'Bước đột phá' trong việc bảo vệ đa dạng sinh học
Sau nhiều năm đàm phán, ngày 4/3 (giờ địa phương), các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) cuối cùng cũng đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ biển cả (high seas) - vốn được coi là 'kho báu' quan trọng, song dễ bị tổn thương, chiếm gần 50% bề mặt Trái Đất. Đây là kết quả được mong đợi từ lâu mà các tổ chức môi trường cho rằng có thể đảo ngược những tổn thất đa dạng sinh học biển cũng như đảm bảo phát triển bền vững.
Hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo tồn và đảm bảo sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương đã được thảo luận trong suốt 15 năm, trong đó có 4 năm đàm phán chính thức và được các nhà đàm phán của trên 100 nước nhất trí sau 5 vòng đàm phán kéo dài, do LHQ chủ trì tại New York (Mỹ).
Hiệp ước này được thông qua một ngày sau hạn chót dự kiến ban đầu. Trong một tuyên bố, chủ trì hội nghị, bà Rena Lee đã hoan nghênh việc các nước thông qua văn bản của hiệp ước nói trên. Đây được coi là một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030, còn biết đến với tên gọi sáng kiến 30x30, được các nước thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại Montreal, Canada, hồi tháng 12/2022.
Theo bà Rena Lee, hiệp ước sẽ được chính thức thông qua sau khi ngôn từ được các luật sư xem xét chặt chẽ và được dịch ra 6 ngôn ngữ chính thức của LHQ. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã hoan nghênh việc thông qua văn bản của hiệp ước, coi đây là một "chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và của những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại các xu hướng hủy diệt đại dương". Dù văn bản chính thức chưa được công bố, song các nhà hoạt động môi trường coi việc các nước cùng nhất trí về hiệp ước sau thời gian dài đàm phán là "bước đột phá" trong việc bảo vệ đa dạng sinh học.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/buoc-dot-pha-trong-viec-bao-ve-da-dang-sinh-hoc-i685579/