Bước đột phá lịch sử tại khu vực Nagorno – Karabakh
Lãnh đạo ba nước Nga, Armenia và Azerbaijan mới đây đã ký kết thỏa thuận chấm dứt xung đột quân sự tại khu vực Nagonor - Karabakh, sau hơn 1 tháng giao tranh đẫm máu. Giới quan sát chính trị thế giới đánh giá, thỏa thuận này là bước đột phá lớn nhằm kiềm chế 'những cái đầu nóng', đồng thời mang lại hy vọng rằng hòa bình cuối cùng sẽ đến với Nagorno-Karabakh.
Rạng sáng 10-11 (giờ Việt Nam), thỏa thuận chấm dứt xung đột quân sự tại khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh đã được ký kết giữa lãnh đạo ba nước bao gồm Nga, Armenia và Azerbaijan. Trong tuyên bố được đăng tải trên website, Bộ Quốc phòng Armenia nêu rõ: "Từ 5h ngày 10-11, lực lượng vũ trang Cộng hòa Armenia cùng với lực lượng vũ trang Nga sẽ tuân thủ các điều khoản trong lệnh ngừng bắn 3 bên được ký kết bởi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Nagorno-Karabakh".
Theo đó, thỏa thuận bao gồm 9 điểm, đề cập đến việc ngừng bắn hoàn toàn và chấm dứt mọi hành động thù địch trong khu vực xảy ra xung đột. Cụ thể, Azerbaijan và Armenia sẽ giữ nguyên vị trí hiện tại ở Nagorno-Karabakh. Những người di tản và tị nạn sẽ được trở về nhà dưới sự giám sát của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn. Một cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh và thi thể những người tử trận giữa 2 bên sẽ được diễn ra và các hoạt động giao thương kinh tế và vận tải sẽ được nối lại. Đây là nỗ lực thứ tư của các bên nhằm đạt được một biện pháp giảm leo thang bền vững, sau khi các thỏa thuận được ký kết 3 lần trước đó đều không thành công.
Khu vực Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, được quốc tế công nhận chủ quyền cho quốc gia nay. Tuy nhiên, phần lớn người dân ở đây là người Armenia sinh sống, muốn sáp nhập vào Armenia. Việc này đã châm ngòi cho các tranh chấp chủ quyền giữa 2 nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát tại đây từ ngày 27-9 vừa qua đã khiến con số thương vong ước tính lên tới gần 5.000 người.
Nguyên nhân trực tiếp là do vụ đụng độ chết người hồi tháng 7 gần thị trấn biên giới Tovuz, nơi đường ống dẫn dầu và khí đốt quan trọng của Azerbaijan chạy tới Gruzia rồi sang Thổ Nhĩ Kỳ. Binh sĩ Armenia khi đó đã nổ súng nhằm vào một xe quân sự của Azerbaijan, khiến hơn một chục người thiệt mạng, trong đó có Thiếu tướng Azerbaijan Polad Hashimov.
Ngay sau thông báo của Bộ Quốc phòng Armenia, Thủ tướng nước này Nikol Pashinyan thừa nhận, thỏa thuận không phải là chiến thắng cho Armenia. Việc phải ký vào thỏa thuận chấm dứt xung đột là quyết định “đau đớn không thể tả xiết” đối với bản thân ông và người dân, song khẳng định đây là điều tốt nhất trong bối cảnh hiện nay. Theo ông, thỏa thuận được ký dựa trên những phân tích chuyên sâu về tình hình chiến sự thực địa ở thời điểm hiện tại và các ý kiến đánh giá của những chuyên gia quân sự xuất sắc nhất. Về phần mình, Tổng thống AzerbaijanIlham Aliyev nhấn mạnh, thỏa thuận 3 bên vừa đạt được là điểm then chốt trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột.
"Thỏa thuận ngừng bắn trên có tầm quan trọng mang tính lịch sử, cho phép phía Armenia có được một khoảng thời gian ngắn để rút quân khỏi khu vực Nagorno-Karabakh", ông Aliyev cho hay. Còn người đứng đầu chính quyền người Armenia tại Nagorno-Karabakh Arayik Harutyunyancho rằng, lệnh ngừng bắn là điều tất yếu và hi vọng cuộc xung đột có thể chấm dứt càng sớm càng tốt.
Với vai trò trung gian, Tổng thống Nga Putin tin tưởng, thỏa thuận đạt được sẽ thiết lập các điều kiện cần thiết để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh về lâu dài dựa trên cơ sở luật pháp và những lợi ích của 2 quốc gia Azerbaijan và Armenia. Ông Putin thông tin thêm rằng, khoảng 1.960 binh sĩ, 90 xe bọc thép và 380 xe quân dụng các loại của Nga sẽ được triển khai tại Nagorno-Karabakh như thỏa thuận. Số binh sĩ tinh nhuệ thuộc Lữ đoàn Bộ binh cơ giới này được trang bị các loại thiết bị hiện đại hàng đầu quân đội Nga, sẽ đồn trú tại đây trong vòng 5 năm và tự gia hạn thêm 5 năm tiếp theo nếu không bên nào có ý định chấm dứt điều khoản này 6 tháng trước khi hết thời hạn.
Được biết, Ankara sẽ tham gia cùng Moscow trong việc kiểm tra và giám sát quá trình thực thi thỏa thuận ngừng bắn, thông qua một trung tâm giữ gìn hòa bình chung, tại một địa điểm được phía Azerbeijan chỉ định ở những khu vực mà nước này giành được quyền kiểm soát từ Armenia. Thông tin này đã được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan xác nhận ngày 11-11.
Trong một diễn biến có liên quan, hàng trăm người Armenia đã xuống đường biểu tình sau khi Thủ tướng Nikol Pashinyan thông báo đã ký "thỏa thuận đau đớn" về Nagorno-Karabakh với Azerbaijan. Reuters cho biết, những người này đã xông vào đập phá dinh thự của ông Pashinyan và giật bảng tên của Thủ tướng Armenia khỏi cửa văn phòng.
Cảnh sát không can thiệp bởi trong số đó có nhiều cựu binh mặc quân phục dã chiến. Sau đó, họ đã tràn vào bên trong tòa nhà quốc hội Armenia, đập phá đồ đạc và ẩu đả với các nghị sĩ. Chủ tịch quốc hội Ararat Mirzoyan bị mắc kẹt trong đám đông bạo lực và bị những người biểu tình đánh đến bất tỉnh.