Bước đột phá sau 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính

Nghị quyết 15/2008/QH12 là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu một trang sử mới trên chặng đường xây dựng và phát triển Thủ đô. 15 năm sau dấu mốc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1/8/2008 - 1/8/2023), Vóc dáng, diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại và to đẹp hơn. Hà Nội có nhiều bứt phá, phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước...

Hạ tầng giao thông, đời sống kinh tế - xã hội tại Thủ đô đang tăng nhanh vượt bậc. (Ảnh: Khánh Huy)

Hạ tầng giao thông, đời sống kinh tế - xã hội tại Thủ đô đang tăng nhanh vượt bậc. (Ảnh: Khánh Huy)

Phát triển hạ tầng giao thông

Thời gian qua, dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, thách thức, nhất là sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng miền, lượng công việc phải thực hiện lớn nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy lợi thế, vượt qua thách thức. Dễ thấy, tại Hà Nội, nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đường bộ khép kín. Ngay sau khi sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, hàng loạt dự án giao thông lớn đã được triển khai thực hiện nhằm kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông...

Phát huy nội lực của Thủ đô, sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, TP Hà Nội đã có 7 tuyến đường hướng tâm (tổng cộng 111,32km chạy qua địa bàn), 8 tuyến QL hướng tâm (244,58km) được hình thành và đưa vào khai thác; hoàn thành 132,26/285,46km của 7 tuyến đường vành đai. Cùng với đó, nhiều tuyến đường, giao thông quan trọng của Hà Nội đã được đưa vào sử dụng thời gian qua, như: Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 3, trục phía Nam Hà Tây, QL 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi), Đường bê tông chạy tới những xã nghèo nhất ở cực Tây TP, nơi sinh sống của đồng bào Mường trước thuộc tỉnh Hòa Bình.

Một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại nút giao thông quan trọng như Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - Thanh Niên, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Tản Lĩnh - Ba Vì... Những trục giao thông này đã, đang và sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô. 4 tuyến đường hướng tâm kết nối khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh (Hồ Tây - Ba Vì, Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai) cũng đang được khẩn trương đầu tư. Trong hệ thống 18 cầu vượt sông Hồng, đến nay đã có 9 cầu hoàn thiện, gồm: Cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Văn Lang, Trung Hà. 6/18 cầu gồm: Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc, Thượng Cát, Trần Hưng Đạo đang hoàn thiện thủ tục để khởi công. Riêng đường Vành đai 4, TP phấn đấu hoàn thành trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.

Ông Nguyễn Phi Thường, GĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết: Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thì việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giữ vai trò quan trọng và là tiền đề phát triển đô thị. Các điều kiện về hạ tầng GTVT là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá điều kiện sống đô thị hiện đại. Đến nay, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, mạng lưới vận tải hành khách công cộng của TP Hà Nội không chỉ có xe buýt mà còn có thêm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; 1 tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa; 9 tuyến xe buýt điện, 10 tuyến buýt sử dụng năng lượng khí hóa lỏng CNG. Đến nay 26/7/2023 tổng là 154 tuyến (trong đó có 132 tuyến trợ giá). Số lượng phương tiện hiện lên tới 2.279 xe. Về hạ tầng, mạng lưới vận tải công cộng có 351 nhà chờ, 4.405 điểm dừng đỗ, 5 điểm trung chuyển và 127 điểm đầu cuối...

Đời sống kinh tế tăng nhanh vượt bậc

15 năm qua, dù phải đối mặt với không ít thách thức khi dân số tăng nhanh, phát triển đô thị mất cân đối, hạ tầng kỹ thuật còn sự chênh lệch giữa các vùng miền, nhưng với nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, đặc biệt là với nhiều chính sách riêng, Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ ở nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội…

Quy mô kinh tế Thủ đô đến nay đạt xấp xỉ 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 50 tỷ USD, cao gấp hơn 4 lần năm 2008 và tương đương với 1/8 quy mô kinh tế cả nước (khoảng 409 tỷ USD). Thu ngân sách Nhà nước TP tăng bình quân khoảng 8,7%/năm. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội lần đầu tiên vượt 332 nghìn tỷ đồng, đứng thứ hai cả nước. 6 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách TP đã đạt 220.000 tỷ đồng, bằng 64,2% dự toán; trong đó, 94% là thu nội địa. Đời sống Nhân dân ở các khu vực của Hà Nội đã cải thiện đáng kể so với thời điểm hợp nhất. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn TP đạt 141,8 triệu đồng/người/năm, tương đương với 5.991 USD (tỷ giá hiện tại), gấp hơn 3,5 lần năm 2008 (1.697 USD). Đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo toàn TP còn đến 8,43%. Đến đầu năm 2023, Hà Nội chỉ còn có 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng dân số; đặc biệt, 16 quận, huyện đã không còn hộ nghèo.

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã khẳng định được tầm vóc mới, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Trong đó mục tiêu đặt ra, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 7,5% - 8%; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 8.300-8.500 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 12.000 - 13.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 17%, đến năm 2030 đạt khoảng 20%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt khoảng 40%; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 80%. Năng suất lao động tăng bình quân đến năm 2025 đạt 7,0-7,5%, đến năm 2030 đạt 7,5%...

Tuy nhiên, trên bước đường phát triển để trở thành một TP văn hiến, văn minh, hiện đại, Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Hiện nay, TP đang tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn là: Lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Thủ đô. Hà Nội quyết tâm hoàn thành các nội dung này để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới...

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/buoc-dot-pha-sau-15-nam-ha-noi-mo-rong-dia-gioi-hanh-chinh-346020.html