Bước chuyển mình ngoạn mục của nữ nông dân thời đại công nghệ số
Thương mại điện tử, mua bán trực tuyến dần trở thành xu thế của xã hội hiện đại - đặc biệt từ khi Covid-19 hoành hành. Giữa bối cảnh ấy là bước chuyển mình đầy ngoạn mục của không ít phụ nữ đặc biệt là những nữ nông dân. Không chỉ bán hàng qua mạng xã hội, họ còn mày mò tìm cách nâng cao giá trị nông sản bằng chế biến, điều hành những hợp tác xã, doanh nghiệp - bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm của địa phương.
21 tuổi, Tố Mười chọn về với những núi đá cao, những cung đường dốc của Pác Nặm để tìm hướng đi khác cho nghề làm bún khô của gia đình.(Ảnh: Báo Nhân Dân)
Cô gái Tày giành giải “nông nghiệp phát triển bền vững”
Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp - đổi mới sáng tạo” lần 8, năm 2022 vừa khép lại ít ngày. Trong các dự án giành giải năm nay, có một cô gái Tày rất trẻ - Phan Thị Tố Mười, sinh năm 1997, là Giám đốc HTX Tố Mười ở thôn Trung Hòa, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Tố Mười giành giải “Dự án bảo vệ môi trường - nông nghiệp phát triển bền vững”.
Mười tốt nghiệp Trường cao đẳng Bắc Kạn. 21 tuổi, cô chọn về với những núi đá cao, những cung đường dốc của Pác Nặm để tìm hướng đi khác cho nghề làm bún khô của gia đình. Cuối năm 2020, nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của địa phương, Mười thành lập Hợp tác xã (HTX) Tố Mười.
Với 7 thành viên, hơn 1 tỷ đồng tiền vốn, HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy xay, máy ép sợi, máy đóng gói… Nếu như trước đây, máy móc chỉ có vai trò hỗ trợ người làm bún ở Công Bằng; thì nay máy móc đã thay thế gần như trọn vẹn sức người. Quy trình sản xuất bún khô từ xay gạo - vắt bột - ép bún - đóng gói… đều do máy móc thực hiện. Nhờ đó cả năng suất và chất lượng đều tăng, đồng nghĩa giá trị sản phẩm thủ công truyền thống của gia đình nói riêng, của xã Công Bằng nói chung cũng được tăng cao.
Không dừng lại ở hiện đại hóa sản xuất, Tố Mười còn muốn biến những sợi bún khô với màu trắng đơn thuần thành bún khô ngũ sắc. Ý tưởng này nảy ra trong đầu khi Mười cùng mẹ nấu món xôi ngũ sắc truyền thống. Lý thuyết cũng là trộn gạo với bí đỏ, gấc, rau chùm ngây, lá cẩm; song để “chuyển thể” từ gạo - nấu thành xôi sang gạo - làm thành bún là cả một quá trình tốn cả công lẫn của.
Mày mò thử nghiệm mãi rồi cũng thành công. Song vấn đề lớn nhất của người sản xuất bún là phế phẩm làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Quy mô sản xuất càng tăng, vấn đề ô nhiễm càng nhức nhối. Đây cũng là yếu tố then chốt trong nông nghiệp bền vững.
Nhờ kết nối đến cộng đồng làm nông nghiệp bền vững, Tố Mười đã học được cách xử lý phế phẩm thành phân hữu cơ, trở lại bón cho vùng nguyên liệu. Vi sinh để xử lý phế phẩm cũng có thể tự sản xuất với những nguyên liệu sẵn có, rẻ như cám gạo, chuối chín, sữa chua… Vấn đề ô nhiễm môi trường được giải quyết, HTX lại làm chủ nguồn phân bón, vùng nguyên liệu cũng bảo đảm không bị ảnh hưởng bởi hóa chất. Chính những yếu tố đó đã giúp Tố Mười và HTX giành giải.
Người Cờ Lao mở văn phòng tại Thủ đô
Tốt nghiệp khoa Quốc tế học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; có mặt tại Chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam; tài - sắc vẹn toàn, Lưu Thị Hòa xứng đáng là bông hoa đẹp nhất của cao nguyên đá Đồng Văn. Hai năm làm việc trong các tập đoàn lớn của cả trong nước và quốc tế, Hòa đồng thời thường xuyên tham gia giải cứu nông sản giúp bà con.
Lớn lên trên núi đá, chị hiểu những vất vả của người Cờ Lao nói riêng và đồng bào Hà Giang nói chung. Chị cũng hiểu - nông sản không thể giải cứu mãi, người nông dân cũng không thể mãi trông chờ vào phương án đó. Vì thế mà Hòa dứt bỏ sự nghiệp đang vào độ chín, lập HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ. Vốn liếng của chị khi đó là 300 triệu đồng dành dụm.
Kinh nghiệm 2 năm làm marketing đủ để không làm khó Hòa trong việc vận hành HTX, mà cái khó là thuyết phục được chính người thân cũng như nông dân quê mình. Phải đến khi những gùi rau, gùi lê… của bà con được chị tiêu thụ; mọi người mới bắt đầu thay đổi. Các nông hộ của xã Phố Là, Sủng Là đã liên kết trồng rau an toàn, cây ngắn ngày và hơn 2000 cây lê… Dần dần, cách làm hiệu quả của chị đã thuyết phục được nhiều nông hộ - sản xuất đa dạng nông sản.
Không dừng lại ở bao tiêu đầu ra cho nông dân quê mình, chị còn xây dựng mô hình kinh doanh Farmstay - Du lịch nông nghiệp gắn với tài nguyên bản địa. Khu Farmstay 500m2 được làm từ gỗ, tre, đất đỏ; chị “tham vọng” sẽ bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người của Hà Giang như: Cờ Lao, Pu Péo, Lô Lô… Khi kết hợp được hiệu quả Du lịch - Nông nghiệp - Văn hóa; kinh tế và đời sống của bà con sẽ dần ổn định hơn.
Nông dân xuất sắc năm 2022 thành công từ mô hình rau sạch
Trong khi nhiều bạn trẻ rời quê ra phố tìm cơ hội việc làm, chị Nguyễn Thị Trâm, sinh năm 1990, ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh lại từ bỏ công việc ổn định để "về làng" khởi nghiệp với mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng công nghệ cao.
Huyện Lương Tài là vùng đất màu mỡ, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Thế nhưng, đa số nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả kinh tế không cao. Từng chứng kiến bố mẹ chồng nhiều vụ phải "khóc ở ngoài ruộng" do có năm cà rốt đạt năng suất cao, nhưng thương lái không mua. Từ đó, chị Trâm nảy ý định tìm một cây trồng khác có giá trị cao, đầu ra ổn định để bố mẹ chồng đỡ vất vả. Tìm hiểu trên mạng, chị Trâm nhận thấy cây măng tây có giá trị kinh tế cao, rất ít người trồng.
Từ việc trồng thử nghiệm thành công trên diện tích 5 sào ruộng của bố mẹ chồng, chị Trâm đã mở rộng mô hình, tiến hành ươm giống, bán cho bà con nông dân quanh vùng, rồi cam kết thu mua sản phẩm để đem đi tiêu thụ. Ngay vụ thu hoạch măng tây đầu tiên đã trúng lớn, sản lượng mỗi ngày vào khoảng 30-40kg.
Năm 2014, Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong do chị làm Giám đốc được thành lập với mục tiêu ban đầu là cấp giống, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm măng tây xanh cho các trang trại. Năm 2015, Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong là đơn vị đầu tiên của huyện Lương Tài được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm măng tây xanh và cà rốt cũng như Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng trong năm này, công ty đạt đủ điều kiện cấp hàng vào chuỗi siêu thị Fivimart – hệ thống bán lẻ lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ.
Đến nay, chị Trâm đã xây dựng được 1,3 ha nhà màng, 0,7 ha nhà lưới trong tổng diện tích 5 ha ở Bắc Ninh và mở rộng 10 ha chuyên trồng các loại rau trái vụ có giá trị kinh tế cao tại Hà Giang.
Trong tổng số 20ha trồng rau sạch, chị Trâm đã dành 1,5ha để xây dựng nhà màng trồng dưa baby, ớt chuông, rau muống thủy canh nhà màng theo hướng nông nghiệp sạch áp dụng công nghệ cao.
Với những nỗ lực của bản thân chị Trâm đã được nhận danh hiệu cao quý nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Khai thác hiệu quả trên nền tảng số
Không chỉ sản xuất, bao tiêu đầu ra cho bà con; chị Hòa, chị Mười, chị Trâm còn là những nữ nông dân dám nhập cuộc “công dân thời đại số” vô cùng hiệu quả.
Nói về việc áp dụng chuyển đổi số trong việc trồng rau chị Trâm cho biết: "Trang trại dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển từ xa bằng bộ điều khiển hệ thống máy tính chủ của trang trại. Với công nghệ này, quản lý trang trại sẽ cài đặt hẹn giờ để nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Cùng với đó, phân bón được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Trung bình, chúng tôi cài đặt hẹn tưới nhỏ giọt 8 lần/ngày, tùy từng loại cây trồng mà mỗi lần tưới từ 3 - 4 phút. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên cây trồng phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc", chị Trâm cho biết.
Nhờ được chăm sóc theo quy trình khắt khe, chất lượng các sản phẩm rau, củ, quả của Hải Phong Farm đạt tiêu chuẩn để đưa vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị. "Năm vừa qua, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Hải Phong Farm có doanh thu 15 tỷ đồng, trừ chi phí có lãi 1,5 tỷ đồng" - chị Trâm.
Cũng như chị Trâm, với chị Hòa, lợi thế kinh nghiệm marketing giúp chị nhanh chóng mở rộng thị trường khắp ba miền. Đặc biệt, chị và Po Mỷ còn nhận đơn hàng - xuất khẩu sang Nhật Bản 150 tấn phở sâm.
Đang mang thai, song chị Hòa vẫn đi lại như con thoi giữa Hà Nội - Đồng Văn, khi thu hoạch khoai sâm cùng bà con, khi livestream giới thiệu các loại quả đặc sản - lớn lên từ những chắt chiu trên cao nguyên đá. Đầu tháng 9/2022, Tập đoàn Phát triển thịnh vượng Việt Nam - VPSD đã chọn Po Mỷ để ký kết hợp tác đồng hành trong hành trình lan tỏa nông đặc sản quê hương tới bạn bè trong và ngoài nước…
Còn đối với chị Tố Mười, tiêu thụ 25 tấn bún năm 2021, 10 tấn bún trong nửa đầu năm 2022 là con số ấn tượng mà chị đạt được. Để có được kết quả đó chị Mười vừa tham gia giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện, hội chợ ở cả trong và ngoài tỉnh, các chị còn xây dựng kênh bán hàng qua mạng xã hội…
Thời đại công nghệ số mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức đối với ngành nông nghiệp. Trong khó khăn thách thức đó, nữ nông dân Việt Nam đã dũng cảm bước ra khuôn mẫu giới, khẳng định bản thân. Những thành quả mà nữ nông dân mang lại không chỉ là lợi ích kinh tế cho quê hương, các chị còn là ngọn đuốc dẫn đường để phụ nữ dần vượt qua những khó khăn, bước ra khỏi định kiến giới để có những bước chuyển mình ngoạn mục.