Thái Bình), Bùi Thân (Hà Tĩnh), Vũ Đình Nhuần (Sơn La), Bùi Sỹ Căn (Hải Phòng)… Nhờ có hoạt động của các thông tín viên với phong trào mua, đọc và làm theo Báo, huyện Hoẳng Hóa (Thanh Hóa) đã vận động được 1.000 giáo viên toàn huyện mua Báo.

Bác Nguyễn Hữu Phụng – Thư ký Công đoàn giáo dục huyện đã lưu trữ báo cũ từ số xuất bản đầu tiên cho đến số báo kỷ niệm 35 năm thành lập. Thật hiếm có một huyện làm được như vậy!

Những thông tín viên thời kỳ đầu tiên ấy đến nay đã ở tầm tuổi 80 – 90, nhưng ai cũng vẫn đau đáu nhớ về một thời là người nhà báo. Bác Nguyễn Khánh ở Thái Bình năm nay đã 90 tuổi, hàng năm vẫn gọi điện hỏi thăm tôi về tòa soạn và những người xưa ở Giáo viên nhân dân. Nhà báo Đào Vĩnh thời còn đứng lớp luôn tự nhủ: “Là thông tín viên, tôi nguyện gắn bó cả cuộc đời dạy học của mình với sự nghiệp của báo ngành ta”.

Trong đội ngũ thông tín viên thời ấy có nhiều người là cộng tác viên của báo về bài vở. Vì thế xây dựng mạng lưới cộng tác viên cũng là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên để cải tiến và nâng cao chất lượng tờ báo.

Vào dịp đầu năm 1997 – 1998, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gặp và trò chuyện với lãnh đạo Báo Giáo dục và Thời đại, Thủ tướng cũng có góp ý về vấn đề này như sau: “Phải tính toán số người trong tòa soạn là bao nhiêu, cộng tác viên là bao nhiêu, người trong nghề, trong lĩnh vực chuyên sâu?...”. Ý kiến của Thủ tướng cho thấy đội ngũ cộng tác viên là lực lượng không thể thiếu của tòa soạn, phải tính toán. Vì thế, các đồng chí lãnh đạo của báo ở từng thời kỳ đều hết sức quan tâm xây dựng đội ngũ cộng tác viên.

Trước hết phải có một đội ngũ cộng tác viên nằm ở nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu bài vở toàn diện và thường xuyên. Ngoài số cộng tác viên đại trà này, các trang và chuyên mục còn có nhóm cộng tác viên nòng cốt. Đặc biệt, còn có một số ít cộng tác viên do lãnh đạo báo chọn mời. Số này có thể đảm trách các nhiệm vụ: Tham gia hội đồng biên tập, làm cố vấn cho các lĩnh vực chuyên sâu hoặc là giám khảo cho các cuộc thi…

Với cách tổ chức cộng tác viên như vậy, ngay ở thời kỳ đầu, tòa soạn đã chiêu mộ được nhiều tinh hoa của đất nước tham gia xây dựng tờ báo như: Các giáo sư, viện sĩ Phạm Minh Hạc, Vũ Tuyên Hoàng, Vũ Đình Cự và các giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Cảnh Toàn, Văn Như Cương, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Khắc Viện… Nhà thơ Huy Cận cũng là một cộng tác viên đặc biệt, ông mong muốn: “Ban biên tập duy trì mục bình văn trên báo và đề nghị sự động viên, sự cộng tác của các nhà văn và nhà phê bình văn học”.

Phần lớn các nhà văn, nhà thơ và nhà khoa học nổi tiếng của đất nước đều yêu mến tờ báo của nhà giáo, đã cộng tác, giúp đỡ tòa soạn trên nhiều phương diện. Nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu tham gia hội đồng giám khảo các kỳ thi sáng tác thơ văn về thầy giáo và nhà trường. Các nhà thơ, nhà văn Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh có nhiều cuộc gặp gỡ với tòa soạn và phóng viên về giảng dạy văn học trong nhà trường. Các nhà thơ Vũ Quần Phương, Ngô Văn Phú, Vân Long bền bỉ cộng tác với các chuyên mục về văn học nghệ thuật. Bài viết của các nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học được coi là tài liệu tham khảo tốt cho thầy và trò cả về hai mặt bổ sung kiến thức và phương pháp sư phạm.

Điều đặc biệt là có nhiều nhà văn, nhà thơ trưởng thành từ những năm tháng là cộng tác viên của báo như: Đặng Hiển, Đào Ngọc Chung, Thanh Ứng, Hòa Vang, Phong Thu… thật đáng tự hào!

Một thời và mãi mãi những thông tín viên và cộng tác viên là một thành phần không thể thiếu của tòa báo. Bộ mặt tòa soạn và chất lượng tờ báo trông cậy nhiều ở họ. Đó là những người bạn thân thiết, không thể nào quên!

Tháng 11/2019

Nguyên quyền Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Trần Đức Tam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/buoc-chuyen-minh-mot-tin-hieu-vui-post710215.html