Bước đi tiếp theo của Nga và Ukraine khi sự kiên nhẫn của ông Trump cạn dần
Không phải cuộc xung đột mà chính quá trình đàm phán hòa bình ở Ukraine mới đang bị đóng băng. Liệu ông Trump có thể phá băng trong tương lai gần hay không?
Đàm phán hòa bình đóng băng
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường nỗ lực chấm dứt xung đột Ukraine, một loạt cuộc họp đã được tổ chức và các tuyên bố cấp cao từ giới lãnh đạo Ukraine, Mỹ và Nga đã được đưa ra sau đó. Cùng với đó là các thông tin rò rỉ khác nhau hàng ngày trên các phương tiện truyền thông phương Tây, liên quan đến ý định và kế hoạch thực sự của tất cả những người tham gia vào quá trình này.
Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, những thông tin trên đã giảm đáng kể. Hầu như không còn vụ rò rỉ nào nữa, cũng như không có các cuộc họp hay cuộc điện đàm ở cấp cao nhất dành riêng cho giải pháp hòa bình trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ngay cả ông Trump và đội ngũ của ông cũng đã ngừng thông tin về những thành quả của họ liên quan đến vấn đề Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodyrmyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, lệnh ngừng bắn một phần kéo dài một tháng vẫn tiếp tục. Các điều kiện của thỏa thuận này vẫn chưa rõ ràng khi mỗi bên đưa ra phiên bản riêng của mình.
Không phải cuộc xung đột mà chính quá trình đàm phán hòa bình mới đang bị đóng băng. Liệu ông Trump có thể phá băng trong tương lai gần hay không? Hầu hết các nhà quan sát, cả trong giới chính trị phương Tây và Ukraine đều tin rằng ông Trump chắc chắn nỗ lực thực hiện việc này sớm nhưng nó có thành công hay không lại là điều không ai có thể dự đoán.
Ngay cả trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, những người ủng hộ Ukraine từng đặt nhiều kỳ vọng vào ông Trump. Kịch bản lý tưởng mà họ hình dung là ông Trump, với tất cả sự sốt sắng của mình, sẽ gấp rút thúc đẩy một giải pháp hòa bình.
Ông Trump bắt đầu nỗ lực hòa giải giữa hai bên bằng mọi áp lực có thể, đồng thời đưa ra một loạt điều kiện với Ukraine. Phía Kiev đã từ chối và sau một vụ tranh cãi căng thẳng tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng tăng cường sức ép bằng cách tạm ngừng viện trợ quân sự và dừng chia sẻ thông tin tình báo.
Kết quả là Ukraine đã lùi một bước, thậm chí nới lỏng một số "lằn ranh đỏ" trước đây và quan trọng hơn cả gửi lời cảm ơn đến ông Trump vì những nỗ lực của ông. Trên thực tế, sau các cuộc thảo luận mang tính xây dựng nhưng đầy ẩn ý, phía Ukraine gần như đã chấp nhận hầu hết các đề xuất hòa bình mà Nhà Trắng đưa ra.
Sự kiên nhẫn của ông Trump đang cạn dần
Một số nguồn tin Ukraine và phương Tây tin rằng ông Trump thực sự mong muốn đạt được một lệnh ngừng bắn thực chất chứ không phải mang tính hình thức trước Lễ Phục sinh hoặc trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống, tức là trước cuối tháng 4.
"Ngừng bắn ở Ukraine có thể tạo đà để chấm dứt xung đột. Đây là ý tưởng của ông Trump. Chúng tôi coi đó là bước đi đầu tiên hướng đến kết thúc chiến sự và ông ấy thực sự quan tâm đến bước đi này", Tổng thống Volodymyr Zelensky nói.
Theo cách hiểu của ông Trump, một lệnh ngừng bắn lâu dài thực chất chính là "hồi kết của cuộc xung đột" - điều mà ông có thể tận dụng để truyền thông tích cực với công chúng Mỹ. Tuy nhiên, đối với Ukraine, điều quan trọng hơn lại nằm ở thỏa thuận hòa bình cuối cùng và các bước tiếp theo: những đảm bảo an ninh cụ thể nhằm ngăn chặn nguy cơ Nga tấn công trong tương lai.
Tuy nhiên, ngay cả bước đầu tiên - một lệnh ngừng bắn toàn diện đến nay vẫn còn rất xa vời. Điều này bắt đầu khiến ông Trump công khai bày tỏ sự khó chịu, như chính ông thừa nhận với báo giới. Lần đầu tiên, ông Trump không chỉ đưa ra những tuyên bố tích cực mà còn cả những lời đe dọa với Nga.
Các nhà ngoại giao châu Âu cũng chia rẽ trong nhận định về khả năng ông Trump buộc Tổng thống Putin phải có động thái cụ thể. Một số ý kiến cho rằng ông Trump chỉ cần tiếp tục tăng cường sức ép bằng các phát ngôn cứng rắn hơn. Tuy nhiên, những người khác lại tin rằng điều đó chắc chắn là chưa đủ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm 12/4 rằng các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine có thể đang diễn ra tốt đẹp, nhưng "sẽ có lúc bạn phải chấp nhận hoặc im lặng". Ông Trump đưa ra bình luận này với các phóng viên một ngày sau khi ông tỏ ra thất vọng với Nga và bảo họ "tiến lên" để đạt được thỏa thuận.
"Tôi nghĩ đàm phán Nga - Ukraine có thể đang diễn ra tốt đẹp và các bạn sẽ sớm biết được điều đó", ông Trump nói với các phóng viên trên Không lực Một.
Ngày 11/4, đặc phái viên của ông Trump là ông Steve Witkoff đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình. Các cuộc đàm phán diễn ra vào thời điểm cuộc đối thoại giữa Mỹ và Nga nhằm thống nhất lệnh ngừng bắn trước khi có thể đạt được thỏa thuận hòa bình để chấm dứt chiến tranh dường như đã bị đình trệ do bất đồng về các điều kiện tạm dừng hoàn toàn các cuộc giao tranh.
Tổng thống Trump đã cho thấy dấu hiệu mất kiên nhẫn và đã nói về việc áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các quốc gia mua dầu của Nga nếu ông cảm thấy Moscow đang trì hoãn thỏa thuận. Trước đó vào 12/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã ca ngợi Tổng thống Trump vì những gì ông cho là hiểu rõ hơn về cuộc xung đột Ukraine so với bất kỳ nhà lãnh đạo phương Tây nào khác.
“Khi chúng ta nói về việc loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của bất kỳ cuộc xung đột nào, bao gồm cả cuộc xung đột Ukraine, thì đây là cách duy nhất để giải quyết vấn đề và thiết lập hòa bình lâu dài: Loại bỏ nguyên nhân gốc rễ”, ông Lavrov phát biểu tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Bước đi tiếp theo của Nga và Ukraine
Một số nhà quan sát cho rằng Tổng thống Putin đang thử thách sự kiên nhẫn của ông Trump. Đầu tiên, Nga nêu ra lo ngại về "tính hợp pháp của ông Zelensky", điều đã khiến ông Trump nổi giận. Tuy nhiên, một lần nữa, sự giận dữ chỉ dừng lại ở lời nói.
Thứ hai, Nga hoàn toàn đánh bật lực lượng vũ trang Ukraine ra khỏi các vùng lãnh thổ hiện do Moscow kiểm soát, nhằm tước đi một lợi thế chiến lược của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào.
Thứ ba và quan trọng nhất, giới quan sát cho rằng Tổng thống Putin muốn cải thiện đáng kể "vị thế đàm phán" của mình bằng cách tiếp tục kiểm soát thêm lãnh thổ Ukraine. Vì lý do đó, thời gian gần đây, Nga đã đẩy mạnh các đợt tấn công, nhất là khi mùa hè đang tới gần - thời điểm lý tưởng cho các chiến dịch quân sự.
Song song với đó, Nga cũng đang từng bước khôi phục lại một kênh đối thoại song phương với Mỹ. Đặc phái viên của Tổng thống Putin - ông Kirill Dmitriev đã nhanh chóng tìm được tiếng nói chung với đặc phái viên của Tổng thống Trump là ông Steve Witkoff. Hiện tại, hai bên đang tích cực thúc đẩy các dự án kinh tế chung, từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của Nga cho đến kế hoạch “mở khóa” hàng trăm tỷ USD tài sản của Nga đang bị đóng băng tại Brussels theo hướng đôi bên cùng có lợi.
Nhìn chung, Nga không mấy vội vàng khi nền kinh tế của nước này vẫn đủ sức để tiếp tục duy trì chiến dịch quân sự.
Trong khi đó, ông Trump lại không có quá nhiều thời gian, đặc biệt trong bối cảnh chính sách kinh tế gây tranh cãi của Nhà Trắng và hàng loạt vấn đề khác đang dần khiến chính nội bộ đảng Cộng hòa bất mãn. Ngoại trưởng Marco Rubio cho biết, Mỹ sẽ “chỉ mất vài tuần, chứ không phải vài tháng” để xác định liệu Nga có thực sự nghiêm túc muốn kết thúc xung đột hay không và nhà lãnh đạo Mỹ “sẽ không rơi vào cái bẫy của những cuộc đối thoại bất tận về việc đối thoại".
Khi Ukraine vừa kịp cảm thấy nhẹ nhõm vì cuối cùng ông Trump cũng đã chuyển sự giận dữ bằng lời nói không chỉ về phía họ mà cả với phía Nga, thì Tổng thống Mỹ bất ngờ “cân bằng lại bàn cờ". Tổng thống Putin rõ ràng đã “khiến ông Trump tức giận,” nhưng ông Zelensky thì cũng có thể sẽ “gặp rắc rối lớn” nếu từ chối thỏa thuận về khai thác khoáng sản.
Dù ông Trump có vẻ đã dịu lại sau vụ đối đầu căng thẳng ở Phòng Bầu dục, nhưng rõ ràng ông không quên chuyện cũ và ông đã quyết định “trừng phạt” Kiev bằng một phiên bản thỏa thuận khoáng sản khắt khe hơn nhiều so với đề xuất hồi tháng 2/2025.
Tổng thống Zelensky và các lãnh đạo cấp cao khác của Ukraine đã nhiều lần tuyên bố rõ các “lằn ranh đỏ” của mình và khẳng định rằng bất kỳ văn kiện nào cũng chỉ có thể được ký kết sau một quá trình thảo luận bài bản, kỹ lưỡng và có hệ thống.
Điều đáng lo ngại là trong nội bộ chính quyền ông Trump hiện nay đang có không ít người tích cực thúc đẩy Nhà Trắng từ bỏ hoàn toàn Ukraine để tập trung vào những vấn đề dễ xử lý hơn. Những phản ứng cảm tính và quá mức từ phía Kiev chỉ càng làm củng cố lập luận của nhóm này.
Những bước đi tiếp theo trong tiến trình ngoại giao giữa Ukraine, Mỹ và Nga vẫn chưa rõ ràng. Tổng thống Zelensky cho biết một cuộc gặp giữa phái đoàn Ukraine và Mỹ sẽ diễn ra “trong vài tuần tới”, sau khi phía Mỹ đã có cuộc trao đổi với Nga vào ngày 11/4. Tuy nhiên, các chi tiết về cấp độ đàm phán, nội dung cụ thể hay thậm chí việc liệu lệnh ngừng bắn một phần hiện nay có được kéo dài hay không vẫn là ẩn số.
"Quả bóng đàm phán” ba tuần trước vẫn đang nằm trên sân của Nga và như dự đoán, Moscow sẽ sớm chuyền bóng trở lại cho Ukraine hoặc Mỹ. Nhưng giờ đây, dường như quả bóng đã biến mất hoàn toàn, còn các bên tham gia thì chỉ còn biết lờ mờ tranh cãi xem ai là người đã làm mất nó.