Bước đi lặng lẽ của chính quyền Tổng thống Trump nhằm vào trụ cột của nền kinh tế Nga
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã âm thầm gia hạn các lệnh trừng phạt thời Biden nhắm vào các ngân hàng và ngành năng lượng vốn được coi là trụ cột của nền kinh tế Liên bang Nga.

Điểm xuất phát của hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 ở Ust-Luga, Nga. Ảnh: Bloomberg/TTXVN
Báo The Kyiv Post của Ukraine ngày 1/7 cho biết một quan chức cấp cao của Mỹ khẳng định trong cuộc phỏng vấn với tờ báo này rằng không một lệnh trừng phạt nào áp đặt với Liên bang Nga đã bị dỡ bỏ bởi chính quyền Trump kể từ khi nhậm chức vào tháng 1.
Vào ngày 27/6 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành Giấy phép Chung số 115B - một lệnh trừng phạt tạm thời - đối với 13 ngân hàng lớn nhất của Liên bang Nga, bao gồm cả những tổ chức tài chính đóng vai trò giúp tài trợ hoạt động bộ máy chiến tranh của nước này.
Trước đó, vào ngày 10/1/2025, nghĩa là chỉ vài ngày trước khi rời nhiệm sở, chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào một số tập đoàn của Liên bang Nga như Gazprom Neft, Surgutneftegas và nhiều công ty khác hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và buôn bán dầu mỏ.
Khi đó, các trợ lý của ông Biden đã thông báo cho nhóm chuyển giao của ông Trump về các lệnh trừng phạt này, lập luận rằng động thái đó sẽ giúp Nhà Trắng có đòn bẩy để đạt được một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine.
Trong khi đó, thông báo tuần trước của Bộ Tài chính Mỹ – gia hạn các lệnh trừng phạt thời Biden thêm sáu tháng – đã gây ra nhiều suy đoán trên mạng xã hội, đặc biệt sau khi Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó tuyên bố rằng Mỹ đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt từng ngăn cản việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks II do Liên bang Nga xây dựng tại Hungary.
“Không có bất kỳ lệnh trừng phạt nào liên quan đến Liên bang Nga bị dỡ bỏ bởi chính quyền Trump, hoàn toàn không!”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump nói với phóng viên của báo The Kyiv Post tại Washington.
Khi được hỏi về Giấy phép Chung mới nhất của Bộ Tài chính, ông Brad Brooks-Rubin – cựu cố vấn cao cấp tại Văn phòng Điều phối Trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ (2022–2024) – giải thích: “Đây không phải là việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt – mà đơn thuần là gia hạn một giấy phép chung đã có trước đó”.
“Rõ ràng, nếu chính quyền Trump để giấy phép chung này hết hạn, thì điều đó mới là một sự thụt lùi lớn”, ông Brooks-Rubin, người hiện là đối tác tại công ty luật Arktouros chuyên về trừng phạt, chống rửa tiền và tư vấn pháp lý, nói thêm.
Đối với các nhà phân tích viện trợ an ninh như Colby Badhwar từ nhóm nghiên cứu Tochnyi, thông báo mới nhất của Bộ Tài chính là “một hành động mang tính thường lệ”.
“Giấy phép trước đó hết hạn vào hôm nay (30/6/2025), vì vậy chính quyền buộc phải đưa ra quyết định: hoặc gia hạn, hoặc để nó chấm dứt. Và việc gia hạn là quyết định dễ dàng nhất”, ông Badhwar nói và cho biết thêm rằng: “Đây cũng là một ví dụ khác cho thấy có sự tiếp nối chính sách giữa chính quyền Biden và Trump nhiều hơn so với suy nghĩ thông thường”.
Về phần Hungary – nước hưởng lợi chính từ quyết định này – ông Badhwar nhắc lại rằng “chính quyền Biden đã chỉ trích Hungary một cách công khai hơn, nhưng điều đó không đi kèm với các hành động mạnh mẽ về trừng phạt”.
Về ý nghĩa của việc gia hạn lệnh trừng phạt lần này, cựu quan chức chính quyền Biden Brooks-Rubin giải thích rằng động thái này phản ánh cách tiếp cận thận trọng của chính quyền hiện tại, giữ nguyên các lựa chọn mà không áp đặt thêm các hạn chế mới đáng kể.
“Họ đang chờ xem các cuộc đàm phán sẽ đi đến đâu… Họ không đưa ra điều gì mới. Đây chỉ là một dấu hiệu cho thấy họ muốn giữ các lựa chọn mở”, ông Brooks-Rubin nói.
Cựu quan chức chính quyền Biden cũng nhấn mạnh rằng quyết định gia hạn của chính quyền Trump chỉ kéo dài sáu tháng, “cơ bản là đến ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh” và “ngày 19/12 năm nay là thời điểm gia hạn đến, vì vậy họ tự cho mình phần còn lại của năm để quyết định sẽ làm gì tiếp theo”.