Bước đi chiến lược cho doanh nghiệp Việt 'hái quả ngọt' ở thị trường Ấn Độ
Nhìn từ việc Vinfast, FPT Automotive vừa mới xây nhà máy, mở văn phòng ở Ấn Độ sẽ thấy cách thức thâm nhập thị trường là rất quan trọng. Nhất là để gia tăng đột phá kim ngạch xuất khẩu ở thị trường 1,4 tỷ dân này đang đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần có những bước đi chiến lược, thúc đẩy các dự án đầu tư, gia tăng sự hiện diện, giành vị thế cạnh tranh, đáp ứng đa dạng nhu cầu đơn hàng, tận dụng thế mạnh và tiềm năng thị trường...
Nhân việc hãng xe điện hàng đầu Việt Nam trong hạ tuần tháng 2/2024 đã chính thức khởi động xây nhà máy sản xuất xe điện tích hợp đầu tiên tại bang Tamil Nadu (Ấn Độ), là một chuyên gia người Ấn Độ, Ts. Majo George (Đại học RMIT) nhận định, điều này thể hiện một bước đi chiến lược nhằm thâm nhập vào một trong những quốc gia đông dân nhất và thị trường xe điện mở rộng nhanh nhất thế giới.
Gia tăng sự hiện diện
“Với cam kết của Chính phủ Ấn Độ trong việc chuyển đổi sang xe điện, doanh số bán ô tô VinFast tại Ấn Độ có khả năng vượt qua doanh số bán hàng tại Việt Nam, với điều kiện là doanh nghiệp (DN) này biết cách tiếp thị hiệu quả tới đối tượng người tiêu dùng Ấn Độ”, ông George nói.
Các nhà thu mua quốc tế của Ấn Độ đang cần ngành hàng nông sản Việt đáp ứng nhu cầu tốt hơn từ phía họ.
Cũng theo vị chuyên gia của RMIT, năng lực sản xuất xe buýt điện hiện có của DN này hoàn toàn phù hợp với xu hướng hiện nay của chính quyền các bang Ấn Độ nhằm chuyển đổi xe buýt truyền thống sang các mẫu xe điện. Ngành vận tải hạng nặng ở quốc gia này, đặc biệt là sản xuất xe tải điện, cũng là một lĩnh vực khác đang sẵn sàng để DN Việt khai phá.
Có thể nói trong thời gian gần đây, với việc Ấn Độ là một quốc gia có hơn 1,4 tỷ dân, có nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, cho nên giới chuyên gia thường dành lời khuyên cho các DN Việt nên tìm các giải pháp hiệu quả để gia tăng sự hiện diện ở thị trường lớn này.
Và một trong những giải pháp là thúc đẩy các dự án đầu tư vào Ấn Độ, nhất là những lĩnh vực phù hợp với xu hướng tiêu dùng của nước này hoặc các lĩnh vực vốn là thế mạnh của Việt Nam như hàng nông sản, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, thực phẩm chế biến, giày dép, đồ nội thất và các sản phẩm từ gỗ…
Tuy vậy, việc đầu tư của các DN Việt vào Ấn Độ vẫn còn khá khiêm tốn, đa phần chỉ dành cho những DN tiềm lực mạnh và có bước đi chiến lược dài hơi, nhất là trong mảng công nghệ
Như trường hợp công ty chuyên về lĩnh vực phần mềm ô tô là FPT Automotive thuộc CTCP FPT hồi tháng 1/2024 đã mở văn phòng mới tại Ấn Độ. Điều này khai phá cơ hội mới, nhất là mở rộng thị trường phần mềm cho xe hơi, cũng như đáp ứng nhanh nhu cầu chuyển dịch của ngành công nghiệp ô tô.
Còn xét về xuất khẩu (XK) của Việt Nam vào Ấn Độ, có thể thấy dư địa tăng trưởng còn rất lớn với thị trường tiềm năng này vẫn đang chờ các DN khai phá. Theo ông Bùi Trung Thướng (Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ), hồi năm rồi kim ngạch XK của Việt Nam vào Ấn Độ đã đạt kim ngạch 8,5 tỷ USD, tăng trưởng 6,8% so với năm 2022, là một trong số ít thị trường đạt mức tăng trưởng dương.
Tuy vậy, có thể nói với thị trường 1,4 tỷ dân như Ấn Độ thì mức kim ngạch XK như trên được cho là vẫn còn khá khiêm tốn và vẫn còn nhiều dư địa để các DN Việt khai phá, thâm nhập sâu.
Như với ngành hàng nông sản Việt vẫn được kỳ vọng có thể mang lại kim ngạch XK lớn hơn ở thị trường này. Còn như hiện tại, theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, đây là thị trường lớn, đầy tiềm năng tiêu thụ đa dạng các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam như trái cây, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, quế, hồi, thảo quả, cao su, bánh kẹo, cá tra, cá basa, các sản phẩm từ ngũ cốc…, thế nhưng sản lượng và kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam từ Ấn Độ vẫn còn hết sức khiêm tốn.
Giành vị thế cạnh tranh
Hoặc như với XK đồ gỗ và nội thất, số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 1/2024 đã xuất sang nước này đạt đạt hơn 17,9 triệu USD, tăng 21,2% so với tháng trước, tăng mạnh 347% so với cùng kỳ năm 2023.
Còn hồi năm rồi, tăng trưởng XK đồ gỗ và nội thất vào Ấn Độ đã đạt đến 288%. Tuy nhiên, dù có mức tăng trưởng cao như vậy nhưng tỷ trọng xuất sang thị trường tỷ dân này chỉ chiếm có 1,22% trong tổng kim ngạch XK đồ gỗ và nội thất của Việt Nam. Và xét về giá trị, Ấn Độ nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1,4% tổng trị giá nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của họ.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, có nhiều cơ hội cho DN Việt Nam thâm nhập thị trường nội thất tại Ấn Độ. Với quy mô thị trường lớn hơn 1,4 tỷ người, ngành nội thất và thiết kế của Ấn Độ đang bùng nổ do thị trường bất động sản đang phát triển, dân số ngày càng tăng, mức thu nhập tăng và quá trình đô thị hóa. Với tổng quy mô thị trường là 41 tỷ USD, Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ đồ nội thất lớn thứ 4 thế giới.
Trong khi đó, như lưu ý của ông Huzefa Samplewala, Chủ tịch Hiệp hội Nội thất Ấn Độ (AFMT), tỷ trọng XK đồ gỗ nội thất từ Việt Nam sang Ấn Độ thời gian tới sẽ tăng khi các doanh nhân Ấn Độ đang nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn cung mới. Điều quan trọng là các DN Việt cần có bước đi chiến lược ở Ấn Độ trong việc đáp ứng nhu cầu đơn hàng từ trung đến cao cấp, nhưng đơn hàng lớn trong dài hạn và có nhiều chủng loại sản phẩm gỗ, đáp ứng được xu hướng tiêu dùng mới, đạt yêu cầu về môi trường, quy chuẩn chất lượng.
Ngoài lĩnh vực nêu trên, cần nhắc thêm là với những DN Việt vốn từng có chỗ đứng trên thị trường Ấn Độ thì không nên lơ là, chủ quan trước sức ép cạnh tranh từ các đối thủ khác. Điều này có thể thấy rõ như XK cao su của Việt Nam vào Ấn Độ (vốn nằm trong Top 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ) hồi năm rồi đã giảm 4,4% về lượng và giảm 21,7% về trị giá so với năm 2022.
Tại thị trường Ấn Độ (là thị trường XK cao su lớn thứ hai của Việt Nam), thị phần cao su của Việt Nam đang bị thu hẹp trong khi thị phần cao su của Indonesia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc đang tăng lên. Theo giới chuyên gia, các yếu tố về giá thành, chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại đang cần các DN cao su của Việt Nam cải thiện nếu không muốn tiếp tục thu hẹp thị phần tại Ấn Độ.
Nói chung, còn nhiều việc phải làm để DN Việt có thể “hái quả ngọt” và “hái đậm” ở thị trường lớn như Ấn Độ. Trong đó, ngoài sự hỗ trợ của phía thương vụ, cơ quan xúc tiến thương mại thì cần bước đi chiến lược của bản thân DN trong việc đầu tư để xây dựng sự hiện diện thương hiệu, tận dụng được tiềm năng của thị trường, biết cách tiếp thị hiệu quả, giành vị thế cạnh tranh so với các đối thủ khác, nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của người dân nơi đây.