Bước đột phá lớn
Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về 'Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao', đã nêu rõ: Bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc vận hành của thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Đặc biệt, ngày 29-7 vừa qua đã diễn ra phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... Đây được đánh giá là những yếu tố làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản khi vừa có thể đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, vừa hạn chế tình trạng đầu cơ.
Thực tế, từ trước đến nay, thị trường đất đai của Việt Nam tồn tại cơ chế 2 giá đất. Một là giá đất theo khung Nhà nước ban hành định kỳ 5 năm/1 lần, điều chỉnh theo quyết định của UBND cấp tỉnh. Thứ hai là giá thị trường và giá này luôn cao hơn rất nhiều so với mức địa phương định giá. Ngoài ra, quy trình thẩm định giá đất chưa bảo đảm tính khách quan, chuyên nghiệp để quyết định giá đất theo cơ chế thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai luôn chiếm số lượng lớn và là nguyên nhân khiến nhiều dự án trọng điểm bị chậm tiến độ…
Việc bỏ khung giá đất sẽ loại bỏ được sự chênh lệch giữa 2 cơ chế giá đất. Từ đó, giá đất sẽ theo thị trường - bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người dân bị thu hồi đất, giúp các dự án đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, để đạt được các lợi ích, việc bỏ khung giá đất cần có những quy định, bước đi rõ ràng, cụ thể từ chính sách để giúp người dân và doanh nghiệp thích ứng. Trong đó, để tiến tới xác định giá đất sát theo thị trường, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu định giá đất, thường xuyên cập nhật sự biến động giá đất trong cả nước.
Nguồn thông tin đáng tin cậy sẽ giúp các cán bộ định giá đưa ra được những kết luận chính xác. Theo đó, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu định giá đất để làm cơ sở thực tiễn, căn cứ khoa học cho mỗi lần điều chỉnh khung giá đất, tránh tình trạng ước lệ, phỏng chừng. Như vậy mới có cơ sở xác định, so sánh, định giá đất trong giao dịch. Thông tin về người dùng có thể được ẩn danh nhưng giá cả, giao dịch, diện tích phải rõ ràng, minh bạch.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc đấu giá quyền sử dụng đất và định giá đất tại các địa phương; nâng cao năng lực của hệ thống tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và định giá đất; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; tập huấn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về đấu giá quyền sử dụng đất và định giá đất. Ngoài ra cần xây dựng cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng thẩm định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định và năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá; năng lực và đạo đức của các định giá viên.
Bỏ khung giá đất và xác định giá theo nguyên tắc vận hành của thị trường là bảo đảm công khai, minh bạch - một bước đột phá lớn trong công tác quản lý đất đai.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1038755/buoc-dot-pha-lon