Bước đi khiến ảnh hưởng của BRICS ngày càng đáng gờm
Sau các đợt mở rộng, BRICS hiện bao gồm một số nhà sản xuất năng lượng lớn với một số quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong số các nước đang phát triển.
BRICS – ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – vừa có bước đi khiến ảnh hưởng của khối ngày càng đáng gờm: Bổ sung thêm thành viên mới là Indonesia.
Brazil, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên BRICS năm 2025, tuyên bố hôm 6/1 rằng Indonesia sẽ tham gia với tư cách là thành viên chính thức. Hôm 7/1, phía Indonesia cho biết, họ "hoan nghênh" thông báo này.
"Chúng tôi đã nhắc lại nhiều lần rằng BRICS là nền tảng quan trọng để Indonesia tăng cường hợp tác Nam-Nam và đảm bảo rằng tiếng nói và nguyện vọng của các nước Nam Bán cầu được đại diện tốt trong các quá trình ra quyết định toàn cầu", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Rolliansyah Soemirat nói với Đài DW.
Indonesia "cam kết đóng góp vào các chương trình nghị sự mà BRICS thảo luận, bao gồm các nỗ lực thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế, hợp tác công nghệ và sức khỏe cộng đồng", theo vị phát ngôn viên.
Trước đó, vào đầu năm 2024, các nước Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ethiopia và Ai Cập đã gia nhập nhóm. Ả Rập Xê-út vẫn được công bố là thành viên mới của BRICS, mặc dù vương quốc này vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tham gia hay không.
Sau các đợt mở rộng, BRICS hiện bao gồm một số nhà sản xuất năng lượng lớn với một số quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong số các nước đang phát triển.
Việc bổ sung thêm các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn có thể mang lại cho BRICS nhiều dư địa hơn để thách thức sự thống trị của đồng USD trong các giao dịch dầu khí bằng cách chuyển sang các loại tiền tệ khác, một khái niệm được gọi là "phi USD hóa".
Viễn cảnh đó đã khiến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nổi giận, đưa ra lời đe dọa áp thuế 100% đối với bất kỳ quốc gia nào dám thách thức đồng USD.
Các nhà phân tích tại Bloomberg Economics cho rằng việc BRICS ngày càng mở rộng có thể khiến liên minh này trở thành đối trọng mạnh hơn với nhóm 7 quốc gia công nghiệp hóa (G7) – Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là BRICS không phải là một nhóm chỉ bao gồm các thành viên có mối quan hệ "gập ghềnh" với phương Tây.
Indonesia, giống như Ấn Độ, có mối quan hệ tốt với các nước phương Tây và không có xu hướng đứng về phe nào trong cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và các đối thủ.
"Indonesia không có ý định tách khỏi phương Tây dù là chậm hay ngay lập tức", ông M. Habib Abiyan Dzakwan, một nhà nghiên cứu tại khoa quan hệ quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Indonesia, nói với DW.
Trên thực tế, theo Bloomberg, thành tựu lớn nhất của BRICS là về tài chính. Các quốc gia thành viên đã đồng ý tập hợp 100 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, mà họ có thể cho nhau vay trong trường hợp khẩn cấp. Cơ sở thanh khoản đó đã đi vào hoạt động vào năm 2016.
Họ cũng thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB – hay còn gọi là Ngân hàng BRICS), một tổ chức cho vay lấy cảm hứng từ Ngân hàng Thế giới (WB).
NDB đã phê duyệt gần 33 tỷ USD các khoản vay kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2015, chủ yếu cho các dự án nước, giao thông và cơ sở hạ tầng khác. Để so sánh, WB đã cam kết 117,5 tỷ USD cho các quốc gia đối tác trong năm tài chính 2024.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Al Jazeera, DW)